Nếu qua đời khi làm nhiệm vụ trên sao Hỏa, phi hành gia có thể trở thành xác ướp tự nhiên, với hài cốt vẫn còn tồn tại sau hàng chục triệu năm.
Trong suốt hơn 50 năm khám phá không gian, thế giới đã ghi nhận sự hi sinh của tổng cộng 18 phi hành gia vì nhiều lý do khác nhau.
Tuy nhiên, với kể hoạch tổ chức các chuyến du lịch vũ trụ hay kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa, khả năng cao là chúng ta sẽ được chứng kiến thêm nhiều cái chết trong không gian.
Đáng nói, khác với việc qua đời trên Trái Đất, việc qua đời trên không gian, trên Sao Hỏa hay trên một con tàu đang trên đường tới Sao Hỏa lại mở ra rất nhiều điều cần giải quyết. Vậy điều gì sẽ xảy ra với cơ thể của một phi hành gia hay hành khách khi họ du hành vũ trụ?
Chưa có quy định và phương án xử lý chính thức
Trước hết, cho tới hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ quy định chính thức nào về những gì xảy ra với cơ thể bạn khi bạn qua đời trong không gian.
Theo chính sách của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, quyết định xử lý cơ thể người chết sẽ được ban lãnh đạo cơ quan này cùng các đối tác/ tổ chức hàng không vũ trụ khác đưa ra.
Chưa có quy định và phương án xử lý chính thức nào được quy định bởi các cơ quan hàng không vũ trụ trong trường hợp một phi hành gia qua đời trong không gian. Ảnh: Internet
Mặc dù vẫn chưa có trường hợp phi hành gia nào qua đời trên không gian cho đến nay (không tính các trường hợp qua đời khi được phóng lên vũ trụ hay trong quá trình hồi quyển về Trái Đất), NASA vẫn đưa ra các trường hợp “mô phỏng cái chết” để xem xét các khả năng có thể xảy ra.
Các trường hợp này sẽ được các phi hành gia thảo luận và xem xét, từ đó đúc rút kinh nghiệm giải quyết, theo tiết lộ của Chris Hadfield, cựu trưởng nhóm phi hành gia trên trạm ISS.
“Nếu một ai đó qua đời khi đang thực hiện nhiệm vụ đi bộ ngoài không gian (EVA), tôi sẽ mang họ trở lại khoang kín khí. Tôi có lẽ sẽ để xác của họ bên trong bộ đồ điều áp. Cơ thể con người phân hủy nhanh hơn trong bộ đồ phi hành gia, và chúng tôi không muốn có mùi hôi hoặc khí thải phát ra, điều đó không hợp vệ sinh. Vì vậy, chúng tôi sẽ giữ họ trong bộ đồ và bảo quản ở một nơi có nhiệt độ thấp trên trạm vũ trụ”.
Nhìn chung, trên trạm vũ trụ quốc tế ISS, vấn đề một ai đó qua đời có thể được giải quyết tương đối nhanh chóng: Bảo quản tạm thời trong khoang lạnh của ISS, sau đó đưa về Trái Đất. Nhưng trong các nhiệm vụ dài hơn – chẳng hạn như tới Sao Hỏa – các giải pháp khác sẽ là cần thiết.
Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao chúng ta không ném các thi thể ra ngoài không gian? Phương án này cũng tương tự như nghi thức chốn cất dưới biển nhằm tiễn đưa các thuỷ thủ và các nhà thám hiểm, khi thi thể của họ được thả xuống từ trên tàu để những con sóng lớn bên dưới đưa đi xa.
Mặc dù là một phương án tưởng chừng là hợp lý, phương án này lại ẩn chứa các nguy cơ tiềm tàng. Cụ thể, nó đi ngược lại thỏa thuận giảm thiểu mảnh vỡ và rác thải không gian của Liên Hợp Quốc. Việc đưa thi thể một ai đó trôi nổi ngoài không gian có thể gây ra một sự cố tầm quốc tế, khi chính thi thể giờ được phân loại thành rác thải không gian.
Điều này buộc NASA phải tìm ra một giải pháp khác.
Vào năm 2005, NASA hợp tác với một công ty nhỏ ở Thuỵ ĐIển là Promessa nhằm thiết kế nguyên mẫu của một hệ thống xử lý và lưu trữ tử thi trong không gian, được gọi là Body Back (nghĩa là “Mang tử thi trở về”). Theo đó, thi thể người chết sẽ được đặt bên trong một chiếc túi, vốn được gắn vào một cánh tay robot bên ngoài trạm không gian hay tàu vũ trụ.
Do nhiệt độ cực lạnh (-270 độ C) của không gian, thi thể sẽ đóng băng nhanh chóng ở thể rắn. Khi đó, cánh tay robot sẽ bắt đầu rung chiếc túi trong 15 phút, cho đến khi thi thể vỡ tung thành từng mảnh nhỏ. Các mảnh này sẽ được khử nước, vốn bay hơi ra khỏi túi thông qua một lỗ thông hơi. Những gì còn lại trong Body Back là khoảng 22kg hài cốt dưới dạng bột khô để mang về Trái đất.
Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể một ai đó nếu họ qua đời trên bề mặt Sao Hỏa?
Xét về quy trình, một lần nữa, không có nhiều quy định về cách thức xử lý được đặt ra. Các phi hành gia trên Sao Hỏa sẽ phải có một cuộc thảo luận với nhóm vận hành tại Trái Đất về việc này. Bản thân NASA cũng hết sức cẩn thận để không làm ô nhiễm Sao Hỏa. Cơ quan này cũng muốn các thi thể được hỏa táng để tiêu diệt tất cả các vi khuẩn tới từ Trái Đất.
Việc mang thi thể của người qua đời trong không gian trở về Trái Đất thường không được các cơ quan vũ trụ tính đến. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, nếu giải pháp hỏa táng bất khả thi hoặc toàn bộ phi hành đoàn gặp sự cố nghiêm trọng, có thể cơ thể họ sẽ bị chôn vùi hoặc bị bỏ lại trên bề mặt Sao Hỏa.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, xác của con người trên bề mặt Sao Hỏa sẽ không bị phân hủy như trên Trái Đất.
Nếu qua đời vào thời điểm ban ngày trên sao Hỏa, vi khuẩn bên trong cơ thể sẽ bắt đầu quá trình phân hủy như bình thường. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống, cơ thể sẽ đóng băng và vi khuẩn sẽ bị bất hoạt. Không có vi khuẩn để phân hủy, các mô mềm trên thi thể vẫn an toàn, biến phần còn lại của người chết trở thành xác ướp trên sao Hỏa.
Tuy nhiên, xác ướp này không tồn tại mãi mãi. Do bầu khí quyển và từ quyển của Sao Hỏa khá mỏng, bức xạ từ vũ trụ sẽ dần phá hủy thi thể, nhưng trong khoảng thời gian dài hơn nhiều so với Trái Đất. Mặc dù vậy, phần xương cốt có thể vẫn còn tồn tại suốt hàng chục triệu năm.
Nguồn: IFL Science
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/neu-phi-hanh-gia-qua-doi-tren-sao-hoa-dieu-gi-se-xay-ra-voi-co-the-ho-20230114173151776.chn” name=””]