Lần này, chị quyết định buông hết, vì thấy không đủ sức để gồng gánh nữa. Chị càng cố gắng thì anh càng lười.
Tháng trước, chị nhập viện điều trị vì làm việc lao lực. Ngày ra viện, bác sĩ dặn phải nghỉ ngơi tuyệt đối một thời gian mới mong phục hồi sức khỏe. Chị đành xin nghỉ dạy ở trường, chỉ hưởng chế độ bảo hiểm, đồng thời hủy lịch mấy lớp dạy thêm.
Hàng ngày, chồng chị chỉ quanh quẩn bên vợ, hết nấu ăn dọn dẹp lại lấy thuốc cho vợ uống. Nếu người ngoài nhìn vào đều nghĩ chị thật may mắn, nhưng trong lòng chị nặng trĩu.
Anh chỉ biết động viên vợ gắng kiếm tiền, còn mình ở nhà từ năm này qua tháng khác (ảnh minh họa) |
Mỗi lần lấy cháo cho chị ăn, anh lại nói: “Em gắng ăn cho khỏe mà đi làm, chứ ở nhà thế này, anh thấy lo. Mấy lớp học thêm nghỉ hơn 2 tuần rồi!”.
Rồi thỉnh thoảng, anh than ngắn thở dài, ngồi sắp xếp các hóa đơn cần phải thanh toán để chị thấy. Chị cảm thấy tổn thương, vì anh không lo vợ mệt, mà lo chị nghỉ dạy thì thu nhập giảm.
Có lần chị hỏi anh: “Em đang nghỉ ốm, vẫn tự lo được, hay anh xin đi giao hàng thử xem, có người đăng tuyển đây này!”. Chị đưa điện thoại để chồng đọc thông tin tuyển dụng, nhưng anh gạt đi: “Nghề đó cực lắm, cả ngày phơi mặt ngoài đường, mà tiền lương cả tháng chưa bằng một ca dạy thêm của em”.
Chị thấy lòng thắt lại, nhưng vẫn động viên: “Em thấy tiền lương cũng khá mà, nếu chịu khó làm cũng ổn. Thời gian này em đang tạm nghỉ, anh tranh thủ làm, bù vào khoản thu nhập bị giảm để đỡ phải suy nghĩ”. Anh im lặng rồi bảo: “Thôi, đừng bàn chuyện đó nữa, anh đi uống cà phê chút”. Thế là anh đi, chị ngồi trên giường, miệng đắng ngắt, không ăn tiếp được nữa.
Đã 4 năm nay, chồng chị chỉ ở nhà, sau lần anh nghỉ việc thứ 8 ở công ty vận tải hàng đông lạnh. Do chồng không có thu nhập, nên chị phải gắng sức làm thêm lo cho gia đình. Nhờ chị dạy giỏi, phụ huynh tin tưởng, nên ngoài giờ dạy trên lớp, chị mở lớp dạy thêm, học sinh theo học rất đông.
Chị kiếm được tiền nhưng đổi lại là sức khỏe hao mòn. Mỗi ngày chị đi dạy từ sáng đến tối, bữa ăn qua quýt cho kịp giờ lên lớp, đêm phải thức khuya soạn bài, hoàn thành sổ sách.
Có đợt cổ họng chị nóng ran như lửa, ho liên tục cả tháng đến mất tiếng, đi khám bác sĩ dặn phải nghỉ ngơi. Chị về nói với chồng, anh lại bảo: “Nghỉ làm sao được, đang vào mùa luyện thi mà. Không sao đâu, uống thuốc vài ngày là khỏi”.
Chị thất vọng vì điều anh quan tâm là mỗi tháng chị làm được bao nhiêu chứ không phải chị khỏe hay không. Trong khi vợ vất vả bao lâu nay thì anh rất thong thả, sáng uống cà phê, chiều đi nhậu. 2 đứa con đã lớn nên không cần đưa đón, việc nhà cửa cũng không nhiều.
Chị thấy quá mệt mỏi khi gánh trên vai trách nhiệm lo kinh tế cho gia đình (ảnh minh họa) |
Nhiều lần chị nói anh tìm việc gì mà làm, không hẳn để kiếm tiền mà để tương tác với xã hội. Tính ra, anh mới hơn 40 tuổi, chỉ ở nhà rảnh rỗi, dễ vướng vào mấy nhóm sinh hoạt không lành mạnh. Nhưng lần nào anh cũng né tránh, thậm chí cáu bẳn khi nghe vợ nói.
Đi dạy về, chị mệt như muốn xỉu, lúc đó chị chỉ ước được nghe câu: “Thôi, em nghỉ hết đi”, nhưng anh lại động viên kiểu: “Gắng lên em, sắp hết tháng mà nghỉ dạy thì thu học phí thế nào?”. Cứ như thế, chị miệt mài vắt sức, còn anh nhàn nhã thong dong.
Lần này, chị quyết định buông hết, vì thấy không đủ sức gồng gánh nữa. Chị càng cố gắng thì anh càng lười biếng, ỷ lại. Một người bạn đến thăm khuyên chị: “Làm để sống chứ không phải làm để chết, phải thương bản thân chứ!”.
Có lẽ bạn chị nói đúng, chị phải thương lấy mình trước khi quá muộn.
Nguyệt An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/phai-thuong-minh-truoc-khi-qua-muon-a1485447.html” name=””]