Phụ nữ ở nhà trông con, trong mắt nhà chồng là kẻ ăn bám, trong mắt con là người chỉ biết càm ràm tỏn mỏn còn trong mắt người ngoài thì “sướng quá còn gì”.
Xung quanh tôi biết có nhiều người quen, bạn bè, đồng nghiệp đã chọn ở nhà chăm con, đưa đón con đi học, quanh quẩn nội trợ chăm sóc gia đình và đa phần họ đều thấy không thực sự hạnh phúc.
Bạn tôi ngày đó cũng tốt nghiệp loại khá, về quê có công ăn việc làm ổn định nhưng khi sinh bé đầu. Do không nhờ được nội ngoại nên bạn đành nghỉ việc để trông con. Đến khi con lớn, tưởng rằng có thể gửi con đi học là sẽ có thể trở lại công việc, nhưng thực tế là không. Vẫn do không tìm được người yên tâm để đưa đón bé nên bạn đành ở nhà.
Vì tâm lý “khổ một lần”, đằng nào cũng chưa thể đi làm nên vợ chồng bạn tôi quyết định “thêm đứa nữa”. Vậy là suốt ngày xoay vần bỉm sữa cho đứa nhỏ, đưa đón đứa lớn đến trường, dọn dẹp nhà cửa.
Chồng bạn cũng thương mấy mẹ con nhưng do nhà chỉ còn trông vào một nguồn thu nhập duy nhất nên phải ráng cày cuốc nhiều nghề, đi từ sáng đế tối muộn mới về.
Ở thời đại này, phụ nữ chọn ở nhà chăm sóc chồng con là một sự hy sinh rất lớn, nhưng cũng lắm bẽ bàng. (Ảnh minh họa) |
Ở thời đại này, phụ nữ chọn ở nhà chăm sóc chồng con là một sự hy sinh lớn nhưng cũng lắm bẽ bàng
Mẹ chồng thấy con bà phải làm việc vất vả thì quay sang chì chiết con dâu ở nhà sao không kiếm việc làm thêm, tăng thu nhập để đỡ đần cho chồng.
Bạn nói: “Giờ con mắc 2 đứa ở nhà, có buôn bán gì cũng phải có người giao hàng chứ mẹ” thì bà dằn hắt: “Đấy! Biết vậy sao hồi xưa không học nghề may vá hay làm tóc, lên thành phố học làm gì để bây giờ thất nghiệp?”.
Bà còn nói sao không nhờ nhà ngoại trông phụ, mặc dù biết rõ ba bạn tôi mới bị tai biến, mẹ bạn phải chăm chồng. Ông bà tự lo cho nhau đã là tốt lắm rồi, sao dám nhờ trông cháu nữa. Đắng cay, nhưng bạn tôi nín nhịn vì đang ở thế yếu.
Không chỉ mẹ chồng, cả hai bà chị chồng cũng lên mặt. Cứ 1-2 tuần là gửi con sang nhờ trông phụ rồi còn nói ý mỉa mai: “Nhờ em giữ cháu phụ chị đi làm kiếm tiền”.
Có đám tiệc gì, hai chị chồng cũng đè đầu mình bạn tôi, đến giờ ăn mới qua, vì cho rằng người không phải đi làm thì phụ nấu nướng từ sớm là chuyện đương nhiên. Trong nhà có quyết định việc lớn nhỏ gì, bạn không hề được hỏi ý kiến.
Ngồi tâm sự, bạn tôi buồn buồn: “Thôi thì vào cái thế thì phải chịu, ai nói gì cũng gạt ngoài tai, bỏ cả sĩ diện”. Nhưng điều bạn buồn nhất là con gái lớn năm nay vào lớp Một cũng đang tỏ thái độ.
Hồi đầu năm, cô giáo phát tờ phiếu sơ yếu lý lịch để học sinh điền tên tuổi của ba mẹ. Đến đoạn điền nghề nghiệp của mẹ, bạn tôi ghi 2 chữ “nội trợ” làm con bé thắc mắc.
Sau khi được giải thích, con bé hỏi tại sao mẹ của các bạn khác làm nghề “dược sĩ” “kế toán” “kinh doanh” “nhân viên văn phòng”… Bé nói: “Sao mẹ chỉ ở nhà mà không có làm nghề gì? Vậy sau này con cũng không làm nghề gì hết, chỉ ở nhà thì có được không?”
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Tôi muốn khuyên bạn gửi con để còn trở lại với với công việc, để F5 lại tinh thần và cả sự tự tin, nhưng thật tình cũng không tìm ra cách nào khi đang kẹt trong thế như vậy. Tôi phải khuyên bạn ráng chờ thêm vài năm nữa 2 đứa lớn hơn thì tính tiếp. Bạn tôi cũng gật gù đành vậy.
Tôi may mắn nhờ được người trông và đưa rước con nên có thể đi làm. Đi làm tuy có hơi vất vả nhưng bù lại tôi chủ động được nhiều thứ và cũng có tâm thế tốt hơn. Ai cho rằng phụ nữ ở nhà chồng nuôi sướng gì bằng thì cứ thử ở nhà vài tháng sẽ thấm. Thấm thế nào là chuyện làm hàng trăm việc lớn nhỏ không tên trong nhà mà miệng đời vẫn nói là “chẳng phải làm gì”.
Duyên Anh (Bình Tân, TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/phu-nu-o-nha-noi-tro-sung-suong-lam-a1472930.html” name=””]