Trang web khoa học IFL Science đưa tin một “ốc đảo sự sống” vừa được phát hiện trong chuyến thám hiểm Nekton Maldives Mission. Ốc đảo này nằm ở độ sâu khoảng 500 m dưới Ấn Độ Dương, gần “thiên đường hạ giới” Maldives.
Trong chuyến thám hiểm trên, các nhà khoa học Maldives, tổ chức phi lợi nhuận Nekton và Đại học Oxford đã phát hiện một hệ sinh thái mới sống động với những sinh vật thủy sinh tí hon và nhiều động vật săn mồi, như cá mập, cá ngừ…
Một “ốc đảo sự sống” vừa được phát hiện trong chuyến thám hiểm Nekton Maldives Mission. Ảnh: Nekton Maldives Mission/Nekton 2022/sciencealert.com
Với sự hỗ trợ của tàu lặn mini Omega Seamaster II, nhóm nghiên cứu đã thu thập được các mẫu sinh học, quay phim và lập bản đồ khu vực mới phát hiện bằng sóng âm. Đặc biệt, họ tập trung vào Satho Raha, một núi lửa đã ngừng hoạt động và tạo thành một ngọn núi khổng lồ dưới biển với chu vi 27,7 km. Hệ sinh thái ở đây đặc biệt khác thường vì nhóm sinh vật nhỏ được gọi là micro-nekton dường như mắc kẹt ở độ sâu khoảng 500 m.
Micro-nekton tương tự như động vật phù du, nhưng có kích thước lớn hơn đôi chút, từ 2 – 20 cm. Thông thường, các micro-nekton di chuyển xuống sâu hơn, nhưng tại đây, chúng tập trung ở ốc đảo, tạo ra một “điểm nóng” đa dạng sinh học thu hút nhiều động vật ăn thịt lớn hơn, bao gồm cá ngừ, cá mập đầu búa, cá mập hổ, cá mập mang, cá mập hổ cát, cá mập chó,… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi tiết về cái gọi là “vùng bẫy” này mà nhóm nghiên cứu vẫn chưa lý giải được.
Tổng thống Maldives H.E Ibrahim Mohamed Solih nhấn mạnh những phát hiện này cung cấp kiến thức mới quan trọng, hỗ trợ thêm cho công tác bảo tồn và quản lý đại dương bền vững của Maldives và chắc chắn sẽ thúc đẩy cả ngành ngư nghiệp cũng như du lịch.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/phat-hien-oc-dao-sau-duoi-long-an-do-duong-20221026175732665.chn” name=””]