Không thể phủ nhận độ nhận diện của chương trình thực tế “Physical: 100” tăng lên gấp nhiều lần khi được gắn liền với cái tên “Squid Game”.
Thời gian qua, “Physical: 100 (Thể chất: 100)” là chương trình sinh tồn Hàn Quốc được đông đảo khán giả thế giới theo dõi. Theo thống kê của FlixPatrol – công ty chuyên theo dõi thứ hạng các nội dung trực tuyến, “Physical: 100″ đã vươn lên vị trí đầu bảng trong số các chương trình truyền hình toàn cầu chỉ sau nửa tháng công chiếu.
Chương trình liên tục dao động trong top 3 ở hàng chục quốc gia như Hàn Quốc, Canada, Pháp, Đức, Anh, Thụy Điển, Hy Lạp, Việt Nam, Singapore, Mỹ, Brazil, Philippines, Tây Ban Nha,… Đây có thể được xem là thành tích đáng nể của một chương trình giải trí Hàn Quốc bởi từ trước đến nay xứ Kim chi chưa có một show giải trí nào dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu.
Lần đầu công chiếu đã có thành tích “gây bão” khắp thế giới là điều không phải nhà sản xuất chương trình thực tế nào cũng có thể làm được. Nhiều câu hỏi đặt ra về việc một “tân binh” như “Physical: 100” tại sao lại được đón nhận nhiệt tình và rộng khắp đến thế? Ngoài format mới lạ, cách tuyển sinh, biên tập đầy màu sắc và kịch tính, một phần thành công của “Physical: 100” cũng nhờ việc chương trình được ví như “Squid Game đời thực“, đánh trúng tâm lý tò mò của khán giả.
Dùng ý tưởng và nội dung na ná “Squid Game”
“Physical: 100” xoay quanh cuộc tranh tài về năng lực thể chất của 100 thí sinh để tìm ra người xứng đáng với danh hiệu “Cơ thể hoàn hảo” và giành được phần thưởng 300 triệu won (hơn 5,7 tỉ đồng). Họ phải cạnh tranh, loại bỏ từng đối thủ để chứng minh sức mạnh của chính mình.
Physical: 100 gợi cảm giác của Squid Game.
Luật chơi của “Physical: 100″ khiến khán giả liên tưởng đến “Squid Game” – bộ phim cũng xoay quanh nội dung 456 người chơi thi đấu các thử thách để giành lấy tiền thưởng khủng chung cuộc. Khi biến tấu thành một chương trình sinh tồn, thay vì việc phải bỏ mạng như trong phim, những người thua cuộc chỉ cần dùng búa đập nát bức tượng hình thể tượng trưng cho mình.
Mỗi người chơi Physical: 100 được khắc một bức tượng hình thể riêng.
Hơn nữa, 100 thí sinh tham gia “Physical: 100″ đều không phân biệt giới tính, làm việc ở nhiều ngành nghề, độ tuổi, quốc tịch khác nhau.
Không ít khán giả choáng ngợp khi biết danh tính của dàn thí sinh. Đa phần người chơi của “Physical: 100” đều là những vận động viên thuộc đội tuyển quốc gia Hàn Quốc. Điển hình như Choo Sung Hoon – vận động viên võ thuật tổng hợp, Yun Sung Bin – cựu tuyển thủ trượt băng nằm sấp quốc gia, Yang Hak Seon – vận động viên thể dục dụng cụ đầu tiên của Hàn Quốc giành huy chương vàng Olympic, Jang Eun Sil – vận động viên đấu vật…
Bên cạnh lực lượng quân nhân làm việc trong các cơ quan chính phủ, rất nhiều thí sinh “Physical: 100” xuất thân là người hoạt động trong lĩnh vực giải trí hay đủ mọi tầng lớp gồm CEO, môi giới xe, cổ vũ viên, sinh viên, nông dân… Điều này cũng tương tự như ở “Squid Game” với 456 người chơi xuất thân từ đủ mọi ngành nghề, đến tham gia trò chơi chết chóc chỉ vì mong muốn đổi đời.
Tương tự Squid Game…
… Physical: 100 cũng có rất nhiều người chơi là nữ.
Điều đặc biệt khiến “Squid Game” khác với các bộ phim về sinh tồn khác là các trò chơi trong phim khá đơn giản. Các vòng chơi trong phim được lấy cảm hứng từ những trò chơi của trẻ con Hàn Quốc như trò đèn đỏ, đèn xanh; tách kẹo; kéo co; chơi bi… Nghe qua luật chơi có vẻ dễ dàng nhưng hàng trăm người chơi đều khiếp sợ khi biết hậu quả phải bỏ mạng. Chính vì thế, trong phim, ai nấy đều nỗ lực hết sức có thể để giành chiến thắng.
Tương tự, ở “Physical: 100″, luật chơi ở mỗi vòng thi cũng khá đơn giản nhưng đều đưa người chơi vào tình thế “vắt chân lên cổ”, làm hết tốc lực mới mong giành chiến thắng.
Để xếp thứ hạng cho 100 thí sinh, “Physical: 100” khởi động “nhẹ nhàng” bằng trò đu xà. Dựa vào đó, những người chơi càng trụ lâu sẽ có quyền chọn đối thủ cho mình trong thử thách kế tiếp. Sau đó, 100 người chơi đã được chia làm 50 cặp đấu, chính thức bước vào trận chiến chính thức đầu tiên với luật chơi đơn giản: “Sau 3 phút, người nào giữ được bóng trong tay sẽ được bước vào vòng 2”.
Để có thể là người cuối cùng giữ được bóng, 2 người chơi phải chiến đấu hết sức căng thẳng, thậm chí gặp chấn thương.
Ngoài ra, khán giả cũng dễ dàng bắt gặp những trò chơi đơn giản đã từng xuất hiện trong các show thực tế khác. Điển hình như trò kéo co 5 góc đã từng lên sóng “Running Man” hay “Địa ngục độc thân”. Những nhiệm vụ đòi hỏi sức lực khác như vác bao cát qua cầu treo, kéo thuyền 1,5 tấn, chạy bộ ngắn, chạy bộ theo vòng, lật gạch theo màu… cũng là một phần của “Physical: 100”.
Việc ghi hình trong studio lớn mà không ra không gian, môi trường bên ngoài cũng tạo cảm giác na ná “Squid Game”. Những trò chơi cá nhân, đội nhóm xen kẽ cũng là điểm gợi cảm giác thân thuộc đến bộ phim truyền hình đình đám.
4 người chơi phải chạy liên tục đến khi chạm lưng 3 đối thủ để loại họ.
Các thí sinh cũng trải nghiệm trò chạy bộ ngắn, phải bấm chuông trong thời gian quy định. Thời gian sẽ liên tục giảm dần đến khi có người kiệt sức, bị loại.
Những trò chơi ở Physical: 100 đều có luật đơn giản nhưng “không dễ nuốt”.
Truyền thông thành công nhờ chiến lược “tận dụng sức nóng” của một thương hiệu
Giữa lúc các chương trình thực tế “mọc lên như nấm”, nhan nhản những nội dung tương tự nhau như hẹn hò, ca hát, nhảy múa… việc sản xuất nên một show sinh tồn, được truyền cảm hứng từ bộ phim từng “gây bão” khắp thế giới đã góp phần tạo nên sự thành công của nhà sản xuất “Physical: 100″.
Ngay từ khi tung trailer, “Physical: 100” đã được khán giả “nhớ mặt đặt tên” vì dùng chính tinh thần “Squid Game” để gợi nhớ đến chương trình. Khung cảnh ô vuông có ghi rõ thứ hạng người chơi, luật chơi và cả những thử thách căng thẳng mà ekip nhá hàng càng khơi gợi không khí “cơn sốt” của “Trò chơi con mực”. Cũng từ đây, người hâm mộ càng tò mò liệu một phiên bản đời thực của “Squid Game” sẽ được sản xuất với tình tiết thế nào, khi lên show thực tế sẽ ra sao.
Việc dùng chính sức nóng của một bộ phim hot, được khán giả thế giới biết đến đã phần nào sức hút bước đầu cho Physical: 100.
Thông thường, các chương trình thực tế lần đầu lên sóng sẽ mất một khoảng thời gian ngắn để khán giả có thể nhớ tên và hiểu rõ luật chơi ra sao. Thế nhưng khi khán giả vừa nghe đến “Physical: 100 – chương trình được ví như ‘Squid Game đời thực'” là đã có thể tưởng tượng ra phần nào thể lệ, không khí và mức độ khốc liệt. Thậm chí, cụm từ “Squid Game đời thực” còn được truyền thông dùng nhiều hơn cả tên gốc của chương trình.
Đó là chưa kể đến việc “Physical: 100″ hoàn toàn không phải là phiên bản chương trình thực tế của “Squid Game”. Từ giữa năm 2022, nhà sản xuất Hàn Quốc đã thông báo sẽ ra mắt “Squid Game” bản chính thức về truyền hình thực tế mang tên “Squid Game: The Challenge”, được quảng cáo là “cuộc thi thực tế lớn nhất từ trước đến nay”. Mặc dù tiền cược không phải là mạng sống như trong phim, “Squid Game: The Challenge” sẽ vẫn gồm 456 người chơi cạnh tranh trong một loạt các trò chơi để có cơ hội giành được 4,56 triệu USD (hơn 108 tỷ đồng).
Được biết, thí sinh của “Squid Game: The Challenge” sẽ đến từ khắp mọi nơi trên thế giới nhưng phải nói được tiếng Anh, thay vì tiếng Hàn như phim gốc. Người chơi được phép nói các ngôn ngữ khác, miễn là họ cũng có thể nói và hiểu tiếng Anh.
Việc “dùng trước” thương hiệu “Squid Game” cho “Physical: 100″ để truyền thông khắp thế giới đã rút gọn con đường tiếp cận khán giả, đưa chương trình leo lên các bảng xếp hạng với “tốc độ ánh sáng”. Đây chính là nước đi vô cùng thông minh và hợp lý, hiệu quả thì chúng ta đều có thể thấy ngay sau khi tập đầu lên sóng!
Công thức sáng tạo show thực tế mới đã ra đời!
Với 9 tập đã lên sóng, “Physical: 100″ đã khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình, căng thẳng theo cuộc chơi khốc liệt của dàn thí sinh trong chương trình. Việc biến tấu một show thực tế dựa theo format của những bộ phim “gây bão” thế giới hiện là công thức mới được các nhà sản xuất Hàn Quốc sử dụng và phải nói vô cùng hiệu quả.
Sau “Physical: 100″, nhà sản xuất chương trình sẽ cho ra mắt một show thực tế mới toanh mang tên “Zombieverse”. Được biết, đây là chương trình mới dựa trên “All of us are dead” – bộ phim nổi tiếng xoay quanh việc sinh tồn giữa “rừng” Zombie. Trong số dàn cast xuất hiện trên poster chương trình, Kim Jin Young – “bản sao Jungkook” của “Địa ngục độc thân” là nhân tố gây chú ý. Dù chưa hé lộ luật chơi ra sao, nhưng khán giả vẫn có thể đoán được “Zombieverse” sẽ là một chương trình sinh tồn có liên quan đến việc người chơi tìm mọi cách sống sót giữa thế giới Zombie. Người hâm mộ show thực tế Hàn Quốc vô cùng trông đợi ngày “Zombieverse” lên sóng!
Kim Jin Young nhá hàng về Zombieverse.
Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định ngay và luôn Hàn Quốc là quốc gia sản xuất các show thực tế chất lượng hàng đầu. Việc kết hợp được công nghệ ngày một tiên tiến với đội ngũ biên kịch xuất sắc, nắm bắt được tâm lý khán giả, ngày càng nhiều những chương trình giải trí ăn khách đã ra đời. Có trong đầu được một ý tưởng tốt đã vô cùng đáng quý, hiện thực hóa mọi thứ từ những ý tưởng sơ khai lại là một bước đi lớn. Thành công của một sản phẩm chưa bao giờ đóng khung trong một quy chuẩn nào, đó là cả một chiến lược thích nghi với thời cuộc và nắm bắt những cơ hội mới.
Ảnh: Physical: 100, Zombieverse
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/physical-100-thanh-cong-vang-doi-voi-chien-luoc-an-theo-squid-game-20230224115654016.chn” name=””]