Mâm cơm nào chị Chúc Lan nấu cho mẹ chồng và em chồng đều rất ngon và hấp dẫn, đầy ắp món.
Là người đảm đang khéo léo nên dù bận bịu công việc của tiệm thêu tại nhà nhưng chị Chúc Lan (32 tuổi) vẫn vào bếp nấu ăn hàng ngày cho gia đình, trong đó có cả mẹ chồng và em chồng. Chị tâm sự, mình đã sinh sống tại Nhật 7 năm, kết hôn được 4 năm. Thời gian gắn bó với xứ sở mặt trời mọc đủ dài để chị hiểu và yêu thích nền ẩm thực nước này. Hơn thế, nấu ăn chính là sở thích của chị nên dù mỗi ngày phải vào bếp nhiều lần song chị đều cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái.
“Mình vào bếp nấu ăn mỗi ngày. Sáng thức dậy làm bữa sáng và cơm hộp cho chồng mang đi làm và chừa lại 1 phần để mình ăn trưa. Riêng bữa cơm trưa thứ 6 hàng tuần mình nấu riêng để mời mẹ chồng qua nhà mình ăn với mình. Đó là khoảng thời gian để mình và mẹ nói chuyện, chia sẻ, tâm sự… nhiều nhất trong một tuần”, Chị Chúc Lan cho biết.
Chị Chúc Lan (mặc váy cưới) với gia đình nhà chồng.
Dù ở 2 nhà khác nhau nhưng vì rất thương mẹ chồng có bệnh nên vào mỗi bữa tối, 9X lại vừa nấu cơm cho hai vợ chồng và làm thêm một bữa riêng rồi mang sang cho mẹ chồng và 1 em chồng (trước đây là 2 em chồng) thưởng thức. Chị lý giải thêm, mẹ chồng mình đang có vấn đề về sức khỏe cần phải uống thuốc đúng giờ và dài hạn. Nếu đợi em chồng về nấu bà sẽ không kịp giờ để uống thuốc. Vì thế, nàng dâu đảm đã quyết tâm thay em và ông xã chăm mẹ chồng qua những bữa cơm nóng hổi, đầy ắp món ngon.
Chị Chúc Lan chia sẻ, bản thân là người hướng nội, thích các công việc mang nữ công gia chánh như nấu ăn, đan móc, thêu thùa, trang trí nhà cửa… Mặc dù thích nấu ăn nhưng 9X khẳng định mình chỉ mới tập trung học hỏi và thực hành từ khi kết hôn với ông xã đến giờ.
Cô vợ đảm bật mí, chị học nấu ăn thông qua các hội nhóm chuyên về ẩm thực, các kênh hướng dẫn nấu ăn trên youtube, instagram, facebook… Nấu ăn không chỉ là trách nhiệm, sở thích mà thông qua từng bữa ăn, chị Chúc Lan còn muốn thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của mình tới những người thân yêu.
Có lẽ vì làm nhiều quen tay nên dù nấu ăn cho 2 nhà khác nhau nhưng mỗi bữa như vậy, tổng thời gian chế biến chị chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút. Trừ hôm nào chị làm thêm bánh tráng miệng thì thời gian có thể lên tới hơn 2 giờ.
“Mình không lên chi phí cho từng bữa mà chỉ tính chi phí cho từng tuần. Mỗi tuần dao động từ 2-2 triệu 4 tiền Việt trong đó bữa sáng chỉ gồm salad thịt xông khói, yogurt nhà làm ăn kèm trái cây tươi, cơm natto và 1 ly sữa. Cơm trưa thì chỉ có phần ăn của 2 vợ chồng mình còn cơm tối là của 4- 5 người”, chị Lan nói thêm.
Làm dâu nhiều năm nên 9X hiểu rấy rõ khẩu vị của gia đình nhà chồng. Mọi người đều không ăn được cay, cứng, các loại rau gia vị Việt Nam (trừ hành lá), nước mắm sống… vì vậy mà khi vào bếp, chị luôn đảm bảo tiêu chí sao cho phù hợp với sở thích của tất cả mọi người.
“Trong mâm cơm của mình sẽ không có ớt, tiêu cũng rất ít, chỉ có hành lá mà không có ngò rí/ ngò ôm/ngò gai/húng quế… như nguyên bản. Những món cần ăn kèm nước mắm chẳng hạn như bánh xèo, bánh bột lọc, cơm tấm… thì mình thay bằng tsuyu (1 loại nước chan của Nhật). Trái cây cũng phải chọn loại mềm, không hạt, không chua”, 9X nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khi nấu ăn, chị Chúc Lan còn chú trọng nấu các món có nhiều rau, món mới lạ, bắt mắt… để kích thích vị giác và thị giác của người già. 100% nguyên liệu chị đều mua ở các siêu thị Nhật nên rất yên tâm về nguồn gốc và độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do chiều theo sở thích gia đình nhà chồng nên các món xuất hiện trên bàn ăn nhà chị Lan thường được xen kẽ 50/50 giữa ẩm thực Việt và Nhật. Tuy nhiên món Việt cũng không thuần Việt 100% vì chị còn chế biến theo khẩu vị của các thành viên trong nhà.
Ngoài ra, để bữa cơm hấp dẫn hơn, chị còn thường xuyên thay đổi và làm mới thực đơn. Có khi 2-3 tuần nhà chị mới bị lặp lại một món. Để làm được điều này, chị Lan “bắt trend” rất giỏi, thường xuyên cập nhật và tìm hiểu những món mới lạ. Có lẽ vì vậy mà chị phải khẳng định bản thân mất nhiều thời gian trong việc học hỏi tìm tòi món mới hơn là chế biến.
“Ở Nhật có 4 mùa rõ rệt là Xuân – Hạ – Thu – Đông. Mỗi mùa thời tiết và đặc sản sẽ khác nhau. Mình quan tâm đến việc chế biến các món theo mùa, theo đặc sản riêng của mùa đó. Ngoài ra, mình còn thay đổi món ăn theo nhiệt độ. Chẳng hạn mùa hè mình tập trung chế biến các món thanh mát, chua nhẹ dễ tiêu như bún lạnh, mì lạnh, các món nộm chua, rau củ ngâm lạnh… Mùa đông sẽ là các món lẩu ấm nóng giúp làm ấm cơ thể như lẩu kim chi/ lẩu lòng bò/ lẩu bò sukiyaki/ lẩu shabu shabu/ oden… cùng các món nướng như khoai lang nướng phô mai, glatin…”, Chị Lan tiết lộ.
Nhờ bàn tay đảm đang, tỉ mỉ lại biết quan tâm, chăm sóc người thân mà mẹ chồng và em chồng luôn khen các món chị nấu. Mọi người thường nói “ngon xuất sắc, ngon xỉu”. Không chỉ thế, mẹ chồng 9X còn thường xuyên cảm ơn chị đã trở thành con dâu của mình.
Câu nói của mẹ chồng khiến nàng dâu Việt phải ấn tượng nhất là “Cảm ơn vì con đã đến đây để làm con gái lớn của mẹ. Giờ đây mẹ đã hiểu tại sao Aki (chồng chị) mãi mà không đổ gục trước ai, là bởi vì nó chờ đợi một người như con, và người như con đúng là lần đầu mẹ gặp. Ăn cơm con nấu mẹ không có nhu cầu đi ăn tiệm nữa, có khi đi ăn tiệm cũng không vừa lòng được như con nấu. Mẹ quá là tự hào với những gì con làm. Nhắc đến con với bạn bè là điều mẹ làm mãi không biết chán. Mẹ luôn đi ngủ trong sự hạnh phúc sau mỗi bữa cơm mà con nấu. Mẹ luôn biết ơn vì con đã ở đây và luôn cầu mong những điều tốt đẹp dành cho con”.
Theo chị Chúc Lan, những bữa cơm hay mọi việc chị làm cho mẹ chồng không chỉ là cách bản thân bày tỏ tình cảm, biết ơn bà luôn coi mình như con gái. Đó còn là cách để chị muốn mẹ chồng biết phụ nữ Việt Nam luôn hiếu thảo, chăm chỉ, khéo léo, tử tế. Có lẽ vì ấn tượng với nàng dâu cả quá tốt đẹp và sâu sắc mà em chồng của chị, con trai thứ 2 của mẹ cũng đã bà cho đi làm rể Việt Nam.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/o-rieng-nhung-ngay-nao-cung-nau-com-mang-cho-me-chong-dau-viet-duoc-khen-nuc-no-c59a7630.html” alt_src=”https://eva.vn/cac-mam-com-hot-mxh/o-rieng-nhung-ngay-nao-cung-nau-com-mang-cho-me-chong-dau-viet-duoc-khen-nuc-no-c392a525188.html” name=””]