“Thà rằng lấy vợ thuộc 7 gia tộc này, chứ không chịu bước vào đế vương gia”. Đây là câu truyền miệng của người dân thời nhà Đường ở Trung Quốc.
Lấy Công chúa dường như là ước mơ của nhiều người đàn ông Trung Quốc thời xưa. Vì khi kết thân với Hoàng tộc, họ đương nhiên có danh lợi, trở thành Hoàng thân quốc thích, tận hưởng vinh hoa phú quý, con đường thăng quan tiến chức suôn sẻ.
Thế nhưng nhà Đường có một Trạng nguyên tên Trịnh Hạo đi ngược lại mong muốn trên. Vì sở hữu tài hoa xuất chúng, ông được Hoàng đế chiêu làm phò mã. Song ông lại không muốn cưới Công chúa. Sợ Hoàng thất bức hôn, ông nhanh chóng tìm cô gái khác kết hôn.
Trên đường cưới vợ, Trịnh Hạo bị Tể tướng đương triều Bạch Mẫn Trung ngăn cản, ép ông từ hôn để lấy Công chúa. Không còn cách nào khác, vị Trạng nguyên này chỉ đành thuận theo chỉ thị. Do đó, ông vô cùng hận tên Tể tướng này. Sau khi làm Lễ bộ thị lang, ông tìm cách tiêu diệt Bạch Mẫn Trung, cuối cùng vị Tể tướng đã bị bãi quan trở thành dân thường.
Lấy Công chúa là chuyện không dễ có được, vậy tại sao Trịnh Hạo lại một mực không muốn? Điều này cần phải nói đến vị hôn thê trước đó của Trịnh Hạo. Cô gái này xuất thân không hề tầm thường, là con nhà gia tộc Phạm Dương Lư thị ở Sở Châu (nay là Hoài An, Giang Tô) thuộc “Ngũ tính thất vọng” nức tiếng của nhà Đường.
“Ngũ tính thất vọng” – 7 gia tộc hùng mạnh nhất thời Đường
Từ thời Ngụy Tấn, 5 họ “Trịnh, Thôi, Lý, Lư, Vương” luôn là danh gia vọng tộc. “Ngũ tính thất vọng” bao gồm: Lũng Tây Lý thị, Bác Lăng Thôi thị, Thanh Hà Thôi thị, Phạm Dương Lư thị, Triệu Quận Lý thị, Huỳnh Dương Trịnh thị và Thái Nguyên Vương thị. 7 gia tộc thuộc có 5 họ lớn. Lũng Tây Lý thị và Triệu Quận Lý thị đều là 2 nhánh lớn của họ Lý; Bác Lăng Thôi thị và Thanh Hà Thôi thị là 2 nhánh của họ Thôi.
Đến giai đoạn Tùy Đường, “Ngũ tính thất vọng” trở thành đỉnh cao của danh gia vọng tộc thời bấy giờ. Hơn nữa, 7 gia tộc này thường xuyên kết thông gia, nâng đỡ lẫn nhau, tạo thành một mạng lưới quan hệ khổng lồ.
Nếu lấy được những thiếu nữ thuộc 5 họ này làm vợ, người chồng xem như bước chân vào giới thượng lưu. Để kết thân với “Ngũ tính thất vọng”, đại công thần bên cạnh Lý Thế Dân như Phòng Huyền Linh, Ngụy Chinh dùng sính lễ “khủng” đến tận cửa để đề thân (hỏi cưới).
Theo lý mà nói, Công chúa sinh ra trong Hoàng thất, sở hữu huyết thống cao quý, địa vị không thua gì cô gái thuộc “Ngũ tính thất vọng”, vì sao các chàng trai thế gia nhà Đường đa phần muốn cưới cô gái “Ngũ họ thất vọng”, mà không muốn cưới Công chúa?
Cô gái thuộc “Ngũ tính thất vọng” là đối tượng kết hôn lý tưởng hơn cả Công chúa Hoàng thất
Điều này có liên quan đến 3 khuyết điểm của Công chúa. Công chúa xuất thân cao quý, người chồng nhận về rất nhiều lợi ích. Song điểm xấu cũng không ít.
Một, Công chúa điêu ngoa tùy hứng.
Công chúa sinh ra trong gia đình Hoàng thất, từ nhỏ được nuông chiều, tính tình ương ngạnh. Hơn nữa nếu làm Công chúa mất hứng, có thể sẽ gặp phải tai họa. Cho nên con cháu vọng tộc Đường triều phần lớn đều không thích cưới Công chúa.
Sau khi cưới Công chúa, phải cẩn thận mọi lúc mọi nơi, không thể chọc Công chúa tức giận. Đối với những chàng trai xuất thân vọng tộc gia thế lớn, lấy Công chúa còn không bằng cưới một cô gái bình thường và môn đăng hộ đối để được tự do tự tại.
Hai, nhà Đường cởi mở, rất nhiều Công chúa không tuân thủ “công dung ngôn hạnh”.
Công chúa được Hoàng thất che chở, phạm sai lầm cũng không sợ bị chồng chê trách. Thậm chí còn không biết giữ mình mà “đùa giỡn” với nhiều người đàn ông khác trong khi bản thân đã nên gia lập thất. Không một người chồng nào có thể chịu đựng nổi sự sỉ nhục này.
Ngược lại, thiếu nữ xuất thân từ “Ngũ tính thất vọng” ngoài gia thế hiển hách, bản thân họ cũng tài mạo song toàn. Khác với lấy Công chúa làm về làm vợ còn phải cung phụng, những cô gái này rất biết đạo “vợ hiền dâu thảo”. Hơn nữa 7 gia tộc hỗ trợ lẫn nhau, người chồng đương nhiên được trợ giúp, sự nghiệp lẫn công danh đều rộng mở.
Ba, theo chế độ nhà Đường, sau khi Công chúa qua đời, người chồng cần phải chịu tang 3 năm.
Theo thông tục nhà Đường, bất kỳ người chồng nào mất vợ cũng phải chịu tang 3 năm. Điều khiến không ít người đàn ông thời bấy giờ không hài lòng.
Công chúa cao quý nên yêu cầu chịu tang tương đối nghiêm khắc, mà phụ nữ gia tộc khác, mặc dù cũng có loại yêu cầu này, nhưng không quá khắt khe và khuôn khổ, hoàn toàn có thể không chịu tang hoặc giảm thời gian chịu tang.
Song, mọi thứ đều không phải tuyệt đối. Thời bấy giờ cũng có rất nhiều Công chúa hiểu lễ nghĩa phép tắc, dịu dàng hiền lành. Nhưng nhìn chung, Công chúa nhà Đường hào hoa, kiêu căng, độc đoán lại chiếm đa số, cho nên khiến rất nhiều người đàn ông kiêng dè.
Nguồn: Sina
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/o-thoi-duong-thieu-nu-xuat-than-tu-7-gia-toc-nay-con-co-gia-hon-ca-cong-chua-la-doi-tuong-ket-hon-ly-tuong-duoc-tranh-gianh-khoc-liet-20230102212933766.chn” name=””]