Vụ Phòng chat thứ N chỉ được tái hiện gần như vừa đủ trong Cyber Hell, vừa đủ chứ chưa đầy đủ.
Tháng 5 là thời điểm Netflix chạy hết tốc lực với những dự án phim tài liệu đặc sắc, trong đó có Cyber Hell: Exposing an Internet Horror – bộ phim về vụ án Phòng chat thứ N từng khiến dư luận xứ Hàn “sục sôi” một thời. Hơn 100 cô gái trẻ trở thành nạn nhân không mong muốn của những kẻ lừa đảo tinh vi, bị xem là “thú vui tiêu khiển” trong ít nhất 8 phòng chat dùng để chia sẻ, rao bán văn hoá phẩm đồi truỵ trên nền tảng Telegram.
Bộ phim Cyber Hell dẫn dắt khán giả bước vào “địa ngục” của internet, nơi mà ánh sáng ban ngày không chạm tới, nơi mà công lý bị xem nhẹ như một trò đùa. Gây tò mò là thế, song vụ án Phòng chat thứ N chỉ được tái hiện gần như vừa đủ trong Cyber Hell, không thiếu dữ kiện nhưng dễ gây nhàm chán.
Thông tin mang đến vừa đủ, gây tò mò bởi chi tiết chưa có lời giải
Vẫn theo đuổi lối làm phim tài liệu quen thuộc của Netflix gần đây (đơn cử là với Our Father), Cyber Hell đi theo tuyến thời gian tự nhiên để người xem tiện theo dõi. Tuy nhiên, thời lượng của Cyber Hell không có những cột mốc phân chia cụ thể, đi một mạch từ những nạn nhân đầu tiên đến khi tìm thấy thủ phạm thật sự.
Mọi thứ trong Cyber Hell được lật mở lần lượt theo cách khó dự đoán, cuối cùng để lại một đoạn kết tạm gọi là “thỏa đáng”, tuy rằng vẫn chưa thật sự có hậu.
Bán Dạ Sinh
May mắn thay ở cuộc hành trình ấy, những khán giả trông chờ vào toàn cảnh vụ án Phòng chat thứ N đã có được gần như đầy đủ thông tin quan trọng nhất. Nạn nhân đầu tiên bị dụ dỗ như thế nào, vì sao cơ quan báo chí The Hankyoreh lại biết và để tâm đến câu chuyện “tội ác mạng” nghiêm trọng này, đến cả sự can thiệp của các đài lớn như jTBC hay SBS, và cuối cùng hung thủ là ai. Mọi thứ trong Cyber Hell được lật mở lần lượt theo cách khó dự đoán, dẫn đến một đoạn kết tạm gọi là “thỏa đáng”, tuy rằng vẫn chưa thật sự có hậu.
Đúng vậy, Cyber Hell vốn dĩ tập trung vào hành trình truy tìm danh tính của GodGod hay Baksa, những kẻ tinh vi “đánh bẫy” nạn nhân bằng sự phức tạp của nền tảng Telegram và các phòng chat bảo mật tuyệt đối, hơn là khai thác sâu vào cảm xúc và cuộc sống của các nạn nhân (nhất là sau vụ án), hay tình trạng của loại tội phạm này ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, thước phim về Phòng chat thứ N còn bỏ ngỏ mối quan hệ giữa hai “tên trùm” GodGod và Baksa, cũng như số phận của các phòng chat còn lại.
Tất cả những gì được xem là tốt đẹp mà Cyber Hell đúc kết được từ hàng tháng trời theo đuổi vụ trọng án là kẻ thủ ác phải nhận hậu quả sau song sắt, và việc đầu báo The Hankyoreh đã thành công mang câu chuyện an ninh mạng tưởng chừng như chẳng có gì mới này lên trang nhất, khiến xã hội phải chấn động. Cyber Hell có đủ thông tin để thoả mãn khán giả ở một góc nhìn cụ thể – góc nhìn phá án, thế nhưng lại chưa có đầy đủ, toàn vẹn mọi khía cạnh về vụ án từng thay đổi cả đất nước Hàn Quốc về luật pháp, con người và cuộc sống này.
Cyber Hell có đủ thông tin để thoả mãn khán giả ở một góc nhìn cụ thể, thế nhưng lại chưa có đầy đủ, toàn vẹn mọi khía cạnh về vụ án từng thay đổi cả đất nước Hàn Quốc này.
Bán Dạ Sinh
Cách diễn đạt dễ gây nhàm chán
Cyber Hell là phim tài liệu về tội ác thông qua mạng internet, vì vậy phong cách phim cũng mang dáng dấp “số hoá” tương tự. Phim tổng hợp nhiều hình ảnh giả lập, tái hiện một mạng lưới internet giống với Searching hay Unfriended trước kia. Lúc thì lôi kéo người xem trải nghiệm app Telegram và cách hoạt động của các phòng chat, khi thì mang đến những trang web truyền thông tin tức, hay chỉ là khung tin nhắn của nạn nhân, những tín hiệu GPS lần theo dấu vết tội phạm.
Tuy nhiên điều này đã vô tình khiến cho Cyber Hell trở nên khó xem hơn khi rất nhiều dữ liệu được cung cấp dưới dạng hình ảnh, infographic lẫn phụ đề. Khán giả sẽ phải “tiêu hoá” cùng một lúc vô vàn thông tin qua mắt (và cả tai), dễ gây nên hiện tượng bão hoà, ngán ngẩm và buồn ngủ. Cyber Hell chắc chắn đã có được thành công ở mặt “tài liệu”, nhưng ở mặt phim ảnh thì chưa.
Tông màu phim, tuy đẹp và “hợp mood”, cũng dễ tạo cảm giác chán nản. Ngoài ra, Cyber Hell có rất nhiều cảnh hoạt hình minh hoạ, nhiều đến mức khiến mạch phim bị đứt gãy, dẫn đến quá trình tiếp nhận thông tin của người xem bị lũng đoạn, xao nhãng. Đã không có những cột mốc phân chia rõ ràng, lại còn lồng ghép hình ảnh minh hoạ dày đặc, Cyber Hell chắc chắn là trải nghiệm học thuật không dành cho tất cả mọi người.
Cyber Hell có rất nhiều cảnh hoạt hình minh hoạ, nhiều đến mức khiến mạch phim bị đứt gãy, dẫn đến quá trình tiếp nhận thông tin của người xem bị lũng đoạn, xao nhãng.
Bán Dạ Sinh
Chấm điểm: 3.5/5
Suy cho cùng, Cyber Hell: Exposing an Internet Horror vẫn là một bộ phim tài liệu đáng xem, diễn giải tương đối tường tận về những gì xảy ra trong vụ án Phòng chat thứ N mà có lẽ bạn đã nghe qua, đã biết nhưng chưa có cơ hội tìm hiểu kĩ. Thế nhưng khi phim kết thúc, vẫn còn quá nhiều câu hỏi bị bỏ lại mà không có lời giải, những thắc mắc lớn mà có lẽ sẽ được vén màn ở Cyber Hell phần 2, hoặc không.
Cyber Hell: Exposing an Internet Horror đã lên sóng trên Netflix.
Nguồn ảnh: Tổng hợp
[yeni-source src=”http://ttvn.toquoc.vn/” alt_src=”https://kenh14.vn/phim-ve-phong-chat-thu-n-cyber-hell-toi-ac-xu-han-duoc-tai-hien-vua-du-nhung-nham-chan-20220525120516857.chn” name=”Trí Thức Trẻ”]