Trong 20 năm theo đuổi sự nghiệp sáng tác, nhạc của Nguyễn Văn Chung vương vấn một chữ tình. Anh viết nhiều về tình yêu, tình mẫu tử, tình cảm gia đình và vì thương con, anh dành riêng tám năm tập trung cho âm nhạc thiếu nhi.
Ở cột mốc 20 năm hoạt động âm nhạc, khi đã đạt được những thành công nhất định, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung muốn làm mới chính mình, tiệm cận hơn với khán giả trẻ. Quá trình thay đổi buộc anh phải thỏa hiệp với những yêu cầu của thị trường âm nhạc hiện tại.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trong buổi giao lưu cùng khán giả dịp ra mắt ấn phẩm kỷ niệm 20 năm ca hát |
Khoảng trống nhạc thiếu nhi
Phóng viên: Anh vừa ra mắt tuyển tập nhạc 300 bài hát thiếu nhi, xác lập kỷ lục là nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam. Với anh, thành tích này có dễ dàng đạt được?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Ban đầu, tôi chỉ định làm một album nhạc thiếu nhi cho con. Thế nhưng, sau khi hoàn thành, tôi thấy vẫn còn thiếu chủ đề nên thực hiện thêm một album khác. Về sau, khi phụ huynh nghe con tôi và một số bé hát vài bài trong album khá dễ thương đã ngỏ ý muốn tôi dạy hát cho con của họ. Trong quá trình dạy, tôi có cảm hứng viết thêm về chủ đề tết, Trung thu và nhiều đề tài khác. Cho đến khi nhìn lại, tôi thấy mình viết được 300 bài lúc nào không hay. Tôi chẳng biết điều này có dễ dàng với tôi hay không, nhưng trong tám năm dành thời gian cho nhạc thiếu nhi, tôi luôn nghiêm túc lao động, sáng tạo, hằng mong các con có sản phẩm mới để lắng nghe, thể hiện.
* Lâu nay, thị trường âm nhạc thiếu nhi trong nước bị nhận xét là nghèo nàn. Anh thấy sao?
– Nói thị trường nhạc thiếu nhi thiếu sản phẩm mới cũng đúng vì mười mấy năm rồi, tôi không thấy có ca khúc mới ấn tượng và cũng không có ai chuyên chú với phân khúc khán giả nhỏ tuổi. Sinh hoạt trong Hội Âm nhạc TP.HCM, tôi biết có một số nhạc sĩ viết nhạc thiếu nhi nhưng gặp khó ở chỗ không phổ biến được tác phẩm, không có người mua bài trong khi việc thu âm, quay hình khá tốn kém. Còn trên truyền hình, gần như không có đài nào chi tiền, thời gian, chất xám để làm riêng một chương trình âm nhạc dành cho trẻ em.
Khi thực hiện tuyển tập 300 ca khúc thiếu nhi, tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định nhưng nhờ có nguồn thu từ các ca khúc viết cho người lớn, lại quen một số phòng thu và ca sĩ nhí như bé Bào Ngư, Bảo An, thân với các bạn quay hình nên tôi được hỗ trợ khá nhiều. Bao nhiêu năm qua, tôi may mắn có nhiều bài hát được mọi người thích, cũng kiếm được tiền. Bây giờ, tôi muốn cống hiến, muốn để lại một di sản có giá trị tinh thần nên quyết làm.
Nguyễn Văn Chung tham gia chương trình The Champion |
* Như anh nói, phát hành ca khúc thiếu nhi không dễ, nhưng tôi thấy trên YouTube, một số ca khúc như Bống bống bang bang do bé Bào Ngư thể hiện đạt hơn 430 triệu lượt xem. Con số này quá ấn tượng đó chứ?
– Tôi phải khẳng định ngay, muốn đạt trăm triệu view, kiếm tiền từ YouTube không dễ. Để được như Bống bống bang bang, ca khúc phải thực sự đột phá. Chưa kể, nhạc phẩm này không chủ đích viết cho trẻ em. Bống bống bang bang được sáng tác để làm nhạc phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân, được đầu tư MV và có nhiều yếu tố phụ thu hút.
Nhạc thiếu nhi có thể kiếm tiền được từ YouTube nhưng trước hết, chúng ta phải đầu tư thu âm, hòa âm – phối khí, quay MV, truyền thông. Nếu sản phẩm đầu tiên chưa kiếm được tiền, bạn phải chi một khoản khác và làm điều tương tự với ca khúc thứ hai. Cứ như vậy cho đến khi có một bài hát được yêu thích, thu lại tiền. Gia đình nhỏ, hạnh phúc to là ca khúc thiếu nhi tôi sáng tác được biết đến nhiều và hiếm có thành công tương tự, tính đến thời điểm hiện tại.
Sự thành công của Bống bống bang bang là tín hiệu tốt cho thấy thị trường nhạc thiếu nhi đang cần màu sắc âm nhạc hiện đại, vì trẻ em bây giờ khác trẻ em ngày xưa. Ngày trước, nhạc thiếu nhi cần đơn giản, ít chữ, dễ hiểu; còn ngày nay, trẻ em tiếp cận được với YouTube, được nghe những bài hát của Disney nên yêu cầu thưởng thức cao hơn.
* Nghĩa là dù có tuyển tập 300 ca khúc thiếu nhi, thị trường âm nhạc dành cho các bé vẫn bế tắc?
– Hoạt động lâu trong nghề, tôi hiểu cơ chế thị trường là một vòng lặp. Cái gì đó chìm khuất cũng có lúc được đào xới lại. Cho nên, đến một lúc nào đó, tôi tin, câu chuyện âm nhạc thiếu nhi sẽ được thổi bùng lên, được dư luận quan tâm đúng mực. Khi đó, tôi có sẵn chất liệu của 300 ca khúc và sẵn sàng mời mọi người khai thác chúng.
Bây giờ, điều tôi tự hào nhất là đã có năm bài hát được đưa vào sách giáo khoa, chứng tỏ việc tôi làm đang lan tỏa đến nhiều người. Tôi tin những ngọn lửa nhỏ sẽ được thổi bùng lên. Điều này rất cần sự chung tay của nhiều đơn vị, chẳng hạn như đài truyền hình và các cơ quan liên quan.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tham gia hoạt động tình nguyện thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội |
Buộc phải thay đổi
* Ngoài câu chuyện về nhạc thiếu nhi, hành trình 20 năm sáng tác của anh, đến nay thị trường đã quá khác trước, anh còn trong dòng chảy chung?
– Thị trường âm nhạc bây giờ khác rất nhiều so với ngày tôi mới bắt đầu. Sau thành công với mảng âm nhạc về tình yêu, tôi dành hai năm để viết nhạc chủ đề gia đình, rồi lại dành tám năm viết nhạc thiếu nhi. Trong mười năm trở lại, tôi theo dõi khá sát thị trường và nhận thấy nếu cứ giữ quan điểm, tư duy cũ, tôi sẽ lạc hậu, không theo kịp. Còn nếu muốn hòa vào dòng chảy hiện tại, tôi buộc phải thay đổi. Hiện tại, tôi đang thay đổi để tiếp nhận suy nghĩ, câu chuyện mới.
* Đối với những nhạc sĩ đã có lượng khán giả nhất định, việc thay đổi có là khôn ngoan? Nếu có sai sót, anh mất nhiều hơn được.
– Sự thay đổi ở đây là để hợp thời, còn quan điểm với âm nhạc, có qua bao nhiêu năm nữa, tôi vẫn giữ nguyên như ngày đầu. Đơn cử, để tiếp cận khán giả thời nay, tôi không in đĩa như cách đây 10 năm, 20 năm mà phát hành trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Về lời nhạc, bây giờ, không ai ví tình yêu như trăng, sao trên trời cao nữa vì chúng không còn phù hợp nên buộc phải viết khác.
Bao giờ, trong quá trình sáng tác, nhạc sĩ cũng có hai sự lựa chọn. Nếu viết cho bản thân, họ nên chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ lệch ra khỏi dòng chảy chung, khó thể đứng “top trending” trên YouTube. Còn nếu viết cho đại đa số khán giả, tác giả nên giảm bớt cái tôi và lắng nghe thị trường nhiều hơn. Bây giờ, tôi viết nhạc mà các bạn trẻ thích hát, tìm kiếm cơ hội để ca khúc xuất hiện ở các bảng xếp hạng, tự rèn khả năng nhạy bén với thị trường.
* Giữa thời buổi lượt xem có thể mua, ca khúc chưa hay có thể lấp lánh hơn nhờ việc đầu tư cho MV, theo anh, mục đích theo đuổi các bảng xếp hạng, “top trending” có thật giá trị?
– Tôi biết “top trending” chỉ là giá trị ảo bởi khi được hỏi ca khúc thịnh hành YouTube của một hay ba tháng trước, hầu như khán giả chẳng thể nhớ; nhưng với thị trường âm nhạc hiện tại, việc ca khúc được chú ý là bước đệm tốt cho ca sĩ. Mọi người đều đang trong một cuộc đua chung nên tôi mặc định nếu muốn tiệm cận xu thế, mình cũng phải xem đây là thử thách và chinh phục.
Âm nhạc bây giờ, nói thẳng ra là một cuộc chiến kim tiền. Ai ra MV đầu tư nhiều tiền, truyền thông mạnh mới có thể thành công. Hiện tại, tôi vẫn luôn tin vào quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương” – một bài hát hay sẽ lan tỏa đến được với nhiều người nhưng lâu dần, tôi hiểu rằng ngồi yên chờ đợi sự đột phá của ca khúc chưa phải là cách tốt nhất để được công nhận.
“Nếu nhạc sĩ khác chọn những giọng ca đã nổi tiếng để gửi gắm bài hát thì tôi đi theo hướng ngược lại – đưa bài cho những người hát hay nhưng đứng ở vị trí chưa xứng với tài năng của họ. Tôi muốn nếu may mắn, bài hát sẽ giúp họ nổi tiếng hơn, được tăng cát-sê và trở thành sao. Khi đó, những ca sĩ trẻ khác sẽ yêu mến tôi, khán giả và giới chuyên môn cũng sẽ công nhận tôi là “người mát tay”. Tôi muốn đi con đường đó vì tôi thích trúng giải độc đắc – hoặc là có tất cả, hoặc không có gì. Từng có nhiều ca sĩ đến với tôi rồi nổi tiếng và nhiều người khác không gặp may. Thật khó nói về công thức chắc chắn để giúp một giọng ca trở nên nổi tiếng vì ngoài các điều kiện cần, phải có yếu tố may mắn. Nhưng tin tôi đi, nếu bạn có năng lực và chăm chỉ, bạn sẽ đứng ở vị trí xứng đáng.” Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung |
* Nói vậy, có vẻ khán giả đang được yêu chiều quá nhiều trong khi âm nhạc hay nói rộng ra là nghệ thuật, có một phần trách nhiệm trong việc định hướng thẩm mỹ của khán giả?
– Đó là sự lựa chọn thuộc về quan điểm của nghệ sĩ. Công chúng là người quyết định tuổi thọ của sản phẩm nên như tôi đã chia sẻ, nếu chọn khán giả thì phải chấp nhận việc ít người nghe, hiếm khi được giới chuyên môn đánh giá cao và ngược lại.
* Trên mạng xã hội, anh của giai đoạn đầu khác với anh bây giờ – không ngại lên tiếng về bản quyền hay chê trách lời nhạc tục tĩu, phản cảm. Vì sao anh chọn nói ra dù biết dư luận sẽ tranh cãi?
– Tôi từng luôn muốn dĩ hòa vi quý trong mọi việc nhưng chính ra, tôi cũng chịu quá nhiều thiệt thòi. Về chuyện bản quyền, thời gian gần đây, họ gọi tôi là bạn nhưng không đối xử như bạn nên tôi nghĩ mình cần sòng phẳng, thẳng thắn với nhau. Một bài hát là tài sản của nhạc sĩ. Giống việc bạn sở hữu một mảnh đất, bạn đâu thể để người khác tự tiện đến khai thác, thu tiền trên chính mảnh đất của mình. Nếu bạn mua, tôi sẵn sàng hỗ trợ nhưng nếu hết thời hạn, tôi có quyền lấy lại. Thế giới đã làm rất mạnh về vấn đề bản quyền và bỏ chúng ta quá xa. Việt Nam bây giờ mới quan tâm thì cần phải rõ ràng từ những việc nhỏ nhất, đừng dung thứ thói quen miễn phí của nghệ sĩ và khán giả.
Còn về vấn đề ngôn ngữ trong âm nhạc, thời gian gần đây, có nhiều bạn đang mượn âm nhạc để chửi bới, hạ bệ nhau, truyền bá văn hóa tiêu cực. Tôi nghĩ, nếu không có người lên tiếng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khán giả hiện tại – những người nghe rất trẻ. Họ mặc định thần tượng của mình làm thế là đúng và bắt chước. Điều này sẽ làm hỏng cả một thế hệ.
* Nhưng niềm tin từ khán giả có khi không đặt vào anh. Họ cho rằng anh muốn nổi tiếng, đánh bóng tên tuổi nên ồn ào, kể cả trường hợp với ca sĩ Cao Thái Sơn?
– Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả nhưng phải biết những gì mình đang nói là đúng hay sai. Tôi nhận thấy những sự việc tôi nêu ý kiến, ban đầu có thể gây tranh cãi nhưng về sau, nhiều người công nhận điều tôi nói là đúng. Ví dụ, năm trước, tôi lên tiếng về ngôn ngữ âm nhạc mà các bạn underground đưa vào ca khúc, chúng thô tục, suồng sã. Tôi bị các bạn chửi bới nhiều, cho rằng tôi khó tính nhưng năm nay, Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ra quyết định xử phạt hành chính với hai rapper vì thực hiện hai tác phẩm chứa nội dung thô tục, ca từ phản cảm. Hay vấn đề bản quyền tôi đã nói nhiều năm trước, đến nay, sự việc lại nóng hơn bao giờ hết khi Tiến quân ca bị “đánh gậy” bản quyền. Điều đó có nghĩa, những gì tôi nói đâu phải là không có cơ sở?
Gia đình là tất cả
* Bạn bè, khán giả đều nhận thấy anh thay đổi nhiều trong hai năm qua. Có phải chuyện buồn từ cuộc hôn nhân ảnh hưởng lớn đến anh?
– Hai năm qua của tôi đúng nghĩa của từ bươn chải. Tôi làm việc nhiều gấp mấy lần trước đây vì sau ly hôn, tôi mất tất cả. Thời gian tôi không ổn nhất là từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2019. Thời điểm đó, tối nào cũng buồn nên tôi quyết định đi học lồng tiếng từ 19 – 23 giờ để bận rộn hơn, không phải suy nghĩ. Chăm chỉ một thời gian, tôi thấy mình khá hơn về khả năng ăn nói, có cơ hội lồng tiếng cho phim hoạt hình, phim rạp. Tôi cũng tập luyện thể thao để ốm hơn, tự tin hơn và bất ngờ khi nhận được lời mời làm người mẫu ảnh.
* Hậu hôn nhân, anh không ồn ào như nhiều nghệ sĩ cũng từng đổ vỡ khác mà chỉ hay nhắc về mẹ và con – nguồn động lực để anh vượt qua tất cả…
– Ngày trước, mẹ tôi buồn nhiều về chuyện hôn nhân của tôi đến mức nhập viện. Thời điểm đó, tôi túc trực bên cạnh và nói với mẹ nhiều điều để mẹ thấy việc không còn bên cạnh nhau có khi lại tốt hơn cho cả hai và biết đâu mỗi người đều hạnh phúc hơn hiện tại.
Tôi trải qua nhiều biến cố cảm xúc trong công việc và chuyện tình cảm cá nhân nên dám nói rằng bản thân đã mạnh mẽ hơn rất nhiều, có thể xử lý mọi chuyện một cách dễ dàng. Nhưng, có hai việc nằm ngoài tầm với của tôi là sức khỏe của mẹ và tương lai của con. Đó là điều khiến tôi luôn luôn lo lắng vì theo quy luật thời gian, mẹ ngày càng lớn tuổi còn con trai, tôi sợ cháu lớn lên thiếu tình thương, dù tôi luôn tìm cách bù đắp.
Nguyễn Văn Chung bên gia đình |
* Những tháng ngày hiện tại của anh thế nào? Hai chữ hạnh phúc có dịp xuất hiện?
– Khi suy sụp nhất, tôi từng hứa với lòng rằng sau hai năm, tôi sẽ thay đổi, sẽ tìm lại được những gì mình đã đánh mất và sẽ tốt hơn từng ngày. Bây giờ, tôi đã làm được nên cũng tự hào về hành trình mình đã vượt qua.
Ở cột mốc 20 năm sáng tác, tôi mua được một căn nhà để bắt đầu cuộc sống mới. Tôi vốn quen lối sống tiết kiệm nên khá thoải mái với hiện tại. Giờ đây, mỗi ngày trôi qua đều nhẹ nhàng. Tôi sống vui hơn, tự do và yêu đời hơn.
* Thật vui khi nghe anh trải lòng như thế. Còn những kế hoạch âm nhạc ở hành trình mới?
– Trong tháng 12 này, tôi sẽ ra mắt một bài hát về tình yêu, do một ca sĩ trẻ thể hiện. Nét nhạc trong ca khúc ấy khác hoàn toàn với những gì bạn biết về âm nhạc Nguyễn Văn Chung. Sau đó, tôi sẽ giới thiệu loạt nhạc châm biếm, trào phúng về những mẩu chuyện như mượn tiền không trả, anh hùng bàn phím… Những bài hát sẽ như một câu chuyện cười giúp mọi người cảm thấy vui. Ngoài ra, tôi ấp ủ thực hiện một album về Đà Lạt vì tình yêu tôi dành cho miền đất ấy quá lớn. Tôi đã sáng tác xong và chỉ chờ tình hình dịch bệnh ổn hơn để bắt đầu ghi hình.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Diễm Mi (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhac-si-nguyen-van-chung-su-thoa-hiep-khong-han-xau-a1453716.html” name=””]