Nhiều người giao con cho ba mẹ chăm sóc như là lẽ đương nhiên. Không quan tâm đến cảm xúc của ông bà đã đành, có khi còn quay lại trách móc, đổ lỗi đấng sinh thành.
Hãy tôn trọng và biết ơn khi ba mẹ già chăm cháu thay vì trách móc, xét nét (Ảnh minh họa) |
Chuyện sáng nay xảy ra ở hồ bơi cứ làm tôi ám ảnh mãi. Bà cụ gần 70 tuổi đưa cháu đi học bơi, chẳng may bà bị trượt té, ở tuổi của bà không biết bao giờ mới đi lại bình thường được. Vậy mà, khi mọi người đỡ bà dậy, gọi xe đưa đi bệnh viện, bà vẫn lo lắng: “Chân thế này làm sao chăm cháu được, lại khổ con gái”.
Tôi gặp bà cách đây hơn một tuần khi đưa con đi học bơi. Trong khi các phụ huynh khác mê mải ngồi bấm điện thoại thì bà đi lui đi tới cạnh thành bể để nhắc cháu cái này cái kia.
Sàn của bể bơi ướt nên rất trơn, có người sợ bà trượt chân nên nhắc bà cẩn thận nhưng chỉ ngồi yên được vài phút ở ghế đợi, bà lại đi ra cạnh hồ. Nhìn dáng đi loạng choạng ấy, tôi thót tim. Các bà mẹ đưa con đi bơi bảo: “Bà lo gì lắm thế, cứ ngồi trên này trông cháu là được rồi, dưới bể có thầy dạy mà”.
Lúc đầu, bà không nói gì nhưng dần về sau, bà mới mở lòng tâm sự. Bà sợ hết khóa học mà cháu vẫn chưa bơi được thì con gái lại trách. Bà kể: “Năm ngoái, bà đưa thằng lớn đi học, cháu bơi chậm một tí mà mẹ nó đã trách, giờ con bé út sợ nước, kiểu này biết bao giờ mới bơi được”.
Cứ nghỉ hè, con gái lại gửi hai đứa cháu về ở với bà ngoại. Nhưng không đơn giản chỉ lo chuyện ăn uống, bà còn phải đưa đón cháu đi học các lớp năng khiếu. Cháu học không có kết quả, con lại trách bà không kèm cặp.
Cháu bơi một chút lại lên bờ mè nheo đòi bà mua đồ ăn thức uống, bà lại tất bật đi phía căntin mua. Bà thường bảo cháu: “Gắng thêm một tí, biết bơi rồi bà thưởng”.
Tôi tự hỏi con gái bà đâu thấy được cảnh này. Bị ngã, bà chẳng nghĩ cho bản thân mà cứ lo cho con cháu.
Việc nhờ ông bà trông cháu không có gì xa lạ, nhưng điều đáng nói chính là thái độ của những đứa con đối với ba mẹ. Thay vì tôn trọng biết ơn thì con thường đòi hỏi cao với ông bà. Quả thật, ông bà lo chuyện ăn ngủ của cháu đã là tốt, làm sao đòi hỏi phải dạy dỗ khi trách nhiệm đó thuộc về cha mẹ.
Dung, một đồng nghiệp của tôi, thỉnh thoảng than vãn chuyện bà chăm cháu. So với các chị em bỉm sữa cùng cơ quan thì Dung nhàn nhã hơn nhiều vì hai đứa con đều gửi về cho bà ngoại nuôi từ khi mới cai sữa. Trong khi các chị em khác tất bật lo đón con, chăm con thì Dung vẫn thong thả có thời gian đi mua sắm, uống cà phê.
Vậy mà, khi đứa con thứ hai bị chậm nói, Dung liên tục đổ lỗi cho mẹ đẻ, thay vì đón con lên chăm sóc, đưa đi khám để can thiệp kịp thời. Dung luôn trách bà cho cháu ăn uống không khoa học, xem tivi nhiều mới bị như thế. Nghe đâu, mẹ của Dung bệnh tật liên miên nhưng vì thương con vất vả, thu nhập thấp lại đang ở trọ nên đón cháu về nuôi. Ở độ tuổi của bà đáng lẽ phải được nghỉ ngơi lại nuôi “con thơ” thêm một lần nữa rất vất vả nhưng con gái lại không hiểu.
Thực tế, việc nhờ ông bà chăm cháu sẽ tạo áp lực cho bản thân người già, họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn mà đôi khi con cái không biết tới.
Mới đây, khi xem một clip được chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại cảnh bà đẩy xe cho cháu bị vấp làm hai bà cháu ngã rất thương, nhiều người đồng tình với bình luận: “Thương hai bà cháu, ba mẹ cháu đâu thấy cảnh này, về có khi lại mắng bà”.
Thật buồn khi nhiều người mặc nhiên giao việc trông cháu cho ông bà rồi còn trách móc, yêu cầu này nọ mà không để ý ba mẹ già vất vả ra sao, chịu áp lực như thế nào…
Clip được chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại cảnh bà đẩy xe cho cháu bị ngã |
Nguyệt Anh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ong-ba-nuoi-chau-nho-vo-van-ap-luc-va-kho-tam-a1465279.html” name=””]