Dư sức nuôi ba đứa con, nhưng chị vẫn nhẫn nhịn hầu hạ ông chồng. Anh thì làm nghề… chơi game, xem điện thoại và sai bảo vợ con.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Khách vào đến nhà, thể nào cũng nghe anh gọi:
– Em ơi! Lấy trái cây ra mời chị này!
Chị vợ sẽ “dạ” thật to, rồi chị xuất hiện với một đĩa trái cây trước khi rút lui về nơi chị trưng dụng để làm nghề may. Lần này ghé, tôi không ở phòng khách mà theo chị vào trong để lấy số đo, may một bộ áo dài. Chị hỏi:
– Em vào nhà có thấy sự lạ không?
Tôi nói không. Chị tiếp:
– Chị không thèm nói chuyện mấy ngày nay.
“Không nói chuyện” là từ dân dã chị hay dùng để gọi tên tình trạng “giận hờn, chiến tranh lạnh” giữa vợ chồng. Khoảng một tháng nay, tôi đã ba lần nghe chị khoe đang “không nói chuyện”. Lần này, chị kể:
– Chị may đồ cho khách rồi lo nhà cửa, con cái tối tăm mặt mũi. Vậy mà sáng hôm qua ổng dậy thấy nồi thịt kho tối hôm trước bị thiu, ổng la chị. Chị bực!
Và chị “không thèm nói chuyện”. Với người khác, giận hờn nhiêu đó chẳng bõ bèn gì. Nhưng với chị, đó là phản ứng mạnh nhất suốt mười năm hôn nhân.
Ở cái thôn này ai cũng biết anh rất có uy trong nhà. Sự tháo vát, giỏi giang và ngoan ngoãn của chị càng làm tăng thêm uy tín của anh. Bạn bè của anh đến, chị vui vẻ làm mồi ngon, bày biện chu đáo. Tàn cuộc, chị lại dọn dẹp chỉn chu, không than nửa lời. Vợ chồng cưới mười năm, có ba đứa con, đứa học tiểu học, đứa mầm non, đứa đi nhà trẻ – một tay chị đưa rước, chăm bẵm.
Anh thích ăn ngon, am hiểu các món hưởng thụ. Hễ chị nấu ăn sơ suất một chút, anh đều phát hiện và không tiếc lời chê. Suốt thanh xuân của chị, chỉ riêng việc “lấy được lời khen của anh” đã tốn bao tâm sức. Nghe chuyện nhà chị, ai cũng thắc mắc rằng anh làm chức vụ gì mà uy nghi đến thế?
Anh chẳng có nghề nghiệp gì! Cách đây ba năm, anh nghỉ nghề lái xe khi 35 tuổi. Lý do nghỉ vì anh được ba mẹ cắt cho bảy sào đất. Anh ở nhà chơi game, xem điện thoại và sai bảo vợ con.
Nhìn chị tất tả sớm hôm với một ông chồng, ba đứa con và… một bầy bạn bè nhậu của chồng, phụ nữ trong xóm ai cũng bực mình. Mẹ tôi bảo tôi: “Con am hiểu văn minh bình đẳng giới, mà sao không khuyên chị Thùy “nổi dậy”? Nó làm nghề may dư sức nuôi ba đứa con, việc gì phải đi hầu hạ ông chồng!”. Thế nhưng, hễ ai khuyên răn, đều bị chị… nghỉ chơi. Chưa thấy ai giảng giải bình đẳng giới với chị mà hiệu quả.
Vậy nên, nghe tin chị Thùy “không thèm nói chuyện” với chồng, ai cũng mở cờ trong bụng. Mà trùng hợp, là việc chị “phản kháng” lại trùng với thời điểm chị mở lại tiệm may.
Cách đây một tháng, chị gửi thằng Út đi nhà trẻ xong là tiến hành mở tiệm may đồ cho chị em trong vùng. Dù năng suất may còn thấp vì quá bận việc nhà, nhưng chị vẫn quyết tâm làm “để ít nhất còn có đồng ra đồng vào, vì ông chồng đã không thèm lao động nữa”.
Ngay khi mở tiệm, chị đã phải đặt một loạt báo thức trong điện thoại để nhắc giờ đưa, rước con. Buổi chiều đầu tiên, chị giật mình hỏi:
– Mấy giờ rồi anh? Tới giờ đón con chưa?
Chồng chị đang cầm điện thoại chơi game, liền gào lên:
– Bốn giờ rồi, làm mẹ mà không để ý giờ đón con gì hết!
Chị buông chiếc kéo, chạy vội ra xe trong khi anh vẫn đang la mắng. Chị phân trần:
– Anh lấy điện thoại của em chơi game, nên em không coi giờ được!
Anh lại gằn giọng:
– Đã là trách nhiệm của mình thì phải tự để ý, đừng có đổ thừa!
Chị im lặng chạy đi trong sự ngỡ ngàng của khách. Chị mở tiệm, hàng xóm thay nhau tới đặt may và chứng kiến sự quá quắt của anh. Mọi người đúc kết rằng anh có tài lý lẽ rất siêu, dù sai quấy đến đâu, anh cũng có cớ đổ lỗi cho chị. Ví dụ, khi chị nhắc anh chú ý đừng bày bừa sau khi chị đã dọn nhà sạch sẽ, anh lập tức nói:
– Em dọn được thì đừng nói, mà đã nói thì đừng dọn!
Cả ngàn điều vô lý, chị vẫn cúi đầu nhẫn nhịn. Cho đến gần đây, khi bắt đầu biết bày tỏ cảm xúc trước sự quá quắt của chồng, chị lý giải:
– Ngày xưa chị chỉ nội trợ, đầu óc rảnh rang nên cứ tập trung vô ảnh, sợ ảnh chê, ảnh phật ý. Giờ thì chị bận lắm, chị cần được đối xử như một người bình thường. Ảnh lịch sự, đàng hoàng thì chị nói chuyện. Còn ảnh không biết điều, thì chị không thèm!
Nhiêu đó vẫn chưa “đã nư” những người hàng xóm, họ cho rằng giữa vợ chồng chị vẫn chưa có bình đẳng, họ xúi nhau “sẵn chị đang tỉnh ra thì nói cho chị tỉnh hẳn, để đòi lại công bằng cho phụ nữ”.
Nhưng, bình đẳng cần xuất phát từ nhận thức bên trong, từ sự tự tin và tôn trọng bản thân của chính mỗi người chứ không phải rao giảng mà có được. Tất cả điều này đều phải đến từ trải nghiệm tự thân. Khi cuộc sống cân bằng, khi chính người phụ nữ cảm nhận được vai trò của mình và tự tin với điều đó, họ sẽ tự biết mình xứng đáng với điều gì.
Và chị Thùy, dẫu chỉ mới bắt đầu “tỉnh ra” từ khi tự chủ kinh tế. Nhưng tôi tin rằng chính từ cột mốc này, chị sẽ biết điều chỉnh và dần hóa giải những vô lý trong đời sống vợ chồng.
Tuệ An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-vo-ngoan-bat-dau-tinh-ra-a1468800.html” name=””]