Nữ nghệ sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi. Cô thực sự đang theo đuổi điều gì?
Tháng 2 năm 1981, Sophie Calle nhận công việc dọn dẹp khách sạn tại thành phố Venice, Ý. Bên cạnh công việc này, cô cũng là một nhiếp ảnh gia.
Sophie dường như có một sự tò mò kỳ lạ về cuộc sống của những người khách thuê phòng. Trong thời gian làm nghề dọn dẹp, cô thường lén giấu máy ảnh và máy ghi âm trong thùng lau nhà, âm thầm chụp lại tình trạng ngổn ngang của căn phòng, kể cả khi khách chưa trả phòng. Người phụ nữ còn tự cho phép mình mở ví, bưu thiếp, kiểm tra quần áo của khách đặt phòng, ngay cả đồ vứt bên trong sọt rác cũng được Sophie chụp lại.
Dường như “vùng cấm” duy nhất của Sophie là hành lý (đã khóa) của khách. Còn nếu khách cố tình để lại cả chìa khóa cùng hành lý, Sophie coi đó như một lời gọi mời khám phá.
Phòng số 30
Làm nghệ thuật vì tò mò về sự riêng tư
Nhờ sự tò mò, hay nói đúng hơn là sự “xâm phạm” của Sophie, mà cô đã cho ra đời một cuốn nhật ký ảnh mang tên “The Hotel” – tập hợp những bức ảnh được sắp xếp tương ứng với số phòng. Những gì đời thường, nhất thời và phù du nhất của những người xa lạ đặt phòng khách sạn được phơi bày trong “The Hotel”.
Khi dọn dẹp và ghi dấu lại “tàn tích” của xã hội hiện đại, Sophie thường nhặt nhạnh rất nhiều mẩu chuyện nhỏ. Trong một chiếc túi xách của một người phụ nữ Pháp, cô tìm thấy 545 franc và một bức điện tín cũ kỹ có “tuổi đời” 16 năm.
Bức thư được gửi từ Chicago với dòng chữ “Chuyện gì đang xảy ra vậy em yêu?”. Trong phòng 12, nơi hai người đàn ông Vienna vừa ở, cô tìm được một chân nến bằng đồng, áo khoác dạ và một bản sao cuốn “Totem and Taboo” của Freud. Một phòng khác, cô tìm được ba cuốn tạp chí khiêu dâm, hai bộ đồ ngủ vải nỉ và một con gấu Teddy.
Cô tìm thấy những thứ mà người ta mang theo để có cảm giác thân thuộc như đang ở nhà (bức ảnh có khung, dép cá nhân, bình đựng nước nóng), nhưng cũng có thứ mang theo vì một số lý do đặc thù (một bộ tóc giả sáng màu, một chiếc nơ).
Tất cả mọi căn phòng đều vắng bóng người, ảnh màu đen trắng như hiện trường vụ án, một câu hỏi cứ phảng phất trong từng bức ảnh: Điều gì đã xảy ra trong căn phòng trước khi Sophie bước vào.
Phòng số 45
Phòng số 35
Phòng số 12
Trong bốn thập kỷ kể từ khi “The Hotel” lần đầu tiên xuất hiện, “dấu ấn” (imprint) con người vẫn là một chủ thể đặc trưng của Sophie. Biệt tài của nữ nhiếp ảnh gia là tạo ra một không gian âm để khoảng cách, hay ranh giới của vật thể, con người và không gian xung quanh được tô đậm. Hiểu đơn giản thì không gian âm chính là tạo ra nhiều khoảng trống để làm bật chủ thể chính. Màu trong không gian âm thường là trắng đen, đơn sắc.
Trong bộ ảnh “The Hotel”, thứ mà Sophie thực sự đang tìm kiếm còn bí ẩn và đa chiều hơn nhiều, chứ không chỉ đơn giản là đống quần áo bẩn của người khác. Thay vì xóa đi những vết tích hiện diện của con người, Sophie làm điều ngược lại, giữ lại mọi vết bẩn và mảnh vụn như lưu trữ một biểu tượng. Nhưng biểu tượng của cái gì? Đây là câu trả lời mà chính Sophie đang đi tìm, điều khiến cô ấy quan tâm nhất là sự quyến rũ “trần trụi” và cách mà đồ đạc phóng chiếu những hình dung cơ bản nhất về một người.
Ảnh của Sophie đều được chụp một cách nghiệp dư, không chỉnh sửa và phơi sáng quá mức, lộn xộn một cách có chủ đích, khiến cho ngay cả một miếng vỏ cam cũng thật đáng ngờ. Nữ nhiếp ảnh gia đặc biệt bị thu hút bởi những bức thư tình, ảnh cưới và bất kỳ tư liệu nào kể về một mối tình rạn vỡ.
Theo lời kể của cô, một nam du khách độc thân đã là phẳng chiếc áo ngủ rồi treo trên ghế như một hình thức “để tang” cho người vợ đã khuất. Cách đây hai năm, cả hai đã qua đêm tại một khách sạn và vợ anh không may qua đời.
“Tinh quái” từ buổi đầu đến với ngành nhiếp ảnh
Sophie Calle sinh ra ở Paris vào năm 1953. Cha cô, Robert, là bác sĩ chuyên khoa ung thư và cũng là nhà sưu tập nghệ thuật đương đại được kính trọng. Mẹ cô, Monique Sindler, là người Do Thái, hành nghề nhà báo. Cặp đôi ly hôn khi Sophie lên ba.
Khi còn là một thiếu niên, Sophie đã khá nổi loạn và “nhiệt huyết”. Cô tham gia một số tổ chức chính trị và thậm chí tổ chức một mạng lưới hỗ trợ phá thai. Cô từng là sinh viên ngành xã hội học nhưng “trải đời” trong đủ lĩnh vực chẳng liên quan, từ bán máy hút bụi, hầu bàn, trồng cần sa đến làm việc trong rạp xiếc.
Cô đến với nhiếp ảnh vào năm 26 tuổi. Trong buổi triển lãm ảnh đầu tiên của Sophie, “The Sleepers”, diễn ra năm 1979, mỗi tác phẩm đều thể hiện rõ phong cách thẩm mỹ “nghịch lý”, “tò mò tinh quái” của cô. “The Sleepers” tập hợp ảnh chụp người đang ngủ say.
Trong tám đêm, Sophie mời bạn bè và người lạ về ngủ trên giường của mình. Mỗi người dành tám giờ trên giường để ngủ, còn cô chụp ảnh và ghi chú về họ: họ có ngáy không, họ mơ thấy gì, họ cựa mình ra sao mỗi đêm.
Ảnh của cô lột tả một sự gần gũi, riêng tư trần trụi, cô sẵn lòng phơi bày những đường cong của một chiếc mông trần, hay đầu gối nhợt nhạt của người ngủ say. Chú thích viết tay đi kèm với ảnh ngắn gọn nhưng đủ để kích thích sự tò mò nhất định: “Lúc 6h45 tối, anh ấy ngủ rất sâu”, “Anh ấy cứ tung chăn ra suốt”.
Ảnh chụp trong bộ “The Sleepers”
Phong cách nghiên cứu về con người theo “ảnh lát cắt” của Sophie thực tế rất gần với kiểu nghiên cứu của ngành dân tộc học tại Pháp (phát triển từ những năm 1980). Để tập hợp dữ liệu về con người, người ta tập trung vào những gì tưởng như vô thưởng vô phạt diễn ra xung quanh cuộc sống của họ, ví dụ chụp cảnh người đợi tàu điện ngầm, chụp vật dụng cá nhân, chụp cuốn sổ ghi chép các cuộc trò chuyện.
Dường như Sophie luôn thích suy đoán và để sự hiếu kỳ dẫn lối. Bên cạnh, “The Hotel” cảm giác mơ hồ trong ảnh một lần nữa được cô đưa vào một dự án khác “Suite Vénitienne”, trong đó cô theo dõi và chụp ảnh một người đàn ông mà cô gần như không quen biết ở Venice. Cô còn kỳ công hóa trang với tóc giả và trang phục khác nhau để anh không nhận ra. “Tôi kỳ vọng rất cao vào anh ấy,” cô viết.
Đối với một số người, kiểu rình rập, lén lút này của Sophie nghe khá đáng sợ, thậm chí “biến thái”. Chính Henri B., người đàn ông Venice trong dự án “Suite Vénitienne” của Sophie, cũng không thích điều này. Sau khi lén chụp anh, cô tiếp cận và ngỏ ý muốn được công khai bộ ảnh này. Henri B. từ chối xuất hiện và cuối cùng Sophie đành thay thế anh bằng một người mẫu khác.
Một số người thì thấy khó chịu, một số lại thấy kiểu theo đuổi táo bạo của Sophie đã đảo ngược lại mối quan hệ giới tính, trong đó người ta thường tin rằng chỉ có đàn ông mới có thể tìm thấy niềm vui trong một cuộc “rượt đuổi”, dạo chơi.
Từ soi mói con người chuyển sang phơi bày chính mình
Vào cuối những năm 80, Sophie không hướng ống kính vào thế giới bên ngoài nhiều nữa mà tập trung hơn về cuộc sống cá nhân của mình. Cô cho biết đây là cách để cô “tạm nghỉ” sau khi hứng chịu đủ lời chỉ trích. Người ta không thích phong cách chụp của cô vì nó quá soi mói, tọc mạch.
Nhưng trong các dự án cá nhân, khi cô chụp ảnh chính mình, Sophie vẫn không quên “đính kèm” vài mẩu chuyện rất riêng tư, ngẫu hứng. Trong một bức ảnh chụp cận cảnh chiếc mũi, cô kể một chuyện (có vẻ là hư cấu) rằng năm mười bốn tuổi, cô được khuyến khích đi sửa mũi, nhưng trước hai ngày phẫu thuật thì bác sĩ của cô đã tự sát, và vì thế nên mũi cô vẫn “còn nguyên”. Đây được đánh giá là một sự nhượng bộ nhưng cũng là châm biếm với những lời chỉ trích.
Các tác phẩm khác của Sophie, chẳng hạn như triển lãm “Exquisite Pain” và bộ phim “No Sex Last Night,” chứa đầy những chi tiết trớ trêu về những lần chia tay và cuộc hôn nhân thất bại của cô, từ đó Sophie được truyền thông khắc họa như một nữ nghệ sĩ người Pháp điển hình – thất thường, kỳ quái, quyến rũ lả lơi, mặc dù cô không muốn gắn bản thân mình với “đặc tính” này.
Nhưng nếu Sophie muốn quyến rũ người xem bởi khung hình tối nghĩa và câu chuyện “viễn tưởng” về bản thân, thì cô đồng thời cũng muốn họ tự nhận thức được là họ đang bị quyến rũ. Bản thân cô cũng đầy mâu thuẫn, các dự án phần nhiều tập trung vào những lời thú tội và sự phơi bày, nhưng cô chưa bao giờ cảm thấy mình đang tiết lộ điều gì.
Sự khó đoán định và khó nắm bắt bản chất con người dường như ám ảnh trong tất cả tác phẩm của Sophie. Đây vừa là nguồn cảm hứng kích thích trí tò mò vừa là mối đe dọa lớn nhất đối với sự nghiệp sáng tạo. Chi tiết trong bộ ảnh “The Hotel” rất gần gũi, từ khăn trải giường ố vàng, khăn giấy đã sử dụng, từ băng vệ sinh đẫm máu trên thành bồn rửa, nhưng đồng thời sẽ nhàm chán nếu bị lặp lại.
Phòng số 30
Năm 1993, Sophie Calle nói với nhà sử học nghệ thuật Bice Curiger rằng mọi thứ trong “The Hotel” là “hoàn toàn đúng sự thật”, ngoại trừ một căn phòng duy nhất. “Tôi lấy một căn phòng trống và chất đầy phòng thứ tôi muốn”. Tuyên bố này như gửi đi một thông điệp nghệ thuật khác: Bạn thấy những điều mà mình muốn thấy, một căn phòng chỉ trống rỗng khi chính bạn không thấy gì. Nếu muốn căn phòng khác đi, bạn phải là người lấp đầy nó.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nu-nhan-vien-len-chup-anh-do-cua-khach-thue-phong-va-bien-no-thanh-nghe-thuat-20230219135029067.chn” name=””]