Không thích những bó hoa “đồng phục” ở ngoài cửa hàng, chị Vĩnh Quyên đã tự biến tấu ra vô vàn bình hoa đẹp, lạ đến nao lòng.
“Tính cách mình bị ảnh hưởng bởi nghề nghiệp nên ghét những thứ đơn điệu, lặp lại. Lặp lại của chính mình đã không thích chứ không nói là lặp lại người khác, bởi thế mình ít khi cắm loại hoa mà cả làng đang cắm, tức là cắm theo trend ý” – Đó là tâm sự của nữ Nhà báo Vĩnh Quyên (Hà Nội) khi chị chia sẻ về đam mê và ý tưởng cho ra những “siêu phẩm” độc lạ về hoa.
“Cúc cắm bình mãi phát chán, thôi chanh rẻ cho vào bình cho nó thay đổi” – Nữ Nhà báo dí dỏm chia sẻ.
Chị chia sẻ, một bình hoa đẹp theo quan điểm của chị không phải giá bao nhiêu tiền mà là độc, lạ, tự nhiên và thể hiện được tinh thần của người cắm cũng như làm người khác có cảm xúc khi ngắm bình hoa đó.
Thẳng thắn tiết lộ về tính cách chơi hoa của mình, chị nói: “Mình còn có tật xấu là ít khi bê nguyên những bó hoa người khác tặng về cắm vào bình. Vì cứ nghĩ những bó hoa “đồng phục” của cửa hàng là đã không thích. Cái nữa là vì đồng phục nên bó hoa trông không có cảm xúc gì, rất chán. Nên thường mình cho lại người khác hoặc dỡ ra nhặt lấy những bông, những lá mình thích rồi cắm lại bình mới. Và cũng vì thế mình hay cắm những bình hoa dại, những bình hoa rau củ chẳng giống ai từ những loài hoa, lá, củ quả mình thấy đâu đó trên đường, bên hàng rào những lúc đi đâu đó tình cờ nhìn thấy”.
Khoai lang mua về nướng còn thừa chị tiện tay cắm vào cốc nước.
“Quá dứa mua xanh quá thôi khoét ruột cho tý nến” – chị Vĩnh Quyên hài hước minh họa.
Nhờ sự bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú nên chị Quyên còn tận dụng triệt để chính đồ vật trong gia đình như vỏ chai bia, chai rượu, cốc uống nước để cắm hoa. Bản thân thuộc tuýp người sống cảm xúc nên chị cắm hoa hoàn toàn ngẫu hứng, tuỳ loại hoa và tuỳ tâm trạng vui buồn lúc đó.
Nhìn những sản phẩm do bàn tay chị làm ra, có cả những bình được chăm chút cả tiếng đồng hồ và cả những bình hoa cắm vội song đều ẩn chứa trong đó là linh hồn, là tình cảm mà chị gửi gắm. “Cả nhà đều có quan điểm về cái đẹp giống nhau. Đều ghét hoa giả và không thích những bình hoa quá hoành tráng, cầu kỳ, diêm dúa. Tất cả đều thích những bình hoa giản dị, tự nhiên song thành viên nào cũng vô cùng thích thú” – chị Quyên cho biết.
Bạn cho bó chè xanh chị Quyên bèn cắm luôn vào bình, mỗi ngày vặt dần pha trà cho tươi, nhất cử lưỡng tiện.
Theo nữ Nhà báo, mỗi bình hoa đều gắn với một câu chuyện, một con người cụ thể. Chị kể: “Mình có một người bạn trên mạng xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh là người rất yêu hoa. Bạn có sở thích ngắm các bình hoa mình cắm và đưa lên facebook, thậm chí bạn đó còn đoán tâm trạng của mình qua bình hoa hôm đấy rất thú vị”.
Chia sẻ về những khó khăn trong suốt những năm dài chơi hoa, chị cho rằng có những loài hoa dại rất đẹp nhưng lại chóng héo, đó là khó khăn lớn nhất. Để có được những bông hoa tươi, theo chị Quyên người mua phải nhìn ở cuống hoa sẽ biết hoa có tươi không. Hoa đã để lâu thì cuống sẽ nhớt hoặc có mùi. Là người không thích phối hoa nhiều màu nên chị thường chỉ chọn đến 3 màu là chính.
Chị kể tiếp, xu hướng cắm hoa bây giờ thường cắm xen các loại lá. Nhưng không phải loại hoa nào cũng cắm với lá khác được. Ví dụ như violet, thược dược, loa ken chẳng hạn, vì bản thân nó đã rất nhiều lá rồi. Hoa đẹp sẵn thì phải cắm vào bình đẹp. Đẹp ở đây có nghĩa là phù hợp, phù hợp với hoa, phù hợp với góc nhà mình định đặt bình hoa ở đấy. Một nguyên tắc chị Quyên hay dùng là hoa sặc sỡ sẽ đi với bình một màu và ngược lại. Hoa dại ít khi chị cắm bình to mà hay cắm những bình gốm xinh xinh hoặc bình thuỷ tinh.
Hoa mò mọc dại ven đường cắm vào bình 30 tuổi.
“Mình thích cắm hoa nên cũng nghiện mua bình, đi đâu mà thấy cái bình hay hay lạ mắt là lại tặc lưỡi mua. Tiếc là nhà không có chỗ để nên cũng không dám mua nhiều, chỉ có khoảng 30 cái. Khi chọn xong bình phù hợp thì tuỳ loại hoa để cho nước vào bình ít hay nhiều, muốn hoa lâu tươi mình hay cho 1-2 giọt nước rửa bát vào bình, hoa khi mua về chưa cắm ngay mà thường ngâm gần hết cuống ngập trong xô nước vài tiếng cho hoa hồi lại, sau đó cắt bớt gốc, tỉa lá và cắm. Hai hôm thay nước một lần là được trừ những loại cành hư nhanh như thược dược, cúc, violet” – chị chia sẻ.
Rất nhiều chị em tỏ ra thích thú khi được nhìn các bức ảnh về bình hoa do chị Quyên cắm chia sẻ trên mạng xã hội. “Ở cơ quan nhiều đồng nghiệp cũng khá thích các bình hoa mình cắm vì có nhiều loại hoa lần đầu họ được thấy” – chị nói.
Là người nhiều năm gắn bó với thú chơi tao nhã, bao nhiêu bình hoa là bấy nhiêu ý nghĩa riêng. Song có một bình hoa mang giá trị sâu sắc, đó là lần chị về thăm ngôi mộ của bố vào dịp thanh minh năm ngoái và vô tình hái một bó hoa cải cúc đem về tỉa bớt lá sau đó cắm vào chiếc bình gốm của bố để lại – cũng là chiếc bình đã xuất hiện trong gia đình chị gần 60 năm nay.
Hoa cải cúc vàng rực rỡ, nhuỵ trắng, lá xanh thẫm, bình gốm cổ men vân màu lam thẫm kết hợp với nhau tạo ra “siêu phẩm” không đâu có được. “Thấy mình ngắt hoa cúc đem về cắm, đứa cháu còn cười rũ rượi. Thật không ngờ sản phẩm kết hợp giữa nét cổ xưa của bình gốm và sự tươi mới của hoa cải cúc đã khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi” – chị Vĩnh Quyên cảm động chia sẻ.
Do bị vỡ mất chiếc bình nên chị Quyên đã cắm hoa vào bắp cải.
Những loài hoa dân dã được chị chuộng để cắm vào những chiếc lọ bình dị bao gồm những cành găng dại, hoa xuyến chi, cành duối, mimoda, các loại lá, hoa thì là, hoa mùi, hoa sim, hoa mua… Có những bữa tiệc thay vì cắm một bình hoa bằng các loại hoa phổ biến thì chị hay cắm bằng chính rau củ liên quan tới các món ăn. Ví dụ như bình hoa hẹ, bình ngồng tỏi, bình hành hoa, bình thì là, bình hành boaro. Tựu chung lại các loại hoa dại, các loại lá với chị Quyên đều có thể tận dụng để thành một bình hoa dễ thương.
Được tự tay biến tấu những lọ hoa đẹp, lạ, ngắm chúng mỗi ngày, nữ nhà báo cảm thấy vô cùng hạnh phúc và bình yên. .
Ngồng tỏi xào thịt còn thừa chị Quyên đem cắm vào bình.
“Mình thấy vui khi nhiều bạn thích thú những bình hoa dại giản dị ấy. Điều đó cho thấy cái đẹp không phụ thuộc vào giá tiền nhiều hay ít và cảm xúc của con người cũng vậy. Mỗi bình hoa khi được cắm bằng cảm xúc nó sẽ chứa đựng cảm xúc của chủ nhân. Và những người thực sự yêu hoa họ sẽ cảm nhận được điều đó” – Chị Vĩnh Quyên cho biết.
Tự tay biến tấu những lọ hoa đẹp, lạ, ngắm chúng mỗi ngày, nữ nhà báo cảm thấy vô cùng hạnh phúc và bình yên.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nu-nha-bao-tan-dung-cay-cu-hoa-dai-ve-cam-thanh-qua-khien-nhieu-nguoi-thich-thu-d240577.html” alt_src=”” name=””]