Cả một năm rồi cả một quãng đời chỉ xoay một vòng tròn. Nhưng rõ ràng là tôi không hề muốn chệch khỏi quỹ đạo đó.
Tình cờ đọc bài báo “Thế giới thất bại trong việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ” trên Phụ Nữ Online, tôi giật mình. Lẽ nào phụ nữ bây giờ cũng chẳng khác thời xưa?
Theo kết quả từ một khảo sát sức khỏe phụ nữ toàn cầu để đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu của phụ nữ dựa trên những tiêu chí như sức khỏe tổng quát, chăm sóc phòng ngừa, sức khỏe tâm thần, sự an toàn, và các nhu cầu cơ bản như ăn uống, quần áo, chi tiêu dành cho cá nhân… các nhà nghiên cứu kết luận: không có quốc gia nào đạt điểm tiêu chuẩn.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu: “Phụ nữ luôn là người chăm sóc bản thân sau cùng. Điều này phản ánh nhiều gánh nặng khác nhau mà phụ nữ đang phải gánh chịu. Điển hình như phụ nữ có xu hướng đi khám sức khỏe cho con mình nhiều hơn là đi khám cho mình. Ở những nước nghèo, phụ nữ thường nhường tất cả vấn đề y tế, thực phẩm, tiền của cho con cái và gia đình hơn là dành cho chính họ”.
Vậy là phụ nữ xưa hay hiện đại, phụ nữ châu Âu hay châu Á đều xếp những nhu cầu của chính mình đứng sau lợi ích của gia đình, chồng con.
Phụ nữ xưa hay nay đều đặt gia đình là ưu tiên trên hết. Ảnh minh họa |
Nhớ cái hồi còn nghèo khó, tết đến đến cả nhà đều có quần áo mới, riêng mẹ tôi thì không. Mẹ mặc lại bộ áo dài cất kỹ trong tủ rồi bảo “vẫn còn mới tinh”. Cái áo sờn vá chằng chịt, đôi dép mòn xẹp đế, cái kính cũ chật gọng… mẹ tuyệt nhiên giữ khư khư, ai đòi bỏ đi là có chuyện.
Miếng ăn cũng vậy, mẹ nhường hết cho chồng con những món ngon. Nhắc mẹ ăn thì mẹ khua tay: “Thôi, mẹ no rồi”.
Đến khi con lớn dựng vợ gả chồng, mẹ quanh quẩn thay tã, tắm cháu, nấu từng bữa cơm cữ, từng nồi nước mát lợi sữa cho con gái, con dâu. Mẹ sợ bà đẻ ngồi nhiều sau này sẽ bị đau lưng, nên bảo: “Con nằm nghỉ ngơi, không phải làm bất cứ gì hết, mẹ làm được hết”.
Nhớ hồi xưa, ho hen cảm mạo một chút là mẹ đều đưa chị em chúng tôi đi bệnh viện. Con ốm là mẹ thức cả đêm lau mình, sờ trán. Nhưng khi mẹ lớn tuổi, cái chân đau mấy tháng trời mà nói mãi chẳng chịu đi khám. Hỏi sao thì mẹ bảo tại sợ. Mẹ sợ gì? Theo tôi thì:
– Sợ thủ tục giấy tờ mà già cả lọng cọng
– Sợ bệnh viện đông đúc, phải chờ đợi
– Sợ bác sĩ la rầy, gắt gỏng
– Sợ khám “lòi ra bệnh” lại mất ăn mất ngủ. Già ai chả có bệnh, khám làm gì.
– Sợ tốn thời gian con cái phải chở đi
– Sợ tốn tiến. Để tiền đấy lo được khối việc, còn đề dành khi có việc cần đến.
Con cái mua đồ ăn, thuốc thang tẩm bổ, mẹ lại có vẻ hờn trách rằng sao không để tiền đấy mà lo cho gia đình, mua gì tốn kém, mẹ cũng không đụng đến. Phụ nữ thời xưa nặng nề một chữ hy sinh.
Nhưng phụ nữ thời nay có khác?
Ngẫm lại bản thân, tôi thấy, tôi không quá khổ như bà như mẹ tôi, nhưng dường như bản tính “ưu tiên chồng con là số một” vẫn hiện hữu.
Đến dịp thưởng lễ, điều đầu tiên tôi nghĩ đó là dùng tiền thưởng để mua quần áo cho chồng con, hoặc suy nghĩ sẽ nấu món gì thật hoành tráng cho cả nhà. Khi có chút thời gian rảnh rỗi, tôi lân la vào chợ, vào siêu thị để sắm sửa những vật dụng cần thiết. Và khi còn chút sức lực sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi dọn dẹp nhà cửa để chồng con luôn được thoải mái sau một ngày dài ở trường, ở cơ quan.
Cả một ngày quần quật đưa đón con, đi làm, tối về lại cơm nước dọn dẹp. Cả một năm rồi cả một quãng đời chỉ xoay quanh một vòng tròn. Nhưng rõ ràng, tôi không hề cảm thấy muốn chệch ra khỏi quỹ đạo đó.
Dù có lúc mệt, tôi vẫn gắng hoàn tất hết mọi công việc trong nhà để rồi bực tức gây hấn. Dù có lúc chán, tôi vẫn gắng vui vẻ để chồng con khỏi lo lắng để rồi tự thấy tủi thân.
Được gì sau những năm tháng hy sinh? Trước giờ tôi ít khi nghĩ mình nên dùng chút thời gian rảnh rỗi để làm những việc mà khi còn làm con gái như đi spa, hẹn bạn đi cà phê hoặc chỉ là đắp một chiếc mặt nạ 10 phút… vì bị cuốn vào vòng xoay tất bật.
Phụ nữ ơi, hạnh phúc trước đi, được không?
Thu Hà(Quận 10, TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/phu-nu-hanh-phuc-truoc-di-duoc-khong-a1473770.html” name=””]