Từ trụ sở FBI, tháp truyền hình cho tới tòa nhà Quốc hội, đâu đâu cũng tồn tại các công trình bị chế giễu vì chức năng và phong cách thiết kế của chúng.
Tòa thị chính của thành phố Boston, bang Massachusett, Mỹ
Hoàn thành vào năm 1968, tòa nhà này là một ví dụ điển hình về trường phái Kiến trúc bạo lực – một phong cách thiết kế gây tranh cãi với các hình dạng khối trần trụi và thường xuyên sử dụng bê tông lộ thiên.
Trong những năm qua, nó tiếp tục bị chỉ trích là “xấu xí” và “phản đô thị”.
“Tội ác lớn nhất của nó không phải là xấu xí mà là phản đô thị”, nhà bình luận Paul McMorrow viết trên tờ Boston Globe năm 2013. “Chức năng chính của các thành phố là tập hợp mọi người lại với nhau, nhưng tòa thị chính này đã cố gắng hết sức để đẩy lùi tất cả.”
Theo tạp chí Current Affairs, tòa nhà này xấu xí đến mức nhiều người dân ở Massachusetts đã kêu gọi phá hủy nó trước khi cấu trúc này được xây dựng hoàn chỉnh.
Tòa nhà trụ sở của FBI tại thủ đô nước Mỹ
Việc xây dựng trụ sở của FBI – có tên chính thức là Tòa nhà J. Edgar Hoover – bắt đầu vào những năm 1960. Nó cũng là biểu tượng của phong cách Kiến trúc bạo lực, trào lưu bắt nguồn từ giữa thế kỷ 20.
Một bài báo từ The Washingtonian, một tờ báo địa phương nổi tiếng, nói rằng tòa nhà trụ sở của FBI từ lâu đã bị coi là “sự khinh miệt của người dân Washington”. Sau đó, tác giả đã mô tả cấu trúc này là “lạnh lùng, không được chào đón, và gần như lạc hậu.”
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty cải tiến nhà Buildworld, tòa nhà này được coi là tòa nhà xấu nhất ở Mỹ.
Trong khi đó, trang web của FBI tuyên bố rằng cấu trúc này “tương phản với các tòa nhà chính phủ vẫn thường sử dụng đá cẩm thạch, đá granit hoặc đá vôi truyền thống.”
Tháp Balfron ở Washington DC, bị chê xấu nhưng vẫn đắt đến kinh người
Tương tự như trụ sở FBI, Tháp Balfron cũng ở Washington. DC là một ví dụ về lối kiến trúc Brutalist. Mặc dù cấu trúc được xây dựng vào những năm 1960, tòa nhà dành cho dân cư này có nội thất mới được cải tạo lại.
Cụ thể vào năm 2010, cư dân sống ở đây đã bị buộc phải di dời để tòa nhà có thể tân trang lại. Sau khi sửa chữa, tòa nhà cung cấp các tiện nghi sang trọng, bao gồm sân hiên ăn uống riêng, phòng tập yoga và rạp chiếu phim.
Nhiều ấn phẩm khác nhau, bao gồm cả tờ MyLondon , gọi cấu trúc này là một trong những “tòa nhà xấu xí nhất trên cả nước.” Tuy nhiên, sau khi cải tạo, tờ Guardian báo cáo rằng các căn hộ trong Tháp Balfron đang được bán với giá lên tới gần 1 triệu USD.
Tháp truyền hình Žižkov ở Praha, Séc
Là công trình được bắt đầu xây dựng vào những năm 1980, Tháp truyền hình Žižkov ở Praha, Cộng hòa Séc, được mệnh danh là “tòa nhà xấu thứ hai trên thế giới”, theo CBC.
Tòa nhà nổi bật và đi ngược lại với sự quyến rũ của phần còn lại trong kiến trúc chung ở Praha như một lời nhắc nhở đầy tính chia rẽ.
Hơn một thập kỷ trước, để làm cho phần “chướng mắt” này thêm độc đáo, nghệ sĩ David Černý đã cho lắp đặt tác phẩm điêu khắc là những em bé khổng lồ đang bò lên thành tháp.
Ban đầu chúng được thêm vào tòa tháp như một vật trưng bày tạm thời, nhưng gần đây các tác phẩm điêu khắc này đã được lắp đặt lại với kết cấu bền vững hơn. Mặc dù bản thân tòa nhà có thể gây ra nhiều cảm xúc lẫn lộn, nhưng các tác phẩm điêu khắc về những em bé vẫn khá được yêu thích.
Bảo tàng Hoàng gia Ontario ở Toronto, Canada
Khi lần đầu tiên mở cửa vào năm 2007 , Bảo tàng Hoàng gia Ontario không nhận được nhiều sự yêu thích vì thiết kế bao gồm kính, thép, tường dốc và các góc khá kỳ quặc.
Philip Kennicott, nhà phê bình nghệ thuật và kiến trúc, đã viết trên tờ The Washington Post năm 2009 rằng: “Bảo tàng Hoàng gia Ontario ở Toronto vượt qua sự xấu xí của các tòa nhà chức năng nhạt nhẽo bằng cách vừa xấu xí vừa vô dụng”.
Kennicott đặt câu hỏi về “sự khôn ngoan” khi các kiến trúc sư đã tạo ra một tòa nhà với những bức tường nghiêng để trưng bày nghệ thuật.
Tuy nhiên trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, một số người dân Toronto đã dần coi tòa nhà như một phần bổ sung cần thiết cho cảnh quan của thành phố và là một thắng cảnh được yêu thích.
Alexander Josephson, đồng sáng lập công ty kiến trúc và thiết kế Partisans, cho biết trên tạp chí Azure rằng: “Kiến trúc cần thời gian để thấm nhuần”.
Sân vận động Alamodome ở bang Texas, Mỹ
Alamodome, sân vận động với chi phí xây dựng là 186 triệu USD, đã mở cửa vào năm 1993.
Mặc dù có mức giá đắt đỏ, nhưng người dân ở thành phố San Antonian không ấn tượng với tính thẩm mỹ của sân vận động này.
Theo tờ báo địa phương San Antonio Current, thì người dân địa phương từ lâu đã gọi nhà thi đấu có sức chứa 64.000 chỗ ngồi bằng các biệt danh “không mấy hay ho” như “bốn cột điện thoại trên nhà chứa máy bay” hay “một con tatu lộn ngược”.
Tòa nhà Quốc hội Scotland
Trong cuộc khảo sát của Buildworld về những tòa nhà xấu nhất thế giới, tòa nhà Quốc hội Scotland đứng đầu. Họ phát hiện ra rằng, tại thời điểm khảo sát, có tới 42,07% dòng chia sẻ trên Twitter đề cập đến tòa nhà mang nội dung tiêu cực.
Được hoàn thành vào năm 2004, tòa nhà là một sự kết hợp có phần hơi “hỗn loạn” của thép, gỗ sồi và đá granit.
Theo Buildword thì “dự án đã không được ưa chuộng ngay từ đầu, vì một tòa nhà quốc gia do một kiến trúc sư nước ngoài thiết kế đã nhanh chóng vượt quá ngân sách gấp mười lần và thi công vượt quá thời hạn.”
Nguồn: Insider
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nhung-toa-nha-xau-xi-va-bi-ghet-nhat-the-gioi-20230129114820124.chn” name=””]