Qua Ant-Man 3, giới chuyên môn phải gật đầu với nhận định của đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese rằng tác phẩm Marvel “không phải là những bộ phim điện ảnh”.
Qua Ant-man 3, ta càng thấy rõ Marvel giờ đây không khác gì một “công viên giải trí theo chủ đề” khi các siêu anh hùng lần lượt phải hy sinh chất riêng trong phim của mình để phục vụ cái gọi là “vũ trụ điện ảnh”, dẫn đến những tác phẩm đơn điệu, nửa vời và phần nào đó là vô nghĩa, chỉ tốn thời gian.
Biệt đội Người Kiến không nhận đánh giá tích cực.
Trọng tâm của Ant-Man không phải Ant-Man
Thật tiếc cho anh chàng Scott Lang – người mặc bộ đồ Ant-man – sự hiện diện của anh vốn đã mờ nhạt khi đứng trong hàng ngũ Avengers, đến phim riêng cũng bị sử dụng như là cái cớ để hãng Marvel giới thiệu nhân vật phản diện và thế giới mới.
Hai phần đầu của Ant-man đem đến Scott Lang, một gã trung niên tưng tửng tửng, vui tính, có biệt tài trộm cắp, tiền án tù tội đầy mình đang phải tìm đường hoàn lương để trở thành người bố xứng đáng với con gái nhỏ.
Trong một thế giới có những siêu anh hùng hào nhoáng đảm nhiệm toàn là phi vụ giải cứu thế giới thì Ant-man của Scott Lang là nhân vật có tính đời thường và gần gũi với con người nhất. Chuỗi phim Ant-man dù không quá hoành tráng nhưng lại có nét hài hước riêng và duyên, đem đến bầu không khí vui tươi, gần gũi và chiếm được tình cảm của khán giả.
Người Kiến 3 kể về thế giới lượng tử.
Phần ba được chờ đợi có sự nâng tầm quy mô thì lại là phần phim tệ nhất, thậm chí có thể nói là thảm họa. Không còn những mảng miếng hài hước đặc trưng, không còn biệt đội Mexico, không còn Scott Lang tinh quái và bất cần như ta từng biết. Ant-man bỗng trở nên thật lạc quẻ, thiếu sức sống dưới một nền phim đen tối và nghiêm túc quá mức cần thiết.
Những giá trị đặc trưng nhất của Người Kiến bị gạt sang một bên để nhường phần lớn thời gian giới thiệu nhân vật Kang The Conquerour – Kẻ Chinh Phạt Đa Vũ Trụ, cùng thế giới lượng tử đã được ém hàng từ hai phần phim trước.
Kang được hoạch định là phản diện chính trong giai đoạn 2 của Marvel, màn hóa thân của Jonathan Majors trong vai Kang được đánh giá khá cao. Đáng tiếc phiên bản Kang trong phần phim này lại là nhân vật được giới thiệu kiểu đao to búa lớn nhưng cuối cùng lại được xử lý dễ dàng trong một nốt nhạc, không để lại dấu ấn nào thật sự rõ ràng ngoài cái vẻ độc ác, nguy hiểm… mà ác nhân nào cũng có.
Phải chờ nhiều năm chúng ta mới được chu du trong thế giới lượng tử. Cơ mà đi rồi thì thấy nó cũng… bình thường. Một thế giới tí hon “rộng lớn” với nhiều loài sinh vật kỳ dị nhưng thiếu đi tính đặc trưng về mặt tạo hình và cơ chế sống, trông na ná các sinh vật ngoài hành tinh ở Star Wars hay Guardians Of The Galaxy.
Cốt truyện hời hợt, nhân vật một chiều, lời thoại sáo rỗng
Xung đột trong thế giới lượng tử gần như được bê nguyên từ khuôn mẫu quen thuộc: Cư dân hành tinh yếu thế bị đế chế xấu xa đàn áp cho đến khi một đấng cứu tinh không biết từ đâu, xuất hiện một cách thuyết phục, thống nhất lực lượng, dẫn dắt quân kháng chiến giành lấy chiến thắng, đoạt lại tự do.
Tình tiết phim lúc thì cố tỏ ra đen tối, lúc thì hài hước một cách gượng gạo. Tổng quan Ant-man 3 có mảng cốt truyện hết sức lười biếng, bê nguyên mô-típ kinh điển nhưng lại không có sự cách tân, đổi mới.
Tuyến truyện gia đình của Scott Lang cũng không được khai thác triệt để, thiếu chiều sâu. Phần phim này chủ yếu xoay quanh hai nhân vật Cassie Lang và Janet Van Dyne. Cô bé Cassie nay đã đến tuổi trưởng thành, sớm bộc lộ tư chất thiên tài (dường như Marvel đang có quá nhiều thiên tài) nhưng thường xuyên vướng vào rắc rối như ông bố Scott Lang ngày xưa, cô chính là nguyên do khiến mọi người bị cuốn lại vào thế giới lượng tử.
Ant-Man đánh dấu sự ra mắt của nhân vật phản diện Kang The Conquerour.
Trong khi đó Janet Van Dyne tuy đã đoàn tụ với gia đình, lại lảng tránh kể về quãng thời gian lưu lạc, cuộc hành trình trở lại thế giới lượng tử cũng chính là dịp để những bí ẩn xoay quanh bà được hé lộ.
Những tình huống xung đột giữa các thành viên trong gia đình đều được đặt ra một cách khiên cưỡng, thiếu sức nặng và đều được giải quyết êm thấm mà không phải đánh đổi quá nhiều. Tất cả nhân vật đều một chiều từ đầu đến cuối, đầu phim họ ra sao thì đến cuối phim họ vẫn vậy, không có gì thay đổi.
Sự thiếu đầu tư vào phát triển tâm lý nhân vật khiến cuộc hành trình của họ trở nên thật vô nghĩa, còn khán giả khó mà kết nối được với câu chuyện đang diễn ra trước mắt.
Những chi tiết hài hước vẫn mang phong cách đặc trưng thường thấy trong mọi phim của Marvel, vẫn hiệu quả với công dụng làm vơi đi bầu không khí căng thẳng. Vấn đề của kiểu hài hước này là nó đã bị công thức hóa và dần trở thành một kiểu nhận diện sáo rỗng mà phim nào cũng phải có cho bằng được, bất kể có phù hợp hay không.
Marvel có nhất thiết phải thay đổi?
Phải thừa nhận rằng dù phim hay hay dở thì thương hiệu Marvel vẫn có sức hút khó cưỡng ở thời điểm hiện tại. Chủ đề đa vũ trụ cho đến nay vẫn chưa có phim nào khai thác thật xuất sắc nhưng nó vẫn nguồn tiềm năng vô hạn. Có chăng điều Marvel cần làm bây giờ là thay đổi cách tiếp cận với nguồn tài nguyên mà họ đang có.
Thành công mỹ mãn của Giai đoạn 1 với những siêu anh hùng đời đầu đã vô tình cô lập những phim sau này vào một khuôn khổ có phần cứng nhắc, thiếu đi hơi thở sáng tạo và không cho những nhà làm phim thử nghiệm những nước đi táo bạo để định hình phong cách mới, thời kỳ mới.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/phim-marvel-cham-nguong-bao-dong-20230228094602667.chn” name=””]