Năm nào, nhà bác Thảo cũng đón con cháu về ăn tết với tâm trạng phấp phỏng lo lắng vì thiếu tiền.
Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ tiếng thở dài của bác Sáu mỗi khi qua nhà tôi mượn tiền. Bao giờ bác cũng bắt đầu bằng câu nói: “Mới đầu năm mà thế này thì ngại quá…”. Dường như hiểu được nỗi lòng của bác, mẹ tôi luôn tươi cười lảng qua chuyện khác rồi lấy tiền đưa cho bác dù khoản nợ trong năm chưa được trả.
Nhưng nỗi lấn cấn trong lòng bác như cứ đợi người nghe để xả cho nhẹ bớt nên bác cứ kể mãi. Lúc đầu, tôi không hiểu khi nghe bác nói: “Năm nào tụi nó không về lại thấy khỏe hơn” nhưng sau này biết tường tận gia cảnh nhà bác thì càng thương hơn.
Bác Thảo luôn áy náy vì không lo cho con cháu một cái tết đủ đầy (ảnh minh họa) |
Bác Sáu có hai đứa con trai, đều đã có gia đình. Đến tết, cả con lẫn dâu và cháu đúng 10 người đều về nhà bác đón tết. Đối với nhà khác, vui vì con cháu sum vầy nhưng với vợ chồng bác, chẳng khác gì gánh nặng. Bình thường, hai bác đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy, đủ đắp đổi qua ngày chứ không dư.
Giờ các con đem cháu về, phải bao lo mọi thứ nên càng thiếu hụt. Điều đáng nói, các con của bác làm công nhân, có lương thưởng hẳn hoi nhưng không phụ cha mẹ một đồng lo tết, chỉ mừng tuổi mỗi người 200 ngàn đồng đầu năm.
Cứ 27 tết đã có mặt ở nhà đến Mùng 5 lại đi mà không đem về bất cứ thứ gì ngoài vài gói bánh bày cúng trên bàn thờ. Đến bữa ăn, con dâu chỉ hỏi: “Hôm nay ăn gì hả mẹ?”, bác lại phải lật đật đi chợ. Số tiền lo ăn uống cho chừng ấy người, mua sắm lễ lạt cúng quảy ngày tết không phải là ít khiến bác xoay xở không kịp.
Bác than thở, mua thùng mì tôm, một bao gạo, chục trứng gà thêm mấy cân thịt mà chỉ được vài ngày là hết. Bác thấy áy náy khi không lo được cho con cái tết đủ đầy. Mỗi khi như thế, mẹ tôi lại bức xúc bảo: “Chúng nó lớn rồi thì phải biết lo chứ, ai đời về ăn bám tết cha mẹ như thế thì chị cáng đáng sao nỗi”.
Trong khi con dâu nhà khác tìm cách né tránh chuyện ăn tết nhà chồng thì con dâu bác lại ngược lại. Bác từng nghẹn lòng, khi nghe hai con dâu nói với nhau, về quê chồng ăn tết lợi cả đôi đường. Vừa không phải tốn kém tiền lo tết vừa lại được tiếng thơm. Kể cũng đúng, nghỉ tết là đóng cửa nhà về quê, ra tết lại lên, việc ăn uống mấy ngày đã có mẹ chồng lo, chẳng phải mất khoản tiềm sắm sửa ngoài mấy gói bánh thắp hương trên bàn thờ.
Ngoài nỗi lo tiền bạc, vợ chồng bác Thảo phải vất vả trông cháu cho các con đi chơi tết. Lấy lý do “cả năm mới về với ông bà, để cháu ở nhà cho vui”, hai cặp vợ chồng thoải mái tung tăng để mặc cha mẹ xoay xở với 6 đứa trẻ đến toát mồ hôi.
Tôi biết, trường hợp như con cái nhà bác Thảo không phải là hiếm. Nhiều đứa con vẫn về ăn tết “bám” cha mẹ để thoát khỏi nỗi lo tiền bạc. Chị đồng nghiệp của tôi thắc mắc: “Sao nhiều người sợ tết nhà chồng, chứ chị thích lắm”.
Số tiền lo ăn uống cho chừng ấy người, mua sắm lễ lạt cúng quảy ngày tết không phải là ít khiến bác xoay xở không kịp (ảnh minh họa) |
Cứ nghỉ tết lên xe đem con cái về quê, chẳng phải mua sắm soạn sửa gì trong nhà vì ra tết quay lại. Chỉ cần mua về chút quà, biếu ít tiền mà ăn uống phủ phê cả tết, đồ ở quê rẻ mà. Bởi thế tết năm nào nhà chị cũng không bị hụt tiền, tiền thưởng vẫn còn nguyên.
Quả thật, nếu cha mẹ dư giả, con cháu về càng đông càng vui chứ đã thiếu thốn, con cái không biết điều thì chuyện tụ họp đón tết thực sự trở thành gánh nặng. Người ta thường bảo, ăn uống chẳng hết bao nhiêu nhưng thực tế, nhà đông người lại rất tốn kém.
Mẹ tôi từng khuyên bác Thảo: “Chị phải rõ ràng mọi thứ mà nói thẳng với các con, dù tết không lâu nhưng năm nào cũng thế thành ra khổ tâm”. Nhưng chắc bác khó mở lời với con vì trong thâm tâm người mẹ, chỉ mấy ngày tết mà nói chuyện tiền bạc lại mất tình cảm. Cứ như thế, năm nào, nhà bác Thảo cũng đón con cháu về ăn tết với tâm trạng phấp phỏng lo lắng vì thiếu tiền.
Thanh Ngân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-dua-con-an-bam-tet-cha-me-a1482468.html” name=””]