Từng bước một, Quách Đắc Thắng đưa cái tên La Lune đến gần hơn với công chúng.
Khó có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng to lớn của làng mốt châu Âu tới nền thời trang chung của toàn thế giới. Những chất liệu văn hóa đặc sắc, phom dáng thiết kế độc bản, tính hiện đại ẩn giấu trong màu sắc và từng đường cắt tiên tiến, hay kỹ thuật may mặc mới… tới từ đây đều được giới mộ điệu đón nhận. Dù vậy, đội ngũ NTK trẻ từ Châu Á và đặc biệt là tài năng xứ Việt không ngừng cống hiến thực lực, góp sức tạo ra một bức tranh thời trang bình đẳng hơn.
Văn hoá Á Đông được cài cắm trong những thiết kế hiện đại, đậm tính vị lai
Trong thời gian gần đây, nổi lên giữa những NTK Việt trẻ tuổi là cái tên Quách Đắc Thắng (Vickivirus). Sinh năm 1994, tốt nghiệp Đại học Văn Lang chuyên ngành Thiết kế thời trang, Quách Đắc Thắng đã làm việc tại nhiều nhà may lớn như Lam Boutique, Tùng Vũ, Vincent Đoàn,… trước khi chào đón “đứa con tinh thần” mang tên AEIE Studios (2017) và La Lune (2019). Luôn khéo léo lồng ghép cảm hứng lãng mạn thanh tú, gợi cảm nhưng bạo liệt vào từng thiết kế, anh chàng tài tình tạo nên sức hấp dẫn cho những sáng tạo của mình.
NTK Quách Đắc Thắng
Chỉ trong thời gian ngắn, từ một thương hiệu kín tiếng, La Lune được giới mộ điệu và fan Kpop biết tới khi các sáng tạo của hãng được hàng loạt idol Kpop ưa chuộng. Cùng trò chuyện với Quách Đắc Thắng để hiểu hơn về nhân tố thú vị cùng những “đứa con” do anh chàng tạo ra hay ho thế nào nhé!
Sau khi cả 4 thành viên của aespa đều diện trang phục của La Lune tại Gayo Daejejeon 2021, tới lượt Minnie của (G)I-DLE cũng mặc thiết kế blazer đỏ của hãng trong MV Tomboy
NTK nào là người có ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách thiết kế của bạn?
Mình có rất nhiều tượng đài có sức ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng nghệ thuật của mình, nhưng chắc đầu tiên và mãi mãi là Lee Alexander McQueen.
“Cái tôi” của bạn khi thiết kế cho AEIE và La Lune khác nhau thế nào?
Mình khá rạch ròi trong việc định hình tư duy thẩm mỹ của 2 brand, để đơn giản trong việc suy nghĩ, mình tưởng tượng 2 brand là 2 cô gái khác nhau với những đặc điểm tính cách khác nhau. AEIE là bản thể ngọt ngào tinh nghịch, còn La Lune trầm lắng và gai góc hơn.
Thiết kế của La Lune (trái) và AEIE (phải)
Bạn cảm nhận sự thay đổi của mình trong các thiết kế từ khi thành lập thương hiệu đến nay như thế nào?
Mình vẫn giữ những đặc điểm thiết kế ưa thích để bản thân không bị lan man và luôn ổn định. Nhưng bên cạnh đó mình vẫn phải nhìn nhận và thay đổi những yếu điểm cần thiết. Mình cho rằng những thiết kế của mình dần trở nên thực tế và có khoa học hơn.
Khoảng thời gian nào khiến bạn cảm thấy khó khăn nhất khi làm nghề?
Mình là người không thoả hiệp với những thứ quá dễ dàng, nên việc cảm thấy khó khăn trong quá trình sáng tạo khi làm nghề là đều rất cần thiết để bản thân mình phát triển. Nên mọi thời điểm mình thấy khó khăn điều là động lực cho mình.
Thiết kế nào bạn tâm đắc nhất trong suốt quá trình làm nghề đến giờ?
Mỗi thiết kế của mình điều có những câu chuyện và kỉ niệm đằng sau. Mình không yêu cái nhất cho cái nào cả, mình thích hết và xem tất cả đều đặc biệt.
Bộ sưu tập nào là dấu mốc đánh dấu sự chuyển mình rõ ràng nhất trong hành trình thiết kế của bạn?
Đó chính là “Reverie” của La Lune và “Quiet Noise” SS20 của AEIE.
Được biết AEIE là brand chuyên sản xuất trang phục từ vải deadstock. Bạn có gặp khó khăn gì trong quá trình tái chế các loại vải để làm ra thành phẩm không?
Khó khăn lớn nhất là không thể restock lại đúng chính xác những gì đã sản xuất trước đó, nhưng không sao cả, vì đó vốn nằm trong đặc điểm nhận dạng của nhãn hàng và cũng là một cơ hội để mình có thể sáng tạo và đặt các thiết kế của mình với những dạng thù hình khác nhau.
3 từ để miêu tả rõ nhất “aesthetic” của bạn. Theo bạn, làm thế nào để có thể tạo ra “aesthetic” của riêng mình?
Mình thích đọc sách khoa học, xem truyện tranh, hoạt hình và điện ảnh. Nên tựu chung lại những gì mình có thể đúc kết lại đều có những phản phất của văn hoá đại chúng, dễ hiểu và dễ tưởng tượng.
Nhân tiện, 3 từ chắc cũng không đủ để miêu tả đâu! Nhưng cố gắng nhất chắc mình sẽ quy lại 3 từ: “Hoài cổ” – “Tò mò” – “Nữ tính”.
Morning Star Corset sau khi ra mắt đã gây chấn động giới mộ điệu Việt. Bạn có thể chia sẻ về quá trình làm ra chiếc áo độc đáo này không?
Mình đặc biệt yêu thích các sản phẩm ở giai đoạn trung cổ và Morning Star chính xác được lấy ý tưởng và phát triển từ quả chuỳ gai (vũ khí), đặt ở những vị trí tạo hình trái tim để gợi nhắc hình ảnh của La Lune. Đồng thời trong điều kiện chuyển động và ánh sáng tập trung, các hướng sáng sẽ phản chiếu từ gai kim loại như một trái tim đang phát sáng. Chất liệu chính là compression metallic fabric, plastic bone và gai kim loại. Chính xác mình mất khoảng 2 tuần thử nghiệm và 3 ngày hoàn thành tất cả bằng tay.
Điều gì đã thôi thúc bạn quyết định tạo ra những sản phẩm 3D scuplting?
Với sự tò mò của bản thân và sự vận động không ngừng của thời trang thế giới, mình nhận thấy mình cũng cần thêm những kiến thức để có thể sáng tạo. Bằng cách kết hợp các lĩnh vực công nghệ khác và dùng nó như một công cụ để mình có thể phát triển thêm những thiết kế và học thêm những kinh nghiệm mới.
Trong quá trình làm ra chiếc áo 3D printed đầu tiên GUILLOTINE, bạn gặp khó khăn nhất ở công đoạn nào?
Dù rằng đã rất cẩn thận trong việc quét cơ thể người mẫu, đo đạc trong quá trình “điêu khắc” sản phẩm, thì độ sai lệch vẫn hoàn toàn có khả năng diễn ra. Nhưng cũng không có gì quá khó khăn và gây cản trở.
Trong quá trình xử lý chất liệu cho chiếc áo, bạn có gặp khó khăn gì không?
Xử lý màu sản phẩm có vẻ là công đoạn phức tạp nhất vì nó đòi hỏi sự khéo léo và tính toán kĩ càng trong việc chọn màu, pha màu và phủ màu để cho ra được màu hồng Candy không bị rực loè loẹt và có độ sâu trên từng nét khối.
Đôi giày Heart Logo Block mà Lisa (BLACKPINK) từng diện được bạn lấy cảm hứng từ đâu? Chi tiết nào trên đôi giày khiến bạn mất nhiều thời gian xử lý nhất?
Heart Logo Block Heels là sản phẩm cực ngẫu hứng trong việc sắp xếp logo vào thiết kế. Và khó nhất là áp trái tim vào gót chân sao cho đúng nhân trắc học, đúng độ và điểm chịu lực phải chính xác.
Bạn có thể chia sẻ về bộ trang phục thiết kế cho Hoàng Thuỳ Linh trong MV Bo Xì Bo không?
Thật ra có vài thay đổi nhỏ trong thiết kế, nhưng điều này không hề là một thử thách đối với anh Hoàng Ku và anh ấy rất tinh tế trong việc “chọn mặt gửi vàng”. Không chỉ hiểu bản thân, anh còn hiểu cả đối tác làm việc cùng. Chất liệu Lãnh Mỹ A là thứ mà cả 2 anh em đặt ra để làm nguyên liệu thiết kế nhằm tôn vinh giá trị nội địa cũng như là mang lại thêm nhiều trải nghiệm khi cắt dựng trên chất liệu đặc biệt. Tụi mình đã mất hơn 1 tuần để cắt dựng và đính kết.
Trong tất cả các bộ trang phục làm cho nghệ sĩ Việt (Tóc Tiên, Hoàng Thuỳ Linh, Bích Phương,…) bạn tâm đắc nhất với thiết kế nào?
Cũng như mình đã đề cập, mình không đưa ra vị trí nhất nhì để đánh giá, mình cho rằng tất cả đều đặc biệt trong lòng mình.
Trong tương lai, bạn có dự định mở store cho La Lune không? Nếu có thì đâu sẽ là địa điểm đầu tiên để anh đặt store cho La Lune?
Mình mong muốn một cửa hàng mang tính chất vừa thể nghiệm nghệ thuật và vừa trải nghiệm được sản phẩm. Và nếu được chắc mình mong nhất là trên cung đường Đồng Khởi hoặc đâu đó Thảo Điền, Quận 2.
Bạn đánh giá về thị trường designer hiện nay tại Việt Nam thế nào?
Đông vui và ngày càng chất lượng!
Cảm ơn Quách Đắc Thắng vì cuộc trò chuyện thú vị này!
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/phong-van-founder-cua-la-lune-lot-mat-xanh-tu-lisa-toi-aespa-duoc-loat-sao-vbiz-chon-mat-gui-vang-20230121084431139.chn” name=””]