Những sự việc liên tiếp thời gian vừa qua xoay quanh các sản phẩm nhạc Việt đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các nghệ sĩ lẫn ekip sản xuất.
Liên tiếp những sản phẩm và nghệ sĩ khiến dư luận phẫn nộ: chuyện gì đang xảy ra với làng nhạc Việt?
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt sản phẩm âm nhạc đến từ những nghệ sĩ có tiếng của Vpop liên tiếp tạo “bão” dư luận theo hướng tiêu cực, mang về vô số tranh cãi. Gần đây nhất, Chi Pu chính là cái tên làm “thổi bùng” lên sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng khiến các cơ quan chức năng cũng vào cuộc. Chi Pu đến thời điểm hiện tại đã ra liên tiếp 2 MV Black Hickey và Sashimi và tự mang về cho bản thân không đếm xuể những lời chỉ trích từ việc âm nhạc thụt lùi so với 3 năm trước, giọng hát không hề có chút tiến bộ, loạt tạo hình và thông điệp phản cảm gợi nhắc thô thiển về dục tính, cổ suý những thông điệp tiêu cực về người phụ nữ,…
Chưa dừng lại ở đó, loạt MV được đánh giá là dung tục của Bình Gold ra mắt vào thời gian trước đó một lần nữa lọt vào “tầm ngắm” của dư luận khi không dưới 2 lần được “chỉ mặt gọi tên” trên sóng truyền hình quốc gia với tư cách một “rác phẩm”. Các MV của Bình Gold thực chất cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm khi suốt những năm qua, những “rác phẩm” dạng như thế này vẫn xuất hiện nhan nhản công khai trên YouTube, thậm chí trẻ em chưa phát triển nhận thức toàn diện vẫn có thể truy cập được chỉ bằng vài thao tác đơn giản.
Các MV của Chi Pu, Bình Gold lên sóng VTV và bị gọi là “rác”.
Xoay quanh những sản phẩm gây tranh cãi dư luận thời gian qua, trao đổi với VOV, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, lãnh đạo Bộ đã nắm được thông tin những MV gây tranh cãi, bị cho là “rác mạng”, phản cảm, dung tục đang khiến dư luận quan tâm. Theo ông Thái, Bộ VHTT&DL bước đầu đã nắm thông tin về các MV gây tranh cãi, trong đó có MV của Bình Gold, Chi Pu. Lãnh đạo Bộ cũng đã có sự trao đổi với Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly để tìm hiểu và sẽ xem xét cụ thể đối với từng trường hợp: “Tất cả các MV, nếu có sai phạm đều phải chịu xử lý theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, quảng cáo”.
Giới hạn nào giữa “cá tính” với “dung tục”?
Liên tiếp những sản phẩm gây tranh cãi xuất hiện dày đặc khiến công chúng cảm thấy chán nản. Không khó để thấy, trong thời gian ngắn đổ lại, khán giả ngày càng khắt khe, khó tính hơn với nghệ sĩ và các sản phẩm của họ. Họ cũng không còn gì lạ lùng để hiếu kì, đổ xô để xem một sản phẩm với loạt chi tiết gây sốc nữa, mà một bộ phận rất đông đã chọn cách quay lưng, tẩy chay triệt để.
Tuy nhiên, nói đi cũng cần phải nói lại, không ít ý kiến cho rằng việc khán giả đang quá khắt khe sẽ khiến các nghệ sĩ bị “chùn tay”, không dám mạo hiểm với những thể nghiệm mới về âm nhạc lẫn hình ảnh. Vậy, câu hỏi đặt ra: giới hạn nào giữa “cá tính” với “dung tục” để một nghệ sĩ có thể vừa sáng tạo nhưng vẫn giữ được trong khuôn khổ của cộng đồng?
Nói về “giới hạn” của một sản phẩm âm nhạc tại thị trường Việt Nam, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhấn mạnh mọi đánh giá về “giới hạn” trong thời điểm hiện tại vẫn đang mang tính cảm quan, chịu sự tác động của truyền thông trong một thời điểm – thời gian nhất định, vẫn chưa có một văn bản pháp lí cụ thể nào.
Cụ thể, ông Hồng Quang Minh cho biết: “Chúng ta chưa từng có một văn bản nào cụ thể, đầy đủ, rõ ràng của cơ quan quản lý cho chủ đề này. Và từ nhiều yếu tố khách quan, điều này khó xảy ra trong tương lai gần. Vì vậy mà mọi đánh giá hiện tại đều ở góc độ cảm quan, hoặc dưới tác động của truyền thông trong một thời điểm, khoảng thời gian nhất định. Có những ca khúc được phát hành bình thường, nhưng khi có một chủ đề, nội dung nào đó trong xã hội liên quan bị lên án, ca khúc đó cũng có thể bị lục lại để làm ‘ví dụ’. Rồi từ đó bị đưa vào danh sách ca khúc có nội dung không ‘chuẩn mực’. Vì vậy, khi nói đến giới hạn về sự tự do, phóng khoáng, tôi nghĩ nó mang tính thời điểm nhiều hơn, nhất là khi tốc độ đánh giá nội dung một ca khúc của khán giả thay đổi từng ngày”.
Mặc dù vẫn chưa có một văn bản pháp luật cụ thể về vấn đề này, nhưng việc có những chế tài, nhắc nhở từ cơ quan chức năng trong thời điểm hiện tại theo ông Hồng Quang Minh vẫn là cần thiết, nhất là khi các sản phẩm trong một thời điểm, người làm nghề cần phải cẩn trọng cũng cần phải lắng nghe những “cảnh báo” để có thể tránh bước chân vào sai lầm:
“Giới hạn chưa rõ ràng, nhưng để ‘cảnh báo’ thì chúng ta nên có, trước hết là từ các cơ quan quản lý. Đây là một công việc cần sự chăm chỉ, kiên trì, tỉ mỉ. Người làm nghề, những người sáng tạo nghệ thuật cũng cần lắng nghe hơn những ‘cảnh báo’ này và hiểu được mình cần sáng tạo một tác phẩm trong một khoảng nội dung thế nào là phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức xã hội, với công chúng. Ở thời kỳ nào, việc sáng tạo cũng có những hạn chế, và ở môi trường nghệ thuật nào cũng vậy thôi. Người sáng tạo ở năm 2022 này, tôi nghĩ họ ngày càng khôn khéo và tỉnh táo”.
Cũng xoay quanh những “giới hạn” cho một sản phẩm âm nhạc, bên lề một sự kiện diễn ra vào chiều 24/9, Nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện cũng bày tỏ với chúng tôi: “Những thứ đi ngược lại thuần phong mỹ tục thì cũng không nên xuất hiện nhiều. Nếu xem là nghệ thuật thì hãy làm cho nó văn minh, sạch sẽ hơn”.
Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh cũng cho biết: “…Với vị trí của tôi thì tôi luôn chọn lọc ý tưởng, bạn nên hiểu đây sẽ là sản phẩm đến với số đông khán giả, đủ độ tuổi và công khai trên YouTube. Thế nên bạn sẽ phải kiểm soát việc nó sẽ chuyển tải thông điệp gì để đỡ ảnh hưởng, không tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều,… đó là điều tôi luôn ý thức trong công việc của mình”.
Nhạc sĩ Nguyễn Phúc Thiện: “Những thứ đi ngược lại thuần phong mỹ tục thì cũng không nên xuất hiện nhiều.”
“Sáng tạo không thể và không nên vượt qua lằn ranh về văn hoá”
Còn nhớ cách đây chưa lâu, MV There’s No One At All của Sơn Tùng M-TP bị “tuýt còi”, tiêu hủy và nộp phạt 70 triệu đồng, chính thức mở ra giai đoạn công chúng nghiêm khắc hơn với các sản phẩm âm nhạc. Thậm chí một rapper nổi tiếng “lành” như Đen Vâu cũng bị không ít khán giả lên án việc cổ vũ tính vũ phu trong ca khúc Đi Trong Mùa Hè với hàng loạt luồng tranh cãi gay gắt khiến đích thân nam rapper phải đứng ra xin lỗi và giải thích. Và cũng từ thời gian này, cụm từ “phong sát” lại được công chúng nhắc đến rất nhiều.
Sơn Tùng lao đao sau khi MV bị tiêu huỷ.
Quy định pháp luật của Việt Nam hiện hành chưa có khái niệm “phong sát”. Về việc liệu Việt Nam nên xây dựng một quy định về “phong sát” nghệ sĩ vi phạm đạo đức trong tương lai hay không, ông Hồng Quang Minh bày tỏ quan điểm: “Mỗi thị trường có một đặc thù riêng. Trung, Hàn lại là thị trường đặc thù của đặc thù. Tại sao lại vậy? Hàn là môi trường giải trí số 1 châu Á, nếu không muốn nói họ đang trong top đầu thế giới. Trung Quốc có một thị trường 1,4 tỷ dân. Đó là lý do cả 2 thị trường trên đều rất khắt khe trong tiêu chuẩn hoạt động của nghệ sĩ. Chỉ một sai lầm từ tiêu chuẩn chung, hay từ nghệ sĩ nổi tiếng, sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng khó lường trong xã hội. Việt Nam là đất nước 100 triệu dân, vẫn là vùng trũng về giải trí, nhưng lại có dân số trẻ và kinh tế phát triển nhanh. Đó là đặc thù của chúng ta. Mặt khác, khi chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, đừng nghĩ đến chuyện phong sát, mà nên có hướng xử lý phù hợp hơn, đủ khắt khe, đủ rõ ràng”.
Nghệ sĩ cần sáng tạo, cần nguồn cảm hứng từ mọi thứ xung quanh cuộc sống để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mới. Tuy nhiên, nghệ sĩ vẫn là người của công chúng, với sức ảnh hưởng nhất định đến một số đông những người yêu mến, theo dõi họ. Chính vì vậy, dẫu sáng tạo, nhưng người nghệ sĩ đã hoạt động ở Việt Nam vẫn cần có trách nhiệm với chính vai trò, sức ảnh hưởng của mình. Không thể lấy việc “sáng tạo” để tự do, phóng túng, vô trách nhiệm và tạo ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Một khi đã chọn trở thành người của công chúng, nhận về nhiều đặc quyền – đặc lợi thì song song với đó người nghệ sĩ phải có trách nhiệm vì đó là con đường mà họ đã chọn. Không thể chỉ biết đến quyền lợi mà không thực hiện trách nhiệm của bản thân người nghệ sĩ.
NS Nguyễn Văn Chung: “Sáng tạo không thể và không nên vượt qua lằn ranh về văn hoá”
Là một người trực tiếp sáng tác nghệ thuật, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hiểu được nỗi trăn trở về việc sáng tạo, thể hiện cái tôi nghệ sĩ nhưng không đi ngược với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức. Anh cho biết từ kinh nghiệm thực tiễn:“Mỗi nghệ sĩ đều có những góc nhìn táo bạo về một vấn đề nào đó, xã hội, gia đình, tình yêu, bản thân…và đều có 1 cá tính rất mạnh để thể hiện những góc nhìn đó qua phong cách âm nhạc hay phong cách nghệ thuật của mình. Thật sự, nếu bạn sống và viết chỉ cho 1 mình bạn thì bạn làm gì cũng được, viết gì cũng được miễn không vi phạm pháp luật, nhưng khi bạn được công nhận hay muốn được công nhận là ‘nghệ sĩ’ hoặc ‘nghệ sĩ thần tượng’ thì bạn phải chịu sự giới hạn khuôn khổ về nền văn hoá mà bạn đang sống và làm việc trong đó, vì mỗi lời bạn nói hoặc viết đều ảnh hưởng đến rất nhiều người trong xã hội đó, đó là trách nhiệm xã hội mà chúng ta ai cũng phải mang”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung qua đó tiếp tục nhấn mạnh thông điệp về việc nghệ sĩ tạo nên những giá trị tốt đẹp mà anh luôn trăn trở suốt nhiều năm qua. Anh cũng không phản đối về việc nghệ sĩ có thể sử dụng “ngôn từ đẹp” và cả “ngôn từ gai góc, trần trụi” nhưng đến cuối cùng vẫn phải hướng người nghe đến một điều tốt đẹp.
Lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng thay lời kết: “Các nghệ sĩ vẫn có rất nhiều khoảng trời, khoảng không, và sự tự do để sáng tạo và bày tỏ các quan điểm trong các sáng tác của mình, có người lựa chọn dùng ngôn từ đẹp, góc nhìn lạc quan để miêu tả góc sáng vấn đề, có người lựa chọn hình ảnh gai góc, ngôn từ trần trụi để miêu tả góc tối vấn đề. Nhưng cuối cùng ý niệm và mục tiêu sáng tạo cũng hướng người nghe đến một lối sống và quan điểm tốt đẹp hơn, nhiều niềm tin vào cái đẹp, cái thiện lành hơn chứ không hướng người ta có những suy nghĩ tiêu cực và hành động tiêu cực, gây ảnh hưởng cho bản thân và cả xã hội. Thế nên việc sáng tạo không thể và không nên vượt qua lằn ranh về văn hoá”.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/sang-tao-khong-the-va-khong-nen-vuot-qua-lan-ranh-ve-van-hoa-20220928152100433.chn” name=””]