Nếu không thốt ra được những lời tích cực thì thà im lặng để không làm người khác thất vọng, tổn thương, cũng như không làm xấu đi hình ảnh của mình.
Như một hệ quả tất yếu, những người nói năng, suy nghĩ tiêu cực thường ít bạn bè (ảnh minh hoạ) |
Rủ đi ăn ở đâu bạn cũng chê. Chỗ sang trọng bạn than mắc tiền, chỗ bình dân bạn sợ mất vệ sinh, bạn nhìn đâu cũng thấy virus. Rủ đi chơi, bạn bảo thú vui “phượt” chỉ dành cho kẻ rảnh rang. Đi gần bạn bảo chán, đi xa bạn bảo mất thời gian, mệt mỏi, tốn kém.
Xem ảnh người đẹp, bạn bảo toàn “đồ giả”, nhìn là biết cái này sửa, cái kia, không thật, cái nọ chỉ ở mức bình thường, đâu có gì đặc sắc. Ai đó được khen hát hay, bạn “phán”: “Nhờ kỹ thuật phòng thu!”. Dường như trong mắt bạn, chẳng có ai, chẳng có điều gì tốt đẹp.
Đó là những gì tôi cảm nhận được về Xuyến – cô bạn đồng nghiệp thuở nào. Thực ra, trong cuộc sống, người như Xuyến không hiếm. Họ thuộc nhóm không thể tiếp nhận việc khen người khác. Với họ, nếu có ai thành công hay đạt thành tích nhất định thì chẳng qua do được hậu thuẫn, có người “chống lưng”, do may mắn hay khéo xoay xở… chứ chẳng tài cán gì.
Không khó để bắt gặp những người này qua những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, đặc biệt dưới các bài đăng của những người nổi tiếng.
Có phân tích cho rằng tư tưởng u ám, suy nghĩ tiêu cực của người hay chê là kết quả của một cuộc sống không mấy suôn sẻ, là “dư chấn” của một tuổi thơ bất hạnh. Trong khi đó, những người hay chê thường tự cho rằng mình thẳng tính, “có sao nói vậy”. Họ không phân biệt được sự khác nhau giữa lời nhận xét mang tính đóng góp, xây dựng và lời chê bai, miệt thị. Họ càng không nhận ra lối suy nghĩ tiêu cực như một lớp rào cản vây quanh, khiến ai cũng ngại gần họ sau một thời gian tiếp xúc.
Ở một số người, nguồn cơn sâu xa là sự tự ti, mặc cảm về một khiếm khuyết hay xuất phát từ một sự cố không vui trong quá khứ, hay do sự bất mãn ở hoàn cảnh hiện tại.
Ở một số người khác, có thể họ thành công dễ dàng nên luôn cho mình là giỏi, là đẹp, hoàn hảo, nhìn ai cũng chỉ thấy khiếm khuyết, thua kém mình.
Có ai muốn đến gần người có năng lượng độc hại? (Ảnh minh họa) |
Tiếp xúc với nhóm người nói trên, chúng ta khó tránh bị ảnh hưởng bởi thứ năng lượng tiêu cực phát ra từ họ, vì họ ít khi thừa nhận những gì tích cực từ người khác. Những lời chê bai có thể đúng hoặc sai, nhưng chắc chắn chẳng thể giúp mọi thứ xung quanh trở nên tốt đẹp.
Một phụ nữ dù xinh đẹp đến mấy nhưng mở miệng là chê bai, hoặc một quý ông thành đạt nhưng toàn thốt ra những lời trịch thượng, hạ thấp người khác… Vậy có ai muốn đến gần họ?
Chưa kể, nguyên tắc ứng xử khôn ngoan để không ảnh hưởng đến những mối quan hệ là: Nếu không thốt ra được lời tích cực thì thà im lặng, đừng nhấn chìm người khác vào thất vọng, tổn thương, cũng như đừng làm xấu đi hình ảnh của mình.
Đào An Nhiên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nang-luong-tieu-cuc-tu-loi-che-a1521853.html” name=””]