Mặc dù WHO đã bác bỏ nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ bùng phát trở thành đại dịch, nhưng sau hơn 2 năm trải qua dịch Covid-19, thế giới trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết trước dịch bệnh. Nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn căn bệnh này.
“Hiện tại, chúng tôi không lo ngại về một đại dịch toàn cầu, tuy nhiên, chúng tôi lo rằng nếu không có các thông tin cần thiết để tự bảo vệ mình, mọi người sẽ có nguy cơ mắc bệnh này thông qua tiếp xúc”, bà Rosamund Lewis, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về bệnh đậu mùa khỉ, nhấn mạnh.
Ảnh: KT
Trước đó, trong một hướng dẫn liên quan, WHO cũng nhấn mạnh một chiến dịch tiêm chủng diện rộng đối với đậu mùa khỉ là chưa cần thiết và bệnh vẫn có thể ngăn chặn được bằng các biện pháp truy vết và cách ly nhanh chóng các ca bệnh.
Tuy nhiên, bất chấp những thông tin khuyến cáo từ WHO, nhiều nước trên thế giới vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước mình. Bỉ là quốc gia đầu tiên yêu cầu cách ly 21 ngày đối các trường hợp mắc đậu mùa khỉ, Thái Lan cách ly và theo dõi sức khỏe đối với các trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm bệnh. Nhật Bản cũng theo dõi chặt chẽ tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước này đến từ các vùng có nguy cơ về đậu mùa khỉ.
Bên cạnh đó, các nước cũng đổ xô “tích trữ” vaccine ngừa đậu mùa khỉ. Liên minh châu Âu đã quyết định mua chung vaccine và thuốc kháng virus chống bệnh đậu mùa khỉ, Anh đã tiêm 1.000 liều vaccine cho những người tiếp xúc gần với các ca bệnh đậu mùa khỉ và sẵn sàng 3.500 liều khác trong trường hợp cần thiết. Tại Pháp, nước này hồi đầu tuần cũng thông báo đang tiêm vaccine cho những nhóm người tương tự nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. Còn tại Mỹ, sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, nước này đã nhanh chóng mua 13 triệu liều vaccine đậu mùa Jynneos, sản phẩm được phê duyệt để chống lại loại virus này vào năm 2019.
Chỉ trong chưa đầy một tháng kể từ khi Anh xác nhận ca bệnh đầu tiên hôm 7/5, đến nay các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã tăng mạnh trên toàn cầu, ít nhất hơn 300 ca bệnh được xác nhận và hàng chục ca nghi ngờ ở hơn 20 quốc gia, trong đó nhiều ca bệnh tại các quốc gia châu Âu, vốn là nơi không lưu hành bệnh. Mặc dù thế giới chưa có ca tử vong nào do mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng giới chức y tế toàn cầu vẫn bày tỏ quan ngại về việc các ca mắc gia tăng tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận bệnh này.
Theo các nhà khoa học, dù bệnh đậu mùa khỉ ít có khả năng lây lan hoặc nguy hiểm như dịch Covid-19 song cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về cách thức cách ly đối với mỗi ca bệnh đậu mùa khỉ, cũng như có thêm khuyến nghị về cách thức bảo vệ những người có nguy cơ, cũng như cải thiện khâu xét nghiệm và truy vết.
Trước áp lực của các nước thì hiện Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đang xem xét liệu đợt bùng phát này có nên được đánh giá ở mức độ “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần được quốc tế quan tâm (PHEIC)” hay không./.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/so-ca-benh-dau-mua-khi-gia-tang-the-gioi-nang-cao-canh-giac-20220601222605112.chn” name=””]