Chị kể đã gửi đơn ly hôn chồng, lý do ly hôn là bởi “chồng tui đứt dây nói”. Qua mấy lời tếu táo, chị bảo chồng chị không bao giờ nói chuyện với vợ, mặt mày thì cau có, khó chịu từ sáng tới tối.
Tôi hỏi, hay chị làm gì khiến anh phật ý, hồi trước anh có vậy không. Chị thở dài, bảo thực tình chẳng biết cái gì phật ý, cái gì hài lòng ông ấy đâu. Mười mấy năm nay anh ấy như vậy, chị nín nhịn từ hồi nào tới giờ. Bây giờ con cái lớn rồi, chị muốn giải thoát. Chị bảo cảm giác sống với chồng mà căng thẳng mệt mỏi hơn sống chung với mẹ chồng. Hễ làm gì anh cũng lườm nguýt, cau có.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Tôi bảo có người thần thái gương mặt tươi vui thì biết đâu cũng có người ngược lại, gương mặt của họ cau có… một cách tự nhiên. Chị phân bua rằng cũng từng nghĩ vậy để thông cảm cho chồng, cứ cho rằng bẩm sinh khuôn mặt anh khó chịu, tính khí ít nói ít cười, nhưng lâu lâu bắt gặp anh cười nói vui vẻ với người này người kia. Vậy lý do ở chị, là chị không khiến anh vui.
Nhiều lần, chị thủ thỉ, nếu chuyện gì khiến anh không hài lòng, anh có thể nói một câu để chị biết. Cái này không được, cái kia không ổn, lần sau chị sẽ tránh. Đằng này, mỗi ngày, anh nói với chị không quá ba câu, chủ yếu chị hỏi, anh trả lời, có hay không, ậm ừ và lắc đầu. Nhìn vợ chồng người ta sớm hôm thủ thỉ chuyện trò chị phát thèm. Đôi khi, chị còn thèm chửi nhau tanh bành với chồng, chửi nhau bằng lời, cho đã. Cứ im lặng mà đoán ý tứ, đoán cảm xúc thế này chị mệt mỏi lắm.
Có nhiều khi chị cảm giác mình là kẻ thù của chồng, là cái gai trong mắt khiến chồng khó chịu. Ra đường vui vẻ với ai không biết, về nhà với vợ anh cứ mang gương mặt cau có, bực bội, mắt trừng, mày nhăn. Chẳng thà anh quát tháo rõ ràng để chị hay, đằng này anh cứ im lặng và diễn vai khó chịu từ ngày này qua ngày khác. Người ta sinh ra ngôn ngữ, lời nói để có thể giải quyết những khúc mắc, để bộc lộ nỗi lòng, để gần nhau và hiểu thấu tâm can nhau, dù lời nói ấy dễ nghe hay khó nghe.
Ảnh mang tính minh họa – Lifestylememory |
Có chuyện gì của anh, chị luôn nghe được từ người khác. Chẳng bao giờ anh hé miệng chia sẻ, kể lể với vợ một lời.
Anh chăm chỉ, ham làm, việc gì cũng giỏi giang, tháo vát, từ sửa điện nước trong nhà đến nấu ăn, quét dọn. Anh biết kiếm tiền nhưng kiếm được bao nhiêu thì chị không rõ. Vợ chồng chị tiền ai nấy tiêu. Anh khư khư giữ tiền cho mình, chưa bao giờ có khái niệm đưa lương vợ cầm.
Vợ chồng ngấm ngầm quy định, anh lo chuyện học hành con cái, lo hiếu hỉ, ma chay. Còn chị lo chi phí sinh hoạt, ăn uống trong nhà. Nếu không có hai đứa con, chị nghĩ mình và chồng như người sống chung nhà theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.
Ngày trước, mẹ chị hay bảo đàn ông nhà khác rượu chè, cờ bạc, gái gú, đằng này chồng chị chỉ ham làm ăn, lại không chửi mắng đánh đập vợ con vậy là được rồi, đòi hỏi gì nữa. Mỗi lần bực bội, nghĩ đến lời của mẹ, thấy con cái còn nhỏ, chị lại tự nhủ ừ thôi, mỗi người mỗi tật. Xem như chồng mình có tật “không chịu nói” và ki bo, ngoại trừ những điểm đó ra thì anh ấy cũng tốt. Suy nghĩ ấy giúp chị đi qua mười mấy năm hôn nhân căng thẳng cùng anh.
Thế nhưng, thời gian gần đây, khi dần có tuổi, chị thấy mình ngày càng khó chịu đựng cái nết im ỉm của chồng. Chị thèm anh hỏi han, nói với chị một câu dịu dàng, ý tứ. Mới hôm trước, chị lo việc đám giỗ mệt phờ người, anh không động viên chị thì thôi, còn tỏ ra lạnh lùng với chị trước mặt họ hàng. Chị bực bội với chính mình, bởi ngay từ đầu, mình cho người ta cơ hội để làm thế.
Mười mấy năm, tưởng đã quen với không khí này nhưng hóa ra chỉ là sự chịu đựng. Như một chiếc lò xo nén lâu ngày, lúc này, chị muốn bật tung. Chị chìa đơn ly hôn, anh không chịu ký. Chị đơn phương gửi đơn lên tòa.
Ảnh mang tính minh họa – JCOMP |
Anh cứ nghĩ chị bực bội như mọi lần rồi sẽ tự hết. Cho đến khi có giấy triệu tập của tòa án về việc chị gửi đơn ly hôn, anh hốt hoảng hỏi chị lý do. Anh sững người khi chị nói rằng anh không chia sẻ, không chuyện trò với vợ. Rằng anh luôn có thái độ bất mãn, không hài lòng khiến chị căng thẳng, mệt mỏi. Anh hốt hoảng xin lỗi, bảo sẽ thay đổi, hãy cho anh cơ hội, từ nay anh không thế nữa.
Chị không cần đợi lâu. Sáng hôm sau, chị nghe giọng anh: “Đi ăn sáng không…”. Nghe gượng gạo lắm. Thôi kệ, chị hưởng ứng: “Chờ em chút…”.
Một tháng sau, ông chồng mở miệng nhiều hơn. Hóa ra, muốn nghe chồng nói, bà vợ phải vùng lên mạnh mẽ, làm cuộc cách mạng, ông chồng mới… phát biểu.
Diệu Ái
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/song-gio-vi-cai-tat-lam-thinh-a1471093.html” name=””]