Ông bà không có trách nhiệm trông nom cháu, hay đó là chuyện đương nhiên phải làm? Cư xử thế nào mới là phải phép?
Nhóm bạn đang ngồi cà phê tám chuyện. Một cô bạn than rằng mẹ chồng cô từ quê vào trông cháu được một tuần thì yêu cầu con phải trả tiền trông trẻ cho bà.
“Tại sao bà đòi hỏi tiền nong khi trông cháu của chính bà?”, bạn bức xúc nói rồi kể rằng khi bạn còn bé, bà ngoại đã chăm bạn đến 5 tuổi mà chẳng đòi hỏi gì, lại rất vui vẻ vì được ở gần con cháu. Bạn bực hơn nữa vì chồng đồng quan điểm với mẹ chồng. Anh bảo nếu không trả tiền thì phải thuê người ngoài tới trông con hoặc cho đi học sớm.
Bạn vừa nói dứt thì có hẳn 2 phe với 2 luồng ý kiến.
Một bên cho rằng ông bà phải phụ trông cháu là đúng. Vợ chồng trẻ vây giờ đều phải đi làm chứ có phải như ở quê quanh quẩn suốt ngày với con cái đâu. Chuyện tiền nong, tất cả mọi chi tiêu từ ăn uống, điện nước đến những đồ dùng cá nhân như xà bông, giường chiếu… 2 vợ chồng lo hết rồi, nên các bà chẳng phải tốn kém thêm chi phí gì. Lâu lâu hỏi bà cần gì thì đi mua hoặc rủ bà đi siêu thị mua sắm cho là được, chứ đưa tiền công trông cháu thì sòng phẳng, xa cách quá, mất hết cả tình cảm. Cháu mà biết bà trông cháu mà cha mẹ phải trả lương thì cũng chẳng quý bà nữa.
Ông bà nhận giúp trông cháu cũng là cả một sự cố gắng rất lớn vì tuổi già, ai cũng mong được nghỉ ngơi thoải mái
Nhóm còn lại phản bác, cho rằng ông bà không ai phải có có trách nhiệm và nghĩa vụ phải trông cháu. Nếu không gửi con cho ông bà thì vợ chồng cũng phải tìm người trông cháu và tốn chi phí. Trông trẻ rất mệt và không thoải mái thời gian, phải để mắt đến trẻ từng phút và gần như phải giam mình trong nhà cả ngày với cháu mà không được ra ngoài cho thảnh thơi.
Các bạn tôi nói rất đúng, tầm tuổi của ông bà đáng lẽ phải được nghỉ ngơi hoặc gặp gỡ, tham gia các câu lạc bộ để khuây khỏa. Cứ thử ngày nào cũng trông con, cho con ăn, dọn dẹp nhà cửa từ sáng đến tối, có ai chịu được không?
Nhà nào có ông bà giữ con cho là quý lắm rồi, vì gửi con ở bên ngoài không yên tâm. Kiếm người giúp việc vốn rất khó và không dễ gì họ thương con mình. Đâu phải chỉ trông cháu, bà còn giúp vợ chồng cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Nhờ thế con cái mới có thời gian và sự an tâm để tập trung công việc. Vì vậy nếu được ông bà giúp trông cháu, vợ chồng nên cảm kích và biết ơn bà. Bà không nhắc thì cũng nên chủ động gửi tiền bồi dưỡng bà.
Tôi cũng thuộc nhóm thứ 2, vì tôi nghĩ nghĩ rằng, do thương con thương cháu ông bà mới nhận lời trông phụ. Tuổi già sức yếu mà phải trông một đứa cháu nhỏ thì hầu hết là quá sức. Nhiều ông bà còn có việc riêng, nếu không bận trông cháu thì họ duy trì được nguồn thu nhập. Trông cháu nghĩa là mất khoản tiền đó rồi, con cái nên tìm cách gửi tiền để bù đắp. Cái quan trọng là đưa sao cho khéo. Nếu đưa tiền theo đúng nghĩa “trả lương” trông cháu theo giờ thì đúng là lạnh lùng, thiếu tình cảm.
Thành ra cứ mỗi dịp hè bà nội bà ngoại lên ở với gia đình tôi, tôi đều biếu các bà tiền. Không nhiều, nhưng cũng tương xứng với công sức thời gian và cũng tương đương mức mà tôi thuê người giúp việc.
Lần nào đưa tôi cũng đều rất ý tứ, ngọt ngào và chọn lúc chỉ có 2 người: “Con gửi mẹ chút nhé, có mẹ trông cháu là vợ chồng con yên chí nhất”.
Vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc phân định trông cháu là nghĩa vụ hay trách nhiệm của ai. Quan trọng nhất vẫn là tình thân, sự vui vẻ, thoải mái, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và nếu vợ chồng tôi có gửi chút tiền thì cũng là thể hiện sự quan tâm, ghi nhận công sức và biết ơn của vợ chồng tôi với bà.
Mây(Đồng Nai)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ong-ba-den-trong-chau-con-cai-co-can-gui-tien-phi-a1472540.html” name=””]