Chính phủ Thái Lan đã chính thức phê chuẩn Dự luật Đối tác dân sự (Civil Partnership Bill) với nhiều điều luật thoáng hơn, cho phép các cặp đôi đồng tính được pháp luật bảo hộ, được đăng ký kết hôn, có quyền và nghĩa vụ như các cặp vợ chồng thông thường khác.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hôm thứ Ba (7/6) khẳng định, Dự luật Đối tác Dân sự là một đạo luật mới nhằm đáp ứng những thay đổi toàn cầu, đặc biệt là về bình đẳng giới và đa dạng giới tính. Đây là những quyền cơ bản của con người phải được bảo vệ theo luật pháp quốc tế.
Mối quan hệ đồng giới và hôn nhân đồng giới đặt ra yêu cầu phải sửa đổi một số luật hiện hành của Thái Lan bởi các thành viên trong gia đình có ràng buộc pháp lý về nhiều vấn đề như thừa kế, tài sản, lập di chúc, mang thai hộ, nhận con nuôi hay các vấn đề xã hội khác.
Bangkok tổ chức lễ diễu hành đầu tiên cho cộng đồng LGBT sau 16 năm kể từ năm 2006 vào hôm 5/6/2022. (Ảnh: Bangkok Post).
Thủ tướng Prayut cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu kỹ lưỡng Dự luật và tham khảo ý kiến của tất cả các bộ ngành, cả khu vực công và đại diện các tôn giáo, để sửa đổi những điểm còn thiếu sót.
Dự luật Đối tác dân sự đã được thông qua vào tháng 7/2020. Do Chính phủ Thái Lan cho rằng Dự luật này cần được nghiên cứu kỹ hơn để cân nhắc tính thiết yếu và lấy ý kiến công chúng, Dự luật đã được Hội đồng Nhà nước, cơ quan tư vấn cho Chính phủ Thái Lan, xem xét lại trước khi chuyển cho Nội các vào ngày 7/6.
Nội dung Dự luật của Thái cho phép các cặp đôi đồng tính đăng ký quan hệ hôn nhân, nhận con nuôi, đòi quyền thừa kế và cùng đứng tên sở hữu tài sản. Dự luật quy định các cặp đôi phải từ 17 tuổi trở lên và ít nhất 1 trong 2 người phải là công dân Thái Lan để đăng ký kết hôn. Dự luật này cũng bao gồm các điều khoản về ly dị. Dự luật sẽ được trình lên Quốc hội để thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nguoi-dong-gioi-o-thai-lan-se-duoc-phep-ket-hon-va-phap-luat-bao-ho-20220608094527074.chn” name=””]