Tôi biết con thương nhớ ba, nhưng tôi hiểu một phần hành xử của con là “tác phẩm” của ông – bà – cô – chú…
Con trai càng lớn càng có xu hướng nghe nhà nội để giám sát mẹ (hình minh hoạ) |
Trên đường trở về sau buổi họp lớp, tôi nhận tin nhắn của cô em chồng. Em gửi bức hình tôi chụp cùng người bạn nam được bạn bè chia sẻ trên Facebook rồi nhắn: “Thằng nhóc xem cái hình này mà khóc mãi. Chị làm gì cũng nên nghĩ đến con. Thằng bé đã tổn thương nhiều rồi”.
Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Từ ngày chồng mất, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đi bước nữa, nhưng nhà chồng luôn gây áp lực bằng những chuyện không đáng.
Tôi kết hôn được 10 năm, vừa có một con trai nhỏ thì chồng tôi mắc bệnh ung thư. Đang trên đà phát triển sự nghiệp, bệnh tật ập đến là cú sốc lớn với chồng, nhưng vốn là người tiềm tĩnh, giỏi giang, anh đã thu xếp mọi việc để đảm bảo cuộc sống cho 2 mẹ con về sau .
Anh để lại nhà cửa, xe cộ, tiền tiết kiệm và một số bất động sản cho thuê nên tôi không phải lo lắng về kinh tế. Những ngày cuối cùng, anh muốn tôi hứa ở vậy nuôi con. Anh sợ tôi đi bước nữa con sẽ buồn khổ vì mẹ có chồng mới, con mới. Anh bày tỏ điều này với người thân, bạn bè đến thăm và nhờ họ giúp đỡ chăm sóc 2 mẹ con tôi.
Gần 5 năm qua tôi toàn tâm toàn ý nuôi con, nhưng nhà chồng luôn sợ tôi tái hôn. Tôi nghĩ mình không làm điều gì khuất tất nên đồng ý cho cha mẹ chồng gắn camera an ninh ở nhà tôi với lý do nhớ cháu.
Hồi chồng mất 1 năm, anh trai chồng thuyết phục tôi chuyển việc từ một chi nhánh ngân hàng nhà nước về công ty riêng của chú chồng, tôi cũng chấp nhận. Ngoài giờ đi làm, tôi ở nhà đọc sách, nấu ăn, chăm lo cho con và đi thăm nội ngoại.
Cuộc sống đối với tôi như thế là ổn, tôi không có nhu cầu kết nối nhiều. Nhưng như thế chưa đủ để làm nhà chồng yên tâm, ai cũng tìm cách kiểm soát khiến tôi mệt mỏi. Tôi có cảm giác mất tự do cá nhân và đau lòng hơn khi con trai có xu hướng… giám sát mẹ.
Mỗi lần tôi dùng điện thoại, con lân la đến gần xem tôi liên lạc với ai. Chỉ cần tôi nói chuyện với đàn ông, dù là hàng xóm hay người giao hàng, con cũng khó chịu. Con luôn nhắc: “Mẹ đừng lấy chồng nữa, con sẽ không bao giờ chấp nhận người khác là ba đâu. Con sẽ chăm lo cho mẹ suốt đời”.
Tôi biết con thương nhớ ba, nhưng tôi hiểu một phần hành xử của con cũng là “tác phẩm” của ông bà cô chú, tất cả những gì tôi làm đều được con “báo cáo” cho nhà nội.
Mới đây, lớp đại học tổ chức kỷ niệm 20 năm ra trường, bạn bè biết hoàn cảnh nên động viên tôi tham gia cho vui. Tôi xin phép cha mẹ chồng, gửi con về nội để lên thành phố 2 ngày. Những tấm ảnh các bạn chụp vui vẻ, vô tư, nhưng khi đăng lên Facebook lại trở thành vấn đề lớn với gia đình chồng. Tôi không biết phải giải thích thế nào vì bạn bè họp lớp chụp ảnh là chuyện bình thường.
Ngoài thời gian đi làm ở công ty, tôi chỉ ở nhà nấu ăn, đọc sách và chăm sóc con, nhưng nhà chồng vẫn không yên tâm (hình minh hoạ) |
Nhà chồng bắt đầu bóng gió rằng nếu tôi có ý định tái hôn thì phải chia lại tài sản của chồng tôi. Thêm nữa, em chồng liên tục gửi cho tôi những bài báo nói về chuyện đi lớp sẽ gặp kiểu “tình cũ không rủ cũng đến” như lời nhắc nhở…
Tôi bắt đầu suy nghĩ về tương lai, khi con trưởng thành, tôi không thể sống dưới sự giám sát của nhà chồng mãi được. Cuộc đời còn nhiều điều thú vị để khám phá. Biết đâu sau này gặp được người phù hợp yêu thương, tôi cũng có quyền được hạnh phúc chứ? Càng nghĩ nhiều, tôi càng thấy ngột ngạt, tôi phải làm sao để thoát khỏi tình cảnh này?
Hồng Giang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nha-chong-so-con-dau-tai-hon-a1523944.html” name=””]