Sally Ride là nữ phi hành gia đầu tiên của Hoa Kỳ bay vào vũ trụ năm 1983.
Năm 1977, một cô gái trẻ bắt gặp quảng cáo trên tờ Nhật báo Stanford thông tin rằng NASA đang tìm kiếm các phi hành gia nữ. Tên cô là Sally Ride, và 5 năm sau, chính cô gái ấy trở thành người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên bay vào vũ trụ.
Tuy vậy, với vai trò là một người tiên phong, con đường đến không gian vũ trụ của Sally được lát đầy những “viên gạch” phân biệt giới tính và sự hoài nghi. Cánh phóng viên hỏi Sally liệu cô có trang điểm khi bay giữa các thiên thể hay không. Còn các chương trình trò chuyện đêm khuya thì cợt nhả về việc cô sẽ lỡ lịch phóng do mải lo lắng về phụ kiện.
Về phần Sally, cô chỉ muốn vươn tới những vì sao.
18/6/1983, mục tiêu của Sally Ride thành hiện thực khi cô bay cùng phi hành đoàn Challenger vào không gian. Khi xuyên qua lớp khí quyển của hành tinh xanh, Sally cũng đồng thời thiết lập 3 mốc lịch sử mới: Người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ, phi hành gia Mỹ trẻ nhất lúc đó; và phi hành gia đồng tính đầu tiên vào không gian – như được xác nhận khi Sally qua đời năm 2012.
Sally Ride rạng rỡ trên khoang phi thuyền Challenger năm 1983.
Con đường đến với NASA
Sally Ride sinh ngày 26/5/1951 tại Thành phố Los Angeles, tiểu bang California. Theo truyền thông Mỹ, cô lớn lên trong một gia đình yêu thương, cùng cha mẹ và em gái Karen.
Ngay từ lúc nhỏ, Sally đã bộc lộ tình yêu mãnh liệt với toán, khoa học và thể thao khi bà đam mê bóng đá đường phố đến mức sau đó cha mẹ phải đăng ký cho cô con gái học tennis, vì cho rằng đó là bộ môn an toàn hơn.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Newseek cùng năm Sally bay vào vũ trụ, cha bà chia sẻ: “Chúng tôi để các con phát triển một cách bình thường. Chúng tôi đã có thể khích lệ, nhưng phần lớn vẫn để chúng tự khám phá“.
Sally cùng em gái biệt danh “Bear”. 2 người có sự nghiệp đối lập nhau, khi Karen trở thành một giáo sĩ. Mẹ bà đùa rằng “Chúng ta sẽ xem xem ai là người đến được Thiên đường trước”.
Nhờ lực đẩy ấy của gia đình, trước khi vươn mình tới những vì sao, bản thân Sally đã là một ngôi sao đang lên của quần vợt Mỹ. Thông minh, sắc sảo, giỏi thể thao, không khó để cô gái trẻ giành được một suất học bổng trong Trường Nữ sinh Westlake.
Mặc dù từng đùa rằng tennis chỉ là cái cớ để giết thời gian rảnh cũng như tránh phải đến nhà thờ, Sally sớm trở thành vận động viên nghiệp dư cấp quốc gia khi còn ở tuổi niên thiếu, thậm chí còn được ngôi sao Billie Jean King khuyến khích đi theo con đường chuyên nghiệp.
Đáng ra, nước Mỹ đã có một tay vợt cừ khôi thay cho một phi hành gia lịch sử, nhưng Sally đã đưa ra lựa chọn: theo học đại học. Sau lời giễu nhại nhẹ như lông hồng về “một cú thuận tay hỏng” đã kết thúc sự nghiệp thể thao, cô theo học Trường Swarthmore ở Pennsylvania, trước khi chuyển về Đại học danh giá Stanford ở tiểu bang quê nhà.
Tại đó, Sally Ride giành được song bằng cử nhân vật lý và tiếng Anh, bằng thạc sĩ vật lý và thậm chí là bằng tiến sĩ vật lý thiên văn.
Sally trải lòng với USA Today vào năm 2006: “Vì bất cứ lý do gì, tôi không khuất phục trước định kiến rằng khoa học không dành cho con gái. Tôi còn nhận được khích lệ từ cha mẹ. Tôi chưa bao giờ tình cờ gặp một giáo viên hay một cố vấn nào nói với mình rằng khoa học chỉ dành cho con trai, (dù) rất nhiều bạn bè tôi đã nói thế“.
Lựa chọn vào Stanford cũng chính là định mệnh của Sally, khi một ngày cô bắt gặp quảng cáo tìm phi hành gia nữ của NASA trên Nhật báo Stanford. Như một cái gật đầu với số phận, cô gái trẻ quyết định “xắn tay áo” vào cuộc chơi.
Tổng cộng có 8 ngàn phụ nữ nộp đơn – nhưng cuối cùng, chỉ có 6 người được chọn, tất nhiên là bao gồm cả Sally.
Làm nên lịch sử
Sau khi chính thức “trúng tuyển” vị trí ứng viên phi hành gia tháng 1/1978, Sally bắt đầu quá trình huấn luyện nghiêm ngặt. Ngoài những kỹ năng hàng không như nhảy dù và lái máy bay, bà còn hỗ trợ phát triển cánh tay robot của phi thuyền và trở thành liên lạc viên cho các vụ phóng năm 1981, 1982.
Ảnh chụp Sally 3 ngày trước khi bay vào không gian, khi bà lái chiếc máy bay huấn luyện siêu thanh T-38.
Quá trình khổ luyện đã gặt hái được quả ngọt khi vào 30/4/1982, NASA thông báo bà được chọn trên sứ mệnh bay vào không gian của tàu Challenger.
Sau này khi kể lại với Florida Today, Sally cho biết mọi người lúc đó rất phấn khích nhưng đồng thời cũng lo lắng cho bà. Họ hỏi “Cô có chắc muốn làm không? Chúng tôi rất phấn khích khi có cô trong phi hành đoàn, nhưng muốn đảm bảo rằng cô hiểu mình đang dấn thân vào việc gì“.
Khi ấy, tất cả những gì Sally khao khát chỉ là một cơ hội bay vào không gian và bà đã không chút lưỡng lự nói Có.
Sally không đủ may mắn để có được vinh dự là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nhân loại bay vào không gian. Danh hiệu đó thuộc về một nữ phi hành gia Liên Xô khác. Tuy nhiên, bà vẫn là phụ nữ Mỹ đầu tiên chạm đến cột mốc lịch sử này.
Báo chí Mỹ khi đó vồ lấy tin tức này và tiếp cận bà bằng những câu hỏi thiếu tế nhị, như cách bà sẽ đối mặt với kỳ kinh nguyệt trên không gian, liệu bà có trang điểm không, hay thậm chí bày tỏ lo lắng cho khả năng sinh con của bà và sợ rằng người phụ nữ ấy sẽ “sụt sùi” khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
Sally bên cạnh phi hành đoàn toàn nam của Challenger.
“Tại sao không ai đi hỏi Rick (Trung tá Hải quân Frederick H. Hauck, phi công của sứ mệnh) những câu hỏi đó? – Sally chất vấn. Và tại một cuộc họp báo của NASA, bà nói thêm, “Thật tệ khi đó là một vấn đề to tát đến thế. Thật tệ rằng xã hội của chúng ta đã ngừng tiến bộ“.
Dù xã hội Mỹ khi đó chưa sẵn sàng, nhưng Sally thì có, như thể bà đã luôn mong chờ khoảnh khắc ấy từ năm 1951. 18/6/1983, bà cùng phi hành đoàn Challenger tiến vào không gian vô định.
“Vào ngày phóng, có quá nhiều sự phấn khích và rất nhiều thứ diễn ra xung quanh chúng tôi trong khu phi hành đoàn, ngay cả trên đường đến bệ phóng, tôi thực sự không nghĩ về việc (trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của Mỹ) nhiều đến thế” – bà giãi bày trong cuộc phỏng vấn năm 2008.
Sally cùng một đồng đội nữ khác trong một sứ mệnh không gian sau này.
Dù vậy, “Tôi cảm thấy thật vinh dự khi được chọn là người (phụ nữ) đầu tiên có cơ hội bay vào vũ trụ” – bà nói.
Sally dành 6 ngày trên quỹ đạo Trái Đất cùng các đồng đội. Phi hành đoàn nhận nhiệm vụ triển khai 2 vệ tinh cho Canada và Indonesia vào thời điểm đó.
Ở tuổi 32, Sally đã đạt được ước mơ của hàng ngàn phụ nữ khác và còn một con đường rộng mở phía trước.
Những năm sau này và di sản
Sally tiếp tục cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp vũ trụ cùng NASA. 1 năm sau chuyến bay đầu tiên, bà lại vào vũ trụ lần nữa. Đáng ra, bà đã có thể tiến vào không gian 3 lần, nếu không có thảm họa nổ tàu Challenger năm 1986.
Sau đó, Sally làm việc trong ủy ban điều tra vụ tai nạn – một vai trò bà tiếp tục đảm nhận sau khi phi thuyền Columbia nổ tung lúc tái nhập khí quyển, năm 2003.
Trước khi Sally Ride qua đời, bà đã dành những năm cuối đời để khuyến khích việc học toán và khoa học ở nữ giới trẻ. Theo The New York Times, bà đã viết 6 cuốn sách khoa học cho trẻ em và thành lập tổ chức Sally Ride Science để “làm cho khoa học và kỹ thuật trở nên ngầu trở lại”. Sally cũng sáng lập dự án EarthKAM của NASA, cho phép học sinh, sinh viên trẻ chụp ảnh Trái Đất từ không gian.
Năm 2013, Tổng thống Obama truy tặng Huân chương Tự do cho Sally. Người đại diện nhận là Tam O’Shaughnessy.
Trong suốt thời gian đó, Sally luôn giữ kín cuộc sống riêng tư của mình. Mãi cho đến khi bà qua đời vào ngày 23/7/2012, ở tuổi 61, thế giới mới biết được 2 sự thật về cuộc đời bà. Một, bà đã chiến đấu với ung thư tuyến tụy trong 17 tháng trước đó, và hai, bà đã ở bên người bạn đời của mình, Tam O’Shaughnessy, trong suốt 27 năm.
“Sally không bao giờ giấu giếm mối quan hệ của mình với Tam“, em gái bà tiết lộ với NBC. “Họ là bạn đời, đối tác kinh doanh trong Sally Ride Science, họ đã viết sách cùng nhau và những người bạn rất thân của Sally, tất nhiên, biết tình yêu của họ dành cho nhau. Chúng tôi coi Tam như một thành viên của gia đình mình“
Tiết lộ này nghĩa rằng Sally Ride không chỉ là nữ phi hành gia người Mỹ đầu tiên – mà còn là phi hành gia đồng tính đầu tiên được công nhận.
Ngày nay, Sally Ride được xem như một người phụ nữ mở đường. Đến hiện tại, hàng chục phụ nữ đã lên vũ trụ và sĩ số khóa học năm 2013 của NASA là lần đầu tiên số phi hành gia của 2 giới tính chia đều.
Đây cũng là lúc để nhắc lại lời nhắn của nhà hoạt động nữ quyền Gloria Steinem trước chuyến bay lịch sử mà Sally tham gia năm 1983:
“Hàng triệu bé gái sẽ ngồi trước màn hình TV và chứng kiến mình có thể trở thành phi hành gia, anh hùng, nhà thám hiểm, và nhà khoa học“.
Nguồn: ATI
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nu-phi-hanh-gia-dau-tien-cua-hoa-ky-pha-bo-rao-can-phan-biet-gioi-tinh-thach-thuc-dinh-kien-va-cung-luc-thiet-lap-3-moc-lich-su-20220719095403863.chn” name=””]