Trong khi hàng chục triệu người Trung Quốc chuẩn bị trở về quê hương để đón Tết cùng gia đình thì cũng có rất nhiều gia đình tại Trung Quốc không đón mừng Năm mới sau sự “ra đi” của những người thân trong đại dịch COVID-19.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay tại Trung Quốc chính thức bắt đầu kể từ ngày 21/1 và là kỳ nghỉ đầu tiên từ năm 2020 mà không có hạn chế đi lại trong nước do các quy định phòng, chống đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi hàng chục triệu người Trung Quốc chuẩn bị trở về quê hương để đón Tết cùng gia đình thì cũng có rất nhiều gia đình tại Trung Quốc không đón mừng Năm mới sau sự “ra đi” của những người thân trong đại dịch COVID-19.
Bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh rời khỏi một bệnh viện tạm thời ở Thượng Hải. Ảnh: Tân Hoa xã
“Đón mừng năm mới ư? Thật sự là không thể. Rất, rất khó để tôi có thể gặp một ai đó hay đến một nơi công cộng nào đó. Đó là tâm trạng của tôi vào thời điểm này, tôi không có tâm trí để đón Tết. Có rất nhiều người cũng có tâm trạng như tôi, đau đớn khi mất đi người thân, nhưng cũng rất lo lắng khi vẫn phải đến các cửa hàng thuốc, cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám để kiểm tra sức khoẻ. Đó là thực tế, và điều này thật đáng buồn”, một người dân Trung Quốc mất người thân trong đại dịch COVID-19 cho biết.
“Ba người thân trong gia đình tôi và một người bạn thân của tôi đã qua đời từ đầu tháng 12 năm ngoái. Người đầu tiên qua đời là dì tôi, dì nhập viện trước khi dịch COVID-19 bùng phát, sau đó dì bị nhiễm bệnh và được xét nghiệm dương tính. Các bệnh viện đã cố gắng điều trị nhưng sau đó dì ấy qua đời”, một người khác chia sẻ.
Đó là những chia sẻ và tâm trạng của nhiều gia đình tại Trung Quốc bị mất người thân trong đại dịch COVID-19. Đối với họ, những ngày nghỉ Tết sẽ chỉ là những ngày dài ở nhà, không đi tới những nơi công cộng hay về quê do lo ngại có thể lây nhiễm COVID-19 cho những người thân khác. Nỗi đau, sự mất mát như một cơn lốc quét qua, thật sự lớn lao và khủng khiếp, để lại trong lòng người ở lại khoảng trống khó lòng khỏa lấp.
Ngày 14/1 vừa qua, Trung Quốc công bố số ca tử vong liên quan COVID-19 kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế từ ngày 8/12/2022 đến nay ở mức gần 60.000 ca. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, sự di cư ồ ạt của những người lao động ở các thành phố về quê vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ gây ra sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm COVID-19 ở các thị trấn nhỏ hơn và các vùng nông thôn – nơi không được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế và máy thở để sẵn sàng ứng phó với đại dịch.
Trong bối cảnh đó, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết trong dịp Tết Nguyên đán, nước này sẽ tăng cường cung cấp các dịch vụ y tế cơ sở, mở thêm các phòng khám ở nông thôn và thiết lập một “làn xanh” để chuyển thẳng các bệnh nhân có nguy cơ cao, đặc biệt là người già có bệnh nền từ các địa phương lên bệnh viện tuyến trên. Các bệnh viện ở nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc cũng tích cực phân bổ nguồn lực và giường bệnh, lực lượng nhân viên y tế túc trực ngày đêm để điều trị những ca bệnh nghiêm trọng.
Tại các tỉnh thành như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thái Nguyên… đã đẩy mạnh công tác chẩn đoán sớm và điều trị cho các ca có nguy cơ phát triển thành bệnh nghiêm trọng nhằm hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn. Các phòng khám sốt dã chiến cũng được xây dựng ở khắp nơi nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện, trong khi những bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện cơ sở được tăng cường lực lượng, vật tư y tế để giảm tải cho tuyến trên. Bên cạnh đó, Bộ Công an Trung Quốc cũng đã triển khai lực lượng kiểm soát chặt chẽ thị trường dược phẩm, thực phẩm, nhất là các loại thuốc liên quan đến COVID-19, kit test, máy thở oxy… Hiện nay, Trung Quốc đang sử dụng 13 loại vaccine ngừa COVID-19. Khoảng 3,5 tỷ liều vaccine đã được tiêm tại Trung Quốc đại lục, với hơn 90% dân số được tiêm phòng đầy đủ./.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nhieu-gia-dinh-trung-quoc-khong-mung-nam-moi-do-mat-nguoi-than-trong-dich-covid-19-20230120184213901.chn” name=””]