Đi chợ cũng là cách để giải trí! Nghe thật kỳ lạ nhưng điều đó hoàn toàn đúng nếu bạn đến thăm khu chợ nông sản PSU nằm ngay trong khuôn viên trường đại học Portland State University.
“Dưới những tán cây du khổng lồ trong khuôn viên Đại học Bang Portland, các quầy hàng đầy ắp trái cây và rau tươi rói theo mùa, các nhạc công tài năng chơi những bản nhạc đi vào lòng người. Cả mùi bánh mì nóng hôi hổi thoảng trong không khí. Thật là sự khoan khoái khó diễn tả bằng lời”.
Đó là dòng miêu tả của blogger Antonina khi nói về chợ nông sản PSU nằm ở trung tâm thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ). Đây được xem là chợ nông sản lớn thứ 3 của nước Mỹ, thu hút nhiều người đến tham quan, mua sắm.
Có lẽ vì vậy mà chị Nguyễn Hương Trà, một phụ nữ Việt hiện đang sinh sống cùng gia đình ở Mỹ, cũng “lỡ yêu” khu chợ này để đến nỗi đi chợ trở thành niềm say mê, háo hức của chị mỗi dịp cuối tuần.
Chị Nguyễn Hương Trà hiện đang sống cùng gia đình ở Beaverton, bang Oregon (Mỹ).
Cả gia đình thường dắt tay nhau đi bộ đi chợ mỗi dịp cuối tuần.
Đi chợ như một thú vui
Chị Trà kể: “Đều đặn mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, cả nhà mình dắt tay nhau đi chợ nông sản. Các cụ dạy là không sai rằng ‘mùa nào thức nấy’. Chợ mùa hè có một nét đẹp rất riêng. Góc nào cũng đều thấy hoa quả rau củ tươi rói xanh mướt”.
Được biết, chợ nông sản PSU họp đều đặn vào sáng thứ 7 hàng tuần. Chợ mở quanh năm, dù nắng hay mưa thì 100 sạp hàng vẫn mở đều vào mỗi sáng thứ 7.
Theo thống kê trên trang Portlandfarmersmarket, vào mùa hè, khu chợ này chào đón tới 12.000 người mua sắm vào các Thứ Bảy. Người dân và đầu bếp ở khu vực Portland, cùng với du khách từ khắp nơi trên thế giới, đổ xô đến chợ để ngắm và mua rau quả tươi. Người ta ví đó là trải nghiệm “nhất định phải làm” vào Thứ Bảy khi đến Portland.
Chị Trà cho biết:“Đồ ở chợ này thì không phải là tươi mà là rất tươi. Người nông dân thường gặt hái sáng sớm xong 7 giờ lái ra chợ sắp hàng ra sạp rồi. Đến khoảng 8-9 giờ, chợ mở cửa cho người mua. Độ tươi ngon thì đảm bảo là hơn siêu thị nhưng không rẻ hơn siêu thị”.
Tuy nhiên, với chị Trà, việc đi chợ nông sản không chỉ đơn giản vì đồ tươi ngon, chất lượng mà lý do quan trọng nữa là trực tiếp giúp đỡ nông dân tiêu thụ nông sản, không phải qua khâu trung gian.
Chị nói: “So với giá thành ở siêu thị, thì ở chợ nông sản nhỉnh hơn đôi chút nhưng ngoài việc đảm bảo nguồn gốc và chất lượng hàng hoá thì mình còn trực tiếp giúp đỡ những người nông dân bản xứ nữa.
Khi mua hàng ở siêu thị, siêu thị mua buôn (số lượng nhiều), đa phần hàng được chuyển từ nhiều khu vực khác nhau trên nước Mỹ về các siêu thị bán lẻ nên người nông dân sẽ chỉ được trả giá khá bèo bọt.
Khi đi chợ nông sản, tại mỗi sạp hàng, mình sẽ biết được tường tận về nguồn gốc rau quả, từ trạng trại nào, ở đâu. Mình cũng trực tiếp nói chuyện với những người nông dân về cách họ nuôi trồng, có nhiều loại rau củ mới lạ, mình nói chuyện với họ để nghe chia sẻ kiến thức rất hay.
Những chủ sạp hàng ở chợ nông sản thường là chủ các trang trại nhỏ thôi nên họ không đủ để cung cấp cho siêu thị nhưng vì nhỏ nên họ chu đáo chăm sóc cho rau củ quả được kĩ hơn.
Nhiều khi đi chợ mua đồ mình cũng gặp các em bé ra giúp bố mẹ bán hàng nữa. Mình cảm thấy không chỉ giúp đỡ trực tiếp người nông dân và còn ủng hộ cho cả một thế hệ nông dân tương lai”.
Đắt nhưng xắt ra miếng
Dù là đi chợ hay vào siêu thị, điều người ta luôn quan tâm vẫn là giá cả và độ tươi ngon của thực phẩm. Đối với chị Trà cũng vậy, chị biết giá rau ở chợ nông sản đắt hơn siêu thị nhưng vẫn quyết lựa chọn chợ để mua cho gia đình những mớ rau, cân trái cây tươi ngon, hảo hạng nhất.
Chị Trà nói: “Nhà mình được cái ở rất gần nhiều chợ nông sản. Đi xe ô tô thì chỉ tầm 10-30 phút là nhiều nhất. Có chợ gần nhà mình đi tầm 20 phút đi bộ. Vậy nên cuối tuần thứ 7 trời đẹp là cả nhà hay rủ nhau đi bộ ra chợ mua đồ, vừa khoẻ vừa vui vừa tiết kiệm xăng xe”.
Giá hàng hoá ở chợ nông sản so sánh với giá hàng tại Việt Nam thì chị Trà thấy đắt hơn nhưng chất lượng thì cực kì đảm bảo. Đa phần đồ bán ở chợ nông sản là hàng organic và seasonal (thực phẩm theo mùa), Non-GMO (không biến đổi gen), thịt thì không có bảo quản lâu, tươi sạch, không tăng trọng.
Và khu chợ nông sản PSU là minh chứng cho thấy không phải cứ đồ ở chợ là xấu xí, không ngon. Chị nói: “Ở khắp nước Mỹ thì mình không khẳng định được nhưng ở khu vực mình sống là Beaverton, Oregon thì chợ nông sản rất được ưa chuộng. Đi chợ nông sản mình có thể thấy từ thế hệ 8x, 9x hay đến thế hệ các ông bà mình. Đặc biệt nhóm người ăn chay và nhóm người sống thân thiện với môi trường. Họ rất thích đi chợ nông sản. Người Mỹ nhìn chung thì vẫn chuộng đi siêu thị hơn vì nhiều lí do, nhưng nhiều người đi chợ nông sản giống như một phần văn hoá vậy đó.
Được cái chợ nông sản ở đây mở nhiều ngày trong tuần, mỗi ngày là ở một chỗ khác nhau nên người dân tha hồ đi mua thoải mái, không phải mua số lượng lớn rồi trữ đông. Lúc nào cũng có hàng hoá tươi ngon không có thuốc bảo quản như hàng ở siêu thị. Thích nhất là đồ seasonal nên đảm bảo.
Qua đây, mình cũng muốn truyền một chút cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ, lối sống ăn sạch, ăn thực phẩm theo mùa, và ủng hộ nông sản địa phương”.
Cứ như vậy, mấy năm theo chồng sang Mỹ sinh sống là từng ấy năm chị Trà càng thêm yêu những quầy hàng chợ nông sản địa phương. Chúng khiến chị vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà và thêm gần gũi với thiên nhiên, sống chan hòa, vui khỏe.
Cảm ơn chị Trà vì những chia sẻ thú vị của chị!
Ảnh: NVCC
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nguoi-phu-nu-viet-say-me-di-cho-nong-san-lon-thu-3-nuoc-my-mua-duoc-gia-re-nhung-con-ly-do-dang-hoan-nghenh-hon-20221230204051591.chn” name=””]