Theo các chuyên gia tâm lý, các cặp đôi dễ dẫn tới tan vỡ hôn nhân ở các giai đoạn sau nếu như không biết vun vén.
Sự lệch pha trong cảm xúc, tâm sinh lý khiến đôi bên nhiều khi không hiểu nhau. (Ảnh minh họa)
* Giai đoạn đầu sau hôn nhân
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, thời gian đầu hôn nhân là lúc vợ chồng yêu nhau nhiều nhất nhưng cũng là thời diểm dễ ghét nhau nhất. Khoảng thời gian sau ngày cưới có rất nhiều cặp đôi “đường ai nấy đi” vì bị vỡ mộng sau hôn nhân.
Khoảng 3 năm đầu khi chung sống, hai bên bắt đầu phát hiện ra nhiều thứ ở nửa kia của mình không được như những ngày còn yêu. Nếu như cả hai không có sự chuẩn bị cho mình một tâm thế tốt, sự thích ứng nhanh thì dễ tạo ra sự thất vọng, vỡ mộng về nhau.
Bởi vậy, cả hai thời điểm này cần phải biết cách dung hòa. Việc giữ cái tôi quá lớn dễ trở thành “ngọn lửa” thiêu rụi tình cảm. Phát hiện rồi cần biết chấp nhận những sai lầm, điểm yếu, tính cách xấu xí của nhau để từ đó điều chỉnh cho phù hợp, tránh mâu thuẫn vợ chồng.
* Giai đoạn cuối những năm 30 và đầu 40 tuổi
Theo chuyên gia về hôn nhân Kimberlee Sweeney (Australia), một trong những giai đoạn dễ tan vỡ hôn nhân là ở cuối những năm 30, đầu năm 40. Khi vợ chồng đã có một khoảng thời gian chung sống khá dài dễ bị trục trặc vì người phụ nữ thời kỳ này bắt đầu có xu hướng muốn tìm lại giá trị, tiếng nói của mình. Giai đoạn này, con cái của họ cũng dần lớn hơn. Họ nhận thấy cuộc sống còn nhiều điều cần trải nghiệm nên muốn thay đổi.
Nếu những thay đổi đó không xảy ra trong mối quan hệ hay người bạn đời không thể cùng hướng tới thay đổi này thì dễ dẫn tới mâu thuẫn, chia tay. Hãy khơi dậy ngọn lửa yêu thương, cảm xúc nồng nàn giữa cả hai bằng những cuộc hẹn, cùng nhau đi du lịch…
* Bước vào tuổi 50
Ở thời điểm này, tình yêu, tình dục của cả hai rơi vào nhàm chán, theo lối mòn. Cặp đôi đều mong chờ những mới mẻ của đối phương nhưng rơi vào khủng hoảng khi khó để tạo ra cho nửa còn lại. Hơn nữa, người phụ nữ ở độ tuổi này trải qua thời kỳ mãn kinh trong khi bạn đời của họ chưa sẵn sàng cho điều đó.
Sự “lệch pha trong cảm xúc, tâm sinh lý khiến đôi bên nhiều khi không hiểu nhau. Con cái của họ cũng đã lớn hơn. Cả hai cũng muốn tự do hơn chút để có thể làm được những điều mà mình mong muốn. Do đó, cả hai cùng phải hiểu biết từng thời điểm với những khó khăn riêng để động viên đối phương, cùng nhau vượt qua.
* Độ tuổi ngoài 60
Ít tai nghĩ ở tuổi xế chiều này lại là giai đoạn dễ tan vỡ hôn nhân. Ly hôn ở tuổi xế chiều khá phổ biến vì đây là lúc các cặp đôi nghỉ hưu. Cả hai dường như mất hết cảm xúc yêu đương, nồng nàn lẫn sự quan tâm, chăm sóc cho nhau với áp lực và trách nhiệm trong cuộc sống.
Ở thời kỳ này, những mâu thuẫn âm ỉ giữa vợ chồng tích luỹ nhiều năm qua dễ nảy bùng phát hơn. Họ không thể chịu nổi việc ở nhà, dành cho nhau cả ngày. Từ đó, họ muốn kết thúc bằng việc chia đôi nhà cửa, dùng tiền hưu trí bắt đầu cuộc sống mới.
Không chỉ nước ta mà nhiều nước cho thấy tỷ lệ ly hôn ở tuổi trung niên tăng dần theo thời gian. Như tại New Zealand, thống kê năm 2019 độ tuổi trung bình của phụ nữ khi nộp đơn ly hôn là 44,4, trong khi năm 1999 là 38,4 tuổi. Ở đàn ông trung bình khi ly hôn là 47 so với 41,2.
Các chuyên gia cho rằng, chìa khóa hôn nhân hạnh phúc không chỉ là sự hòa hợp về tình cảm. Trong hôn nhân không phải là yêu nhau nhiều mà còn là cùng nhau trưởng thành, thay đổi và đứng bên nhau. Để có được điều đó, mỗi cặp đôi cần cố gắng mỗi ngày, vun vén với hạnh phúc mới có thể duy trì được hạnh phúc.
[yeni-source src=”https://giadinh.net.vn/nhung-giai-doan-de-tan-vo-hon-nhan-cac-cap-doi-nen-biet-de-vun-ven-hanh-phuc-17221102015040284.htm” alt_src=”” name=””]