Năm 2022 được coi là năm đầy những điều mới mẻ trong khoa học khi có rất nhiều khám phá mới bất ngờ được công bố. Nhiều khám phá trong số ấy đã phá vỡ những kỷ lục được ghi nhận trước đó.
Ca phẫu thuật sớm nhất của con người
Trước năm 2022, khoa học ghi nhận ca phẫu thuật đầu tiên của con người diễn ra cách đây khoảng 11.000 năm. Nhưng một nghiên cứu khoa học công bố hồi tháng 10 đã xác lập lại mốc thời gian này.
Các nhà khoa học đưa ra kết luận mới sau khi nghiên cứu bộ xương của một thanh thiếu niên sống trên đảo Borneo (Indonesia) khoảng 31.000 năm trước. Xương phần dưới chân trái của cậu bé này đã được cắt bỏ vài năm trước khi cậu qua đời ở tuổi 19.
Bộ xương từ đảo Borneo khoảng 31.000 năm trước cho thấy bằng chứng phần dưới chân trái đã được phẫu thuật cắt cụt – Ảnh: TR MALONEY
Nhà khảo cổ học Tim Maloney (Đại học Griffith ở Southport, Úc) cho biết có ít nhất một người cổ đại khác đã thực hiện ca phẫu thuật cho cậu bé này với “kiến thức chi tiết về giải phẫu người và kỹ năng kỹ thuật rất tốt”, giúp cậu bé tránh được tình trạng mất máu và nhiễm trùng gây tử vong thời điểm bị thương.
Phát hiện này đẩy lùi dấu mốc con người biết phẫu thuật lần đầu tiên về khoảng 20.000 năm.
Vi khuẩn Thiomargarita magnifica (đặt bên cạnh đồng xu) có chiều dài trung bình khoảng 1 cm – Ảnh: THOMAS TYML
Phát hiện vi khuẩn đơn bào lớn nhất
Vi khuẩn thường sống trong thế giới vi mô và phải dùng kính hiển vi để thấy chúng. Trên tạp chí Nature hồi tháng 6, các nhà khoa học Mỹ công bố phát hiện về một vi khuẩn đơn bào cực lớn tên Thiomargarita magnifica, với độ dài trung bình khoảng 1cm.
Kích thước này lớn hơn khoảng 50 lần so với các loài vi khuẩn lớn khác và lớn hơn khoảng 5.000 lần so với vi khuẩn điển hình.
Thiomargarita magnifica có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong các khu rừng ngập mặn ở Lesser Antilles thuộc vùng biển Caribe.
Hiện tại lý do vì sao vi khuẩn này lại có thể phát triển với kích thước như vậy chưa được giải thích rõ.
Siêu máy tính Frontier tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge đã chính thức đạt cột mốc điện toán exascale – Ảnh: CARLOS JONES/ORNL/DOE
Tìm ra siêu máy tính nhanh nhất
Một siêu máy tính có tên Frontier tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (Mỹ) đã xử lý các con số với tốc độ chóng mặt trong năm nay: 1,1 triệu phép tính mỗi giây trong phép đo điểm chuẩn Linpack.
Điều này làm cho Frontier trở thành chiếc “máy tính exascale” vượt qua siêu máy tính dẫn đầu trước đó là Fugaku của Nhật Bản.
Các nhà nghiên cứu kỳ vọng siêu máy tính này sẽ dẫn đến những đột phá trong mọi lĩnh vực, từ khoa học khí hậu, sức khỏe đến vật lý hạt nhân.
Cá Jonah’s icefish tạo ra những chiếc tổ hình tròn với nhiều viên đá cứng ở giữa, rồi đẻ hơn 1.000 quả trứng xung quanh những viên đá đó – Ảnh: VIỆN NGHIÊN CỨU ALFRED WEGENER / ĐỨC
Phát hiện số lượng tổ cá tập trung lớn nhất
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Current Biology hồi đầu năm, các nhà khoa học Đức cho biết họ đã rất sửng sốt khi phát hiện một quần thể khoảng 60 triệu tổ của cá Jonah’s icefish, trải dài trên ít nhất 240km2, gần bằng diện tích của Orlando (Mỹ).
Loài cá Jonah’s icefish (Neopagetopsis ionah) nối tiếng với việc làm tổ tập trung dưới đáy biển. Trước đây, các nhà khoa học từng phát hiện những tổ cá như thế tại nhiều khu vực biển khác nhau nhưng số lượng chỉ vài chục tổ.
Các nhà khoa học tin rằng nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào có thể khiến những con cá Jonah’s icefish tập trung về Nam Cực nhiều hơn.
Hình minh họa lỗ đen Gaia BH1 – Ảnh: GAIA/ESA
Phát hiện lỗ đen gần nhất
Bằng cách sàng lọc dữ liệu do tàu vũ trụ Gaia công bố, các nhà vật lý thiên văn Anh đã phát hiện ra một hố đen cách Trái đất chỉ hơn 1.560 năm ánh sáng.
Hố đen này ược đặt tên là Gaia BH1, có khoảng cách rất gần Trái đất, gấp đôi so với lỗ đen gần nhất đã biết trước đây. Mặc dù hiện tại Gaia BH1 đang được coi là hố đen gần Trái đất nhất nhưng các nhà khoa học dự đoán kỷ lục này có thể không đứng vững.
Bởi vì có khoảng 100 triệu lỗ đen được dự đoán tồn tại trong Dải Ngân hà. Vì hầu hết là vô hình nên chúng rất khó tìm, nhưng hiện tại tàu vũ trụ Gaia đang lập bản đồ chính xác cho một tỉ ngôi sao. Những dữ liệu tiếp theo sẽ được công bố sau vài năm nữa, những lỗ đen ở gần hơn cũng có thể được khám phá thêm.
Nguồn: Sciencenews
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nhung-kham-pha-bat-ngo-nam-2022-20221227203859937.chn” name=””]