Thời trung học, những ngày gần hè, chúng tôi vẫn háo hức, nhặt hoa phượng rơi làm bướm. Trên chiếc giỏ xe là nhánh phượng đỏ rực vừa được tặng.
Tháng Tư, khi cái nắng vàng tươi rực rỡ nhất, khi các cô cậu học trò đã bắt đầu mướt mồ hôi cho những kỳ thi cuối năm, cuối cấp hay đại học; cũng là lúc, thi thoảng, ta bắt gặp trên hè phố, ở góc sân trường những bông phượng đầu mùa đỏ rực, nép mình trong tán lá xanh um.
Chúng ta đã đi qua tuổi học trò xa đến nỗi 10 ngón tay còn không đếm xuể, thậm chí mùa hè có đến cũng không khác gì các mùa khác trong năm. Công việc, các mối quan hệ, sức khỏe… rối rắm chằng chịt, việc nọ xọ việc kia. Có bao người muốn nghỉ là nghỉ, muốn dừng là dừng? Có bao người đêm về ngủ một giấc nhẹ tênh như trẻ thơ? Có bao người bỏ tiền, thời gian thu xếp một kỳ nghỉ rồi góp nhặt chỉ toàn tiếng cười như trẻ nhỏ?
Trẻ, mùa hè đến là lập tức cho sách vở ngủ yên như chưa từng quen biết. Nhất là, thời của tôi – cách đây đôi ba chục năm – thời không ti vi, điện thoại, không có gì cả ngoài nắng, gió, cây trái và những chùm phượng cháy đỏ một góc trời.
Từ tinh sương, chúng tôi đã í ới gọi nhau. Thời ấy trẻ con làm gì có tiền, chia nhau củ khoai củ mì hay trái bắp miếng xôi mẹ luộc từ hừng đông là quý lắm rồi. Nhiều ngày, cứ réo nhau ra đường bày đủ trò, khi nào bụng sôi lên mới biết mình chưa ăn gì. Chạy ào về ăn vội tô cơm chỉ có con cá hay miếng thịt, có khi là cái trứng dầm nước tương mà ngon, thòm thèm, lâu lâu còn ước giá mà cái bụng có thể to thêm chút nữa.
Trong những trò chơi ngày đó, tôi vẫn không thể quên trò hái hoa phượng làm bướm ép vào trang sách. Lúc nhỏ, tầm 7-8 tuổi, cả bọn trai có gái có, đâu có trèo lên cây hái được, nên xúm lại nhặt những bông phượng rơi còn tươi đẹp, loay hoay trầy trật làm những con bướm, nâng niu ép vào trong sách. Cũng không phải dễ làm với bàn tay trẻ con vụng về. Bướm làm ra có con nhỏ con to, có con chưa kịp để vào sách đã rụng mất cái râu.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu giở trang sách yêu thích – quyển truyện cổ tích Việt Nam – bắt gặp những con bướm cánh láng o không tì vết. Thân, cánh, râu bám vào nhau rất chặt. Không còn đỏ mà chuyển sang một màu nâu nâu, mỏng manh đúng nghĩa một cánh bướm. Tôi đã ngồi rất lâu, ngỡ ngàng ngắm nhìn, nghe cả hơi thở mình nhẹ hẳn đi, khẽ khàng hẳn đi vì sợ chúng sẽ rách hay bay đi mất. Cho đến bây giờ, có nhiều chuyện đã đến với mình, tôi không còn nhớ mảy may chuyện nào, nhưng giấc ngủ chập chờn với những cánh bướm mỏng manh màu nâu trong ký ức ấu thơ chưa bao giờ tôi quên.
Thời trung học, những ngày gần hè, chúng tôi vẫn háo hức, nhặt hoa phượng rơi làm bướm. Không ít chiều tan trường, chúng tôi trong những chiếc áo dài trắng, tóc dài, nói cười trong trẻo, tay dắt xe đạp, trên chiếc giỏ xe là nhánh phượng đỏ rực vừa được tặng… Có đôi lần chị em bạn bè tôi bảo nhau sắm áo dài trắng, tìm về chốn cũ, cây phượng xưa, chụp lại bộ ảnh nữ sinh; nhưng rồi chưa thực hiện, bởi nhiều lý do, trong đó hình như có không ít ngại ngần.
Thời trung học, những ngày gần hè, chúng tôi vẫn háo hức, nhặt hoa phượng rơi làm bướm |
Ngại ngần vì ai nấy đã quá nửa đời người, mái tóc đã không còn đủ dài, lại lấm tấm bạc, những vết chân chim sâu hoắm sau đuôi mắt, eo lưng đã không còn thon thả… Quan trọng hơn là, chúng tôi nhận ra, không ai có thể mang tuổi trẻ hay ký ức trở về. Nếu có cuộc gặp lại tuổi thơ ấy, chưa hẳn vui mà biết đâu nỗi ngậm ngùi càng thêm khắc sâu. Nên chăng có những thứ đã qua, không cần nỗ lực tìm gặp lại, chỉ có thể thương nhớ cất giữ mà thôi.
Trẻ bây giờ, không thiết tha đến trò chơi nhặt hoa phượng làm bướm ép vào sách nữa. Các con có quá nhiều thứ hấp dẫn hơn, nhất là ti vi, điện thoại, môi trường sống cũng đã thay đổi. Là xu hướng của thời đại mới, một thế hệ mới, khó mà khiến trẻ sống khác đi. Thế nhưng, thời nào cũng vậy, được cùng nhau, hòa vào thiên nhiên, nâng niu ngọn cỏ cành hoa, bồi đắp cảm xúc, làm giàu trí tưởng tượng của trẻ là vô cùng quan trọng.
Có thể khó khăn và cần nhiều thời gian, tâm sức hơn, người lớn hãy cố gắng giữ cho con những trò chơi như thế; bởi chúng ta đều biết, với hành trình dài của đời con sau này, đó không chỉ là một trò chơi hay vài cánh bướm phượng mỏng manh nằm ngoan trong trang sách.
Triệu Vẽ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhat-canh-phuong-roi-ep-vao-trang-sach-a1490036.html” name=””]