( Yeni ) – Ung Chính đế được xem là vị vua có nhiều bí ẩn nhất trong số 12 vị hoàng đế của nhà Thanh (Trung Quốc). Cách ông kế vị ngai vàng và lý do ông chết đều là một ẩn số mà các nhà sử học luôn muốn tìm lời giải.
Ung Chính đế tên thật là Ái Tân Giác La Dận Chân, là con trai thứ 4 của Khang Hy đế và là vị Hoàng đế thứ 5 của nhà Thanh trong lịch sử Trung Hoa. Theo lịch sử thì ông là vị vua siêng năng, cần kiệm và chống tham nhũng quyết liệt.
Tuy nhiên, ông cũng cực kỳ nghiêm khắc, chuyên chế và độc đoán khiến hình tượng trong dân gian của ông không được tốt.
Nghi vấn “thanh trừng” vua cha để lên ngôi hoàng đế
Vào năm Khang Hi thứ 61 (1722), Khang Hi đế đến Viên Minh Viên dự tiệc dùng thiện. Bữa tiệc mừng Hoằng Lịch (sau này là vua Càn Long), con trai thứ 4 của Dận Chân tròn 12 tuổi. Khi Càn Long đăng cơ, “Cao Tông Thuần Hoàng đế” có ghi chép lại, Khang Hi Đế vì Hoằng Lịch mà đến Viên Minh Viên dự tiệc, còn khen sinh mẫu Hoằng Lịch là người có phúc. Nhưng trong “Thánh Tổ Nhân Hoàng đế thực lục” lại không có ghi chép gì về việc Khang Hi Đế yêu thích mẹ con Hoằng Lịch hay sách phong Thế tử, Phúc tấn gì để ban thưởng.
Ngày 13/11 (tức ngày 20/12 dương lịch), Khang Hi Đế băng hà ở Sướng Xuân viên. Đến ngày 20/11 (tức ngày 27/12 dương lịch), theo di chiếu, Hoàng tứ tử Ung Thân vương Dận Chân kế vị. Bắt đầu sang năm (1723) dùng niên hiệu là “Ung Chính”. Chữ “Ung Chính”, xuất phát từ chữ “Ung”, nghĩa là “hòa thuận”; và chữ “Chính”, nghĩa là “ngay thẳng” hay “chính thống”.
Về cái chết đột ngột của Khang Hi đế có nhiều ghi chép khác nhau. Có ý kiến cho rằng Khang Hi đế truyền ngôi cho Thập tứ Dận Đề nhưng đã bị Dân Chân sửa di chiếu. Có người lại cho rằng Ung Chính đế không thay đổi di chiếu mà viết một bản khác.
Do sự lên ngôi của ông có nhiều điều nghi vấn, Ung Chính đã nhận thấy sự đố kỵ và tranh chấp từ các Hoàng tử còn lại. Từ đó, Ung Chính đã chủ động cô lập, diệt trừ các Hoàng tử khác để tránh mối họa về sau.
Bí ẩn về cái chết của Ung Chính
Chính sử ghi chép lại ngày 22/8 âm lịch năm Ung Chính thứ 13 (tức năm 1735), Ung Chính đang ở Viên Minh Viên do ông đích thân xây dựng, để tránh nóng bức thì bỗng nhiên cảm thấy cơ thể khó chịu. Ngày tiếp theo, tình trạng của ông càng lúc càng chuyển biến nặng.
Bấy giờ, ông đã triệu Bảo Thân vương Hoằng Lịch, Hòa Thân vương Hoằng Trú cùng một số đại thần thân tín đến tẩm cung và tuyên bố truyền ngôi cho Hoằng Lịch (tức Càn Long sau này) rồi băng hà vào ngày 23/8 âm lịch năm 1735.
Trước ngày phát bệnh, ông vẫn tiếp kiến triều thần bình thường. Chứng tỏ khi ấy sức khỏe của ông vẫn tốt. Trong sử sạch chỉ ghi chép lại rằng: Hoàng đế đột ngột qua đời.
Có lẽ vì vậy nên mới có giai thoại cho rằng Ung Chính bị một nữ thích khách tên là Lã Tứ Nương thành thích để báo thù. Nguyên nhân bởi năm xưa Ung Chính từng ra lệnh xử chém Lã Lưu Lương ( ông nội của Lã Tứ Nương) và tru di nhà họ Lã vì “văn tự ngục” (tên chung dùng để chỉ những vụ án do chữ nghĩa mà ra). Lã Tứ Nương sau khi sát hại hoàng đế đã đem thủ cấp đi trốn. Hoàng tộc nhà Thanh đã bí mật làm một chiếc đầu lâu bằng vàng để an táng cùng thi thể của Ung Chính.
Tuy nhiên, theo các nhà sử học thì quân lính triều Thanh canh phòng cẩn mật, một nữ thích khách khó lòng lọt được vào cung.
Sau nhiều năm nghiên cứu sử liệu trong cung điện nhà Thanh, các nhà sử học đã kết luận rằng Ung Chính qua đời do lạm dụng đan dược.
Cụ thể, trong số các tài liệu lưu trữ bí mật của hoàng gia có một danh sách những hàng hóa được hoàng cung bán vào trong 5 năm trước khi Ung Chính qua đời. Nổi bật trong số hàng hóa là một lượng lớn than, quặng bạc, lưu huỳnh, chì cũng như các khoáng chất khác liên tục được gửi vào cung của Ung Chính. Điều này cho thấy hoàng cung đang tinh chế một số lượng lớn đan dược.
Khi có tuổi, Ung Chính được cho là đã thường xuyên uống thuốc này với mong muốn tăng cường tuổi thọ, kéo dài sự sống và ông cũng thường dùng nó để thưởng cho các đại thần.
Cái chết đột ngột của Ung Chính có thể là do ông đã uống đan dược quá liều, gây ngộ độc cấp và chết nhanh chóng.
[yeni-source src=”http://www.khoevadep.com.vn/vi-vua-mang-tieng-thanh-trung-vua-cha-de-len-ngoi-den-khi-bang-ha-su-sach-cung-khong-dam-ghi-su-that-search/?id=295922″ alt_src=”” name=”Khoevadep”]