Sữa công thức được các mẹ cho trẻ sử dụng khi thiếu hoặc không có sữa mẹ để đảm bảo trẻ nhận được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và trí não. Chính vì vậy, việc chọn sữa bột chất lượng tốt và bảo quản sữa bột đúng cách tại nhà rất quan trọng mà các mẹ cần lưu ý.
Phân biệt sữa bột đảm bảo chất lượng
Các mẹ nên chọn các sản phẩm từ các thương hiệu uy tín lâu năm vì những tập đoàn lớn, uy tín thường có bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hệ thống nhà máy sản xuất hiện đại đạt chuẩn, dây chuyền công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất, đóng gói khép kín đảm bảo điều kiện vô trùng, an toàn, vệ sinh và quy trình bảo quản, lưu thông phân phối chuyên nghiệp. Ngoài ra, mẹ cần chọn loại sữa phù hợp với độ tuổi và thể trạng của bé. Chỉ mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn trong hạn sử dụng, bao bì nguyên vẹn không có dấu hiệu tẩy xóa, hộp không móp méo, để ở nơi khô mát và không bị nắng chiếu vào.
Trước khi pha sữa, mẹ nên kiểm tra sữa. Sữa bột có chất lượng tốt thường mịn, màu trắng ngà, mùi thơm. Nếu sữa có màu khác lạ như vàng đậm, thậm chí chuyển màu xám, xanh hoặc có biểu hiện vón cục, mùi lạ thì đó chính là các dấu hiệu cho thấy sữa đã bị biến đổi, kém chất lượng.
Mùi vị sữa cũng là một trong những tiêu chí mẹ có thể căn cứ để nhận biết chất lượng sữa. Sữa bột chất lượng tốt khi mở nắp ra sẽ tỏa mùi thơm dễ chịu. Ngoài ra, khi nếm sữa đảm bảo chất lượng mẹ sẽ cảm nhận được mùi vị đặc trưng của sản phẩm.
Sử dụng và bảo quản sữa bột đúng cách
Một lần chị Vi (Q.2, TPHCM) múc sữa bột từ hộp ra định pha cho bé uống thì thấy bột sữa ngả vàng và mùi sữa không thơm. Ngay lập tức, chị liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng nơi mình mua sữa để tìm hiểu nguyên nhân. “Hóa ra sữa bị biến chất bắt nguồn từ nguyên nhân bảo quản sữa không đúng cách. Sau khi lấy sữa, tôi đậy nắp hộp không khít và để trên kệ bếp, nên sữa bị hút ẩm và nóng dẫn đến chất lượng bị kém đi. Cũng may mà tôi kiểm tra lại thấy bất thường nên không pha cho con uống”.
Chị Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hốt hoảng khi con bị tiêu chảy, mặc dù bé đã uống quen loại sữa bột đang dùng cả tháng nay. Chị vội vàng mở hộp sữa ở nhà ra xem lại thì phát hiện sữa bột có tình trạng vón cục, mùi nồng. Khi nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà sản xuất đến kiểm tra và giải thích, chị mới hiểu ra có hôm vội, chị quên không đậy nắp kín cho hộp sữa, hộp để gần cửa sổ, thời tiết lại đang mưa ẩm nên sữa hút nước vón lại và nhanh hỏng.
Như vậy, việc sử dụng và bảo quản sữa bột tại nhà rất quan trọng kể cả trước và sau khi mở hộp nhằm đảm bảo trẻ được cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Sữa rất dễ hỏng nếu bảo quản không đúng cách, vì thành phần nhiều dinh dưỡng của sữa là môi trường lý tưởng cho nhiều loại vi sinh vật phát triển.
Trước khi pha sữa cho con, mẹ cần rửa tay sạch, các dụng cụ pha phải được tiệt trùng, sử dụng muỗng sạch chuyên dụng có sẵn bên trong hộp sữa, và đậy nắp thật kỹ ngay khi lấy sữa. Hộp sữa đã mở nên bảo quản ở nơi thoáng mát, không nên đặt vào tủ lạnh để tránh sữa bên trong bị ẩm.
Sữa pha xong nên cho trẻ dùng ngay. Nếu trẻ chưa muốn uống, hãy đậy kín nắp bình sữa và đặt vào ngăn mát tủ lạnh, bảo quản tối đa 24 giờ. Nếu để ở nhiệt độ phòng, sữa dùng được trong 2 giờ. Quá thời hạn này, mẹ nên đổ bỏ vì sữa có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Sữa bột cần đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nhiệt độ cao hay ánh nắng trực tiếp. Đã có trường hợp người mẹ vô tình đặt hộp sữa mới mua ở cạnh bếp, nơi nhiệt lượng tỏa ra liên tục hoặc ánh nắng gắt thường rọi vào trong thời gian dài, kết quả là sữa bị vón cục, thay đổi màu sắc ngay khi mở hộp. Một số mẹ quên không đậy nắp hộp ngay sau khi lấy sữa ra pha cũng khiến sữa bột hút ẩm từ không khí, dẫn đến vón cục, biến chất, ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của sữa, và sức khỏe bé
Sau khi mở hộp, mẹ nên sử dụng hết lượng sữa trong vòng 2 – 3 tuần là tốt nhất vì sữa bột dễ hút ẩm làm mất chất dinh dưỡng, thậm chí biến chất, không sử dụng được.
Việc pha sữa cũng cần tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để con nhận được nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Mẹ cần chú ý liều lượng và độ ấm nóng của nước khi pha như đã hướng dẫn trên nhãn. Không tự ý pha đậm hơn hay loãng đi làm thay đổi hàm lượng dinh dưỡng, mà không có tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng hay trao đổi với bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà sản xuất.
Một vài vấn để thường gặp
Trong quá trình sử dụng sữa công thức, trẻ em có thể gặp một vài vấn để như nôn trớ, đầy hơi, dị ứng, táo bón hoặc tiêu chảy.
Các hiện tượng trên có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nôn trớ sau ăn là hiện tượng khá phổ biến do trẻ không được giữ đúng tư thế khi cho bú, bú bình không đúng cách khiến trẻ nuốt nhiều khí vào dạ dày, cho bé ăn quá nhanh hoặc ăn nhiều, hoặc một vài trẻ có vấn đề ở dạ dày và hệ tiêu hóa.
Trẻ bị phát ban hoặc nổi mề đay hiếm khi do dị ứng với thành phần trong sữa công thức, ngoại trừ một số ít trường hợp trẻ bị dị ứng với protein sữa bò hoặc không dung nạp đường lactose trong sữa. Chủ yếu các trường hợp dị ứng là do trẻ tiếp xúc với các yếu tố bất lợi từ bên ngoài như bị côn trùng cắn, sản phẩm chăm sóc da hoặc chất tẩy rửa trong gia đình, hoặc với các đồ gia dụng mới mua.
Táo bón hoặc tiêu chảy có thể xảy ra khi sử dụng sữa để quá lâu hoặc pha không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh. Một vài thành phần như dầu cọ có trong một số loại sữa có thể làm tăng tỷ lệ trẻ bị táo bón, hay lactose trong sữa có thể gây tiêu chảy ở một số trẻ không dung nạp đường lactose.
Mẹ nên liên hệ với cửa hàng hoặc đại diện nhà sản xuất để được hỗ trợ thông tin đầy đủ. Nếu có lo lắng về sức khỏe của con, mẹ nên cho bé đi khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-khi-su-dung-sua-bot-d299103.html” alt_src=”” name=””]