Cuối cùng, điều gần như ngăn cản Vesna Vulović trở thành tiếp viên hàng không lại chính là thứ đã giúp cô sống sót.
Tối 26/1/1972, khi đang ngồi trong nhà, một người dân tên Bruno Honke nghe thấy tiếng la hét phát ra từ sườn đồi ngay bên ngoài ngôi làng của mình ở Tiệp Khắc (ngày nay là Slovakia và Cộng hòa Séc).
Âm thanh quá lớn khiến ông Bruno không khỏi tò mò mà buộc lòng chạy ra xem xét tình hình. Những người hàng xóm của ông cũng ào ra. Thế rồi, hiện ra trước mắt họ là một cảnh tượng khủng khiếp: một chiếc máy bay vỡ vụn bốc cháy ngùn ngụt.
Theo lý thuyết, thật khó có ai thoát chết sau một vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng như vậy nhưng Bruno nhanh chóng phát hiện ra rằng ai đó thực sự vẫn còn sống. Giữa đống đổ nát là một người phụ nữ mặc đồng phục tiếp viên hàng không màu ngọc lam vấy máu và không đi giày. Cô vẫn còn thở.
Tên cô ấy là Vesna Vulović. Mặc dù Vesna vẫn chưa tỉnh nhưng cô thực sự vừa sống sót sau cú rơi kinh hoàng từ độ cao 10.000 mét.
Trong hoạn nạn có may mắn, Vesna vô tình lập một trong những kỷ lục kỳ lạ nhất thế giới: sống sót sau cú rơi từ độ cao 10.000m mà không cần dù. Tin tức này khiến cả thế giới kinh ngạc.
Làm tiếp viên để thỏa mãn đam mê du lịch
Vesna Vulović (khi ấy 22 tuổi) sinh ra ở Cộng hòa Serbia, một quốc gia không giáp biển thuộc vùng Trung Âu. Thời điểm tai nạn máy bay xảy ra, Vesna chỉ vừa mới làm tiếp viên hàng không được 8 tháng. Sau khi đến London để học tiếng Anh, cô nhận ra niềm yêu thích du lịch. Vesna quen biết một người bạn đang làm tiếp viên hàng không và được đi du lịch khắp thế giới, cô nhận ra đó là cơ hội tốt để thực hiện ước mơ khám phá thế giới.
Năm 1971, Vesna gia nhập JAT Airways, hãng hàng không quốc gia của Nam Tư, đồng thời là hãng hàng không lớn nhất của nước này thời điểm đó.
Tuy nhiên, ước mơ của Vesna suýt nữa đã không thành hiện thực. Với tiền sử huyết áp thấp, Vesna biết rằng mình khó có thể vượt qua kỳ kiểm tra sức khỏe. Vì vậy, ngay trước khi đi vào phòng kiểm tra, cô đã lén uống vài tách cà phê với hy vọng nó sẽ giúp cho huyết áp của cô tăng lên, đủ tiêu chuẩn.
Mẹo nhỏ của Vesna đã thành công, cô vô cùng hạnh phúc vì được phép tham gia chương trình đào tạo tiếp viên hàng không.
Vụ tai nạn định mệnh
Sau 8 tháng chính thức trở thành nữ tiếp viên hàng không, Vesna Vulović được yêu cầu tham gia phục vụ trên chuyến bay JAT 367, từ Stockholm (Thụy Điển) đến Beograd (Serbia) với các điểm dừng là Copenhagen (Đan Mạch) và Zagreb (Croatia). Mặc dù Vesna nhận ra rằng JAT đã nhầm lẫn cô ấy với một tiếp viên khác tên là Vesna nhưng cô vẫn đồng ý tham gia đường bay này. Chưa bao giờ đến Đan Mạch, Vesna coi đây là một cơ hội cực tuyệt để đến thăm đất nước này.
Chiếc máy bay cùng loại với máy bay gặp nạn.
Tuy nhiên, khi hạ cánh xuống Đan Mạch, Vesna nhận ra phi hành đoàn “có vấn đề”. Trong khi Vesna háo hức muốn được đi tham quan vài nơi thì những người còn lại trong phi hành đoàn dường như tập trung vào việc mua sắm và chỉ ở lì trong khách sạn. Vesna sau này nhớ lại, lúc đó, cơ trưởng đã tự nhốt mình trong phòng suốt 24 giờ, không chịu ra ngoài.
Vào lúc 13h30 phút chiều 26/1/1972, chuyến bay mang số hiệu 367 hạ cánh tại Sân bay Copenhagen để tiếp nhiên liệu. Sau khi đón những hành khách mới lên máy bay, chuyến bay cuối cùng cũng cất cánh lúc 15h15 phút.
Chỉ 46 phút sau, thảm họa ập đến…
Vào lúc 16h01 chiều 26/1/1972, có một vụ nổ trong khoang hành lý. Chiếc máy bay nổ tung giữa không trung trước khi rơi xuống đất từ độ cao 10.000m ở khu vực Srbská Kamenice, Tiệp Khắc. Trong số 28 hành khách và phi hành đoàn, Vesna Vulović là người duy nhất sống sót.
May mắn thay, ông Bruno Honke, người đã phát hiện ra Vesna đang nằm thoi thóp thở giữa đống đổ nát, từng là một bác sĩ trong Thế chiến thứ hai. Ông nhanh chóng thực hiện các thao tác sơ cứu cho Vesna, giúp cô duy trì sự sống tới khi lực lượng cứu hộ đến.
Nhưng đó không phải là việc dễ dàng. Sau vụ tai nạn thảm khốc, Vesna bị gãy 2 chân, 3 đốt sống, xương chậu, xương sườn và nứt hộp sọ.
Sau khi được đưa đến bệnh viện ở Praha, Vesna đã hôn mê vài ngày trước khi tỉnh lại.
Vesna Vulović hồi phục trong bệnh viện.
Ngoài những vết thương lớn trên cơ thể và hộp sọ bị nứt, não của Vesna còn bị xuất huyết và cô bị mất trí nhớ hoàn toàn. Từ khoảnh khắc trước vụ tai nạn cho đến gần 1 tháng sau, Vesna hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra. Cô nhớ mình đã chào hành khách trên chuyến bay và sau đó không biết gì cho đến khi nhìn thấy cha mẹ mình trong phòng bệnh.
Tại sao Vesna Vulović có thể sống sót?
Mặc dù vết thương nặng có thể khiến Vesna bị liệt vĩnh viễn hoặc thậm chí là mất mạng, nhưng chỉ 10 tháng sau cú ngã, cô đã đi lại được. Các bác sĩ cũng không dám mong cô sống được lâu như vậy. Từ khi Vesna tỉnh lại, cô khiến họ đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác.
Điều đầu tiên cô Vesna làm khi thức dậy là xin một điếu thuốc. Thời gian phục hồi của cô thực sự tương đối ngắn và cực kỳ thành công. Điều này khiến Vesna tự cho là do “chế độ ăn uống thời thơ ấu bao gồm sô cô la, rau bina và dầu cá”.
Các nhà điều tra an toàn hàng không tin rằng vị trí của Vesna trong máy bay vào thời điểm vụ nổ xảy ra đã giúp cô sống sót sau cú rơi. Cụ thể, Vesna đang ở phía đuôi máy bay với một xe thức ăn khi phần thân máy bay bị nổ.
Trong khi nhiều hành khách khác bị hút ra khỏi máy bay sau vụ nổ thì Vesna bị chiếc xe đẩy đè lên. Phần đuôi mà Vesna đang đứng rơi xuống mặt đất trên một sườn đồi phủ đầy tuyết và nhiều cây cối rậm rạp. Cộng hưởng các yếu tố đó giúp màn “hạ cánh” của Vesna nhẹ nhàng hơn những người còn lại.
Các bác sĩ trực tiếp điều trị cho Vesna đồng tình với các nhà điều tra tai nạn hàng không nhưng vẫn đưa ra kết luận của riêng họ. Họ tuyên bố rằng điều gần như khiến Vesna không thể trở thành tiếp viên hàng không lại chính là điều đã cứu mạng cô. Các bác sĩ tin rằng huyết áp thấp đã giữ cho tim của Vesna không bị vỡ khi va chạm với sườn núi.
Vụ nổ được xác định là từ một quả bom do Ustaše – một nhóm ly khai người Croatia đang tìm cách độc lập khỏi Nam Tư – cài vào khoang máy bay. Để đối phó với vụ tấn công, các biện pháp an ninh sân bay đã được thắt chặt vào thời điểm đó.
Do bị mất trí nhớ, Vesna không còn nhớ gì về vụ tai nạn hay vụ nổ. Cô vẫn giữ nguyên tình yêu với nghề và cảm giác phiêu lưu mà cô đã có trước đó. Năm 2016, Vesna qua đời ở tuổi 66.
Vesna Vulović qua đời vào năm 2016.
Câu chuyện thoát chết kỳ diệu của nữ tiếp viên này đến nay vẫn là một hiện tượng hết sức khó tin.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nu-tiep-vien-song-sot-ky-dieu-sau-khi-may-bay-no-tung-2023020419421266.chn” name=””]