Ngày 13/11, Nepal thông báo nước này quyết định cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok do lo ngại tác động tiêu cực của ứng dụng này tới sự hòa hợp xã hội.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Rekha Sharma cho biết lệnh cấm được ban hành cùng ngày và các cơ quan liên quan đang xử lý các vấn đề kỹ thuật.
Theo Bộ trưởng Sharma, lệnh cấm này xuất phát từ việc TikTok thường xuyên được sử dụng để chia sẻ những nội dung “gây mất cân bằng xã hội và phá vỡ cấu trúc gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội”.
Vài giờ sau khi cơ quan chức năng công bố quyết định trên, đoạn video về lệnh cấm đã thu hút hàng nghìn lượt xem trên chính ứng dụng này.
Trước đó vài ngày, Chính phủ Nepal đã ban hành chỉ thị yêu cầu các nền tảng mạng xã hội hoạt động tại nước này phải thành lập văn phòng đại diện.
Theo công ty truyền thông xã hội We Are Social, TikTok – thuộc sở hữu của ByteDance – là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới và thu hút khoảng 1 tỷ người dùng mỗi tháng. Tuy nhiên, nền tảng này đang phải đối mặt với những hạn chế ở nhiều quốc gia do vi phạm các quy định về dữ liệu cũng như do tác động tiềm tàng của nó đối với giới trẻ.
Gần đây, Liên minh Châu Âu đã mở các cuộc điều tra về TikTok để làm rõ những biện pháp mà nền tảng này đã thực hiện để tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số mà khối này vừa thông qua, đặc biệt là liên quan đến những rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em.
Đạo luật này yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ phải làm nhiều hơn nữa để chống lại sự lan truyền của nội dung bất hợp pháp, có hại và thông tin sai lệch. Theo luật này, các nền tảng vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt có thể lên tới 6% doanh thu toàn cầu.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nepal-cam-tiktok-do-lo-ngai-tac-dong-tieu-cuc-den-su-hoa-hop-xa-hoi -20231114095350528.chn” name=””]