Vợ nhiều, bồ bịch nhiều, rồi đến ngày “nằm không” là chuyện không hiếm. Đừng chọn con đường rủi ro ấy, kẻo về già chuốc lấy đau thương.
Có với nhau 2 đứa con, ông Hoàng bỏ “vợ lớn”, đi theo “vợ bé”, và còn đánh đập, xúc phạm “vợ lớn”. Lúc ấy ông ăn nên làm ra, đẹp trai phong độ, nên tự cho mình quyền được hưởng thú vui cuộc đời, được ngoại tình.
Phụ nữ trẻ quanh ông, người thì ham của lạ, người thì muốn dựa dẫm, nương tựa. Họ dính ông như sam. Bà vợ lớn chẳng hề đi bắt ghen, đánh ghen, chỉ lao vào công việc, tập trung chăm lo con cái.
Ông Hoàng sống với “vợ bé” ở thành phố, thỉnh thoảng về quê thăm cha già, hiếm khi thấy ông tạt qua nhà “vợ lớn”. Ông cho rằng “vợ lớn” cao ngạo, bất cần, ông vừa ngại vừa ghét.
“Vợ lớn” cao ngạo, bất cần, chỉ tập trung chăm lo con cái và công việc, khiến ông… thấy ghét (Ảnh minh họa) |
30 năm sống cùng vợ bé, tới hơn 60 tuổi, ông lục tục khăn gói về quê, sống với người cha gần đất xa trời. Không phải ông về chăm cha, mà ông bị “bà nhỏ” rẻ rúng.
Người thân ông Hoàng đều nói “vợ bé” cạn tàu ráo máng. Ông có tuổi rồi, bệnh gout, huyết áp hành hạ, quyết trả ông về… chính chủ, sao bà quá nhẫn tâm!
Cao ngạo như “bà lớn”, bất cần như bà ấy, lẽ nào bà nhận… đồ hết đát? Bao năm tháng không chồng, bà vẫn sống một cuộc đời êm ả, giờ nhận “của nợ” ấy về làm gì? Bà con, hàng xóm vốn thương “bà lớn”, họ không trách bà sao không bao dung cho ngày già của chồng. Ngược lại, họ hả hê nói “đáng đời kẻ phụ bạc”.
Ông Hoàng về quê, thỉnh thoảng tới nhà vợ lớn thăm con. Nhưng hai đứa con trai không mặn mà với người cha đã không coi chúng ra gì.
Ngày trước, thỉnh thoảng ông ghé đưa ít tiền cho bà lớn nuôi con, rồi ra đi như cuộc trốn chạy. Bây giờ ông tìm cớ tiếp cận “bà lớn”, bà chỉ chào lịch sự, như xưa nay bà vốn rất lịch sự.
Nhưng chào đón ông quay về thì không bao giờ. Dù bà là người độ lượng, nhưng độ lượng không có nghĩa là dang tay đón kẻ tệ bạc như ông. Đàn bà, một khi chẳng thèm đếm xỉa người từng đầu ấp tay gối, nghĩa là tình cảm của họ đã chết rồi.
Ông về. Những ngày đầu, là đề tài hàng xóm bàn tán. Người ta tế nhị bàn tán sau lưng ông, nhưng cũng có người không giấu được tò mò “Ông về quê ở luôn hả? Ở với cha hay bà lớn?”.
Ông trả lời một câu khá… chảnh: “Ở cả 2 nơi”. Nhưng ai “chứa”, thì ông hiểu rõ nhất.
Chiều chiều, ông vác cuốc ra ruộng trồng mấy luống rau. Hơn 30 năm không làm ruộng, trông ông thật vụng về, nhưng cũng phải làm để giết thời gian, để duy trì sức khỏe, tự tạo niềm vui, được ăn rau sạch.
Bao nhiêu lý do đó khiến ông vung cuốc thuần thục dần. Đứa con gái của ông với “vợ bé” thỉnh thoảng chạy về thăm cha. Ông nói, nhờ mạng xã hội Zalo, Facebook kết nối, nên dù xa con, ông vẫn cảm thấy không vấn đề gì.
Ông nói ông chỉ buồn một điều, là mẹ của cô con gái tệ quá, chẳng thăm hỏi gì ông. Ông dành 30 năm đẹp đẽ của cuộc đời mình cho bà, sao bà đành đoạn nói dứt tình là dứt cái rột vậy? Con gái giãi bày: “Do mẹ muốn ba toàn tâm toàn ý lo cho “mẹ lớn”.
Lời giãi bày khác gì câu từ chối phũ phàng.
Đàn ông năm thê, bảy thiếp, ngày già chuốc lấy cô đơn (Ảnh minh họa) |
Có 2 bà vợ, mà về già không được chung sống với bà nào, thật là thảm cảnh. Lỗi này tại ông chứ ai!
Ở đời, đàn ông hai – ba vợ xưa nay không hiếm. Vợ nhiều, bồ bịch nhiều, rồi đến ngày “nằm không” cũng không hiếm. Nếu không biết dự cảm về tương lai thì đừng chọn con đường rủi ro ấy, kẻo về già chuốc lấy đau thương.
Mai Hà
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhieu-vo-ve-gia-van-bi-bo-roi-a1478423.html” name=””]