Sốt xuất huyết ở trẻ em có nguy hiểm không? Không ít phụ huynh chủ quan trẻ bị mắc sốt xuất huyết do giai đoạn đầu của bệnh, trẻ thường chỉ sốt , đến khi bệnh đã trở nặng và nguy hiểm, trẻ mới được đưa đến bệnh viện.
Sốt xuất huyết ở trẻ em là gì?
Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn Aedes Aegypti mang virus Dengue gây nên. Những con muỗi cái sau khi mang mầm bệnh và đốt người sẽ làm cho cơ thể người bị đốt cũng mang virus Dengue.
Sốt xuất huyết ở trẻ em rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Khoảng từ 4-6 ngày sau khi bị muỗi vằn đốt, người bệnh mới bắt đầu phát bệnh và có biểu hiện sốt cao liên tục, dưới da xuất hiện những đốm xuất huyết có màu đỏ nên được gọi là sốt xuất huyết.
Căn bệnh này rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch do muỗi vằn là trung gian truyền bệnh. Muỗi đốt người đã bị nhiễm virus Dengue rồi lại đốt sang người lành và truyền bệnh.
Hình ảnh trẻ bị sốt xuất huyết
Ở giai đoạn đầu khi mới bị sốt xuất huyết, cha mẹ thường nhầm tưởng bé bị sốt phát ban hoặc viêm da do những chấm xuất huyết chưa thực sự rõ ràng. Do đó, cần phải theo dõi các biểu hiện của bệnh để chẩn đoán về việc bé có bị sốt xuất huyết hay không.
Một số hình ảnh sốt xuất huyết ở trẻ em. (Ảnh minh họa)
Sốt xuất huyết ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em được đánh giá là nặng hơn so với người lớn bởi có khả năng rơi vào trạng thái sốc và tái sốc hơn người lớn.
Còn đối với người lớn, khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, có biểu hiện khác lạ thì sẽ tới bệnh viện kiểm tra ngay nên ít khi gặp trường hợp nặng. Nếu người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết, biến chứng thường hay gặp nhất là giảm tiểu cầu (chảy máu), còn với trẻ em, biến chứng thường hay gặp nhất là tình trạng bị sốc. Do bị sốc nên trẻ có nguy cơ bị suy nội tạng dẫn đến tử vong.
Thêm vào đó, nhiều phụ huynh thường tự ý điều trị bệnh cho bé tại nhà nên khi trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết, việc điều trị sai cách cũng khiến trẻ có nguy cơ bị xuất huyết đường tiêu hóa.
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Dưới đây là các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em, đồng thời cũng là cách phát hiện sốt xuất huyết tại nhà thường hay gặp nhất:
– Trẻ em thường khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột, trước đó, trẻ sẽ hoàn toàn khỏe mạnh, thời gian sốt khoảng từ 2-7 ngày, kèm theo các biểu hiện như mặt đỏ bừng, da sưng huyết, cảm thấy đau nhức cơ, đau nhức khớp, đau đầu.
– Một số trường hợp trẻ có kèm theo viêm kết mạc mắt, đau họng, buồn nôn và nôn, mệt mỏi. Vào thời điểm này, những triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu và không phân biệt với nhiễm các loại virus khác.
Triệu chứng sốt xuất huyết thường được thể hiện khá rõ ràng. (Ảnh minh họa)
– Tiếp theo, trẻ sẽ xuất hiện những dấu hiệu như chấm xuất huyết (hay còn được gọi là petechiae – những chấm đỏ không biến mất khi ấn vào) thường tại cẳng chân, cẳng tay, ngực, nách và thắt lưng. Với nữ tuổi dậy thì, có thể xuất huyết tại âm đạo.
– Những triệu chứng xuất huyết ở trẻ em này thường ít xảy ra vào những ngày đầu. Gan có thể sẽ to sau một vài ngày. Nếu xét nghiệm công thức máu ở thời điểm này sẽ cho kết quả giảm bạch cầu, chứng tỏ bị sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết ở trẻ em kéo dài bao lâu?
Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em kéo dài từ 4-7 ngày, có thể là 14 ngày sau khi bị muỗi vằn mang virus dengue đốt. Bắt đầu từ ngày thứ 3-7 của bệnh, trẻ sẽ giảm sốt hẳn hoặc hết sốt hẳn và sau giai đoạn này 48-72 giờ trẻ sẽ có các biểu hiện phục hồi dần dần như tỉnh táo, ăn ngon miệng, tiểu nhiều…
Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần phải hết sức lưu ý, một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu trở nặng, những trường hợp này cần cho trẻ nhập viện ngay để điều trị tích cực hơn.
Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Sự khởi phát của bệnh sốt xuất huyết thường khá đột ngột và diễn biến nhanh, trải qua ba giai đoạn gồm: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
– Giai đoạn sốt: Trẻ bị sốt cao liên tục, bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn sẽ cảm thấy chán ăn, đau đầu, buồn nôn, da xung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, đau cơ khớp, nhức ở 2 hốc mắt. Kết quả xét nghiệm máu lúc này thường không rõ ràng.
– Giai đoạn nguy hiểm: Thường từ ngày thứ 3-7 sau khi mắc bệnh, sốt có thể đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu đưa trẻ đi khám có thể nhận thấy trẻ bị tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, gan to bất thường, mi mắt phù nề.
Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Ở giai đoạn này, nếu xét nghiệm máu sẽ thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mmm3, trường hợp nặng, bé có thể bị rối loạn đông máu và rơi vào trạng thái nguy kịch.
– Giai đoạn phục hồi: Sau khoảng 2-3 ngày, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, cảm thấy thèm ăn, huyết áp rôn định và đi tiểu nhiều hơn, xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh.
Chăm sóc khi trẻ bị sốt xuất huyết
– Thực hiện cho trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn, có người thường xuyên chăm sóc.
– Luôn luôn theo dõi thân nhiệt của trẻ, nếu trẻ sốt cao, hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol dạng dịch truyền hoặc dạng viên. Hàm lượng và liều lượng dùng thuốc sẽ phụ thuộc theo độ tuổi, cân nặng của bé.
Ngay khi trẻ vừa hết sốt và bước sang ngày thứ 3 khởi phát bệnh, gia đình cần phải cẩn trọng hơn bởi đây mới là giai đoạn nguy hiểm, cơ thể trẻ có thể dễ bị sốc và trở nặng hơn.
– Thực hiện tăng thêm lượng nước uống hơn so với bình thường để giúp bù nước nếu cơ thể sốt cao. Trẻ cần phải được uống nước điện giải oresol cùng với các loại nước trái cây giàu vitamin C, nước lọc giúp tăng sức bền của thành mạch và giảm tình trạng bị xuất huyết.
– Thực hiện cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày. Xay hoặc nghiền các loại thức ăn ở dạng mềm, lỏng, mát giúp trẻ dễ nuốt và dễ tiêu hóa.
– Không nên tự ý thực hiện các biện pháp hạ sốt dân gian như giác hơi, cạo gió hoặc cho trẻ truyền dịch tại nhà, tại cơ sở y tế không uy tín.
Chăm sóc và theo dõi trẻ em khi bị sốt xuất huyết là rất quan trọng. (Ảnh minh họa)
Biện pháp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em
Do sốt xuất huyết là bệnh được gây ra bởi virus nên hiện chưa có thuốc điều trị cụ thể sốt xuất huyết ở trẻ em. Biện pháp điều trị chính vẫn là giảm các triệu chứng của bệnh. Đối với trẻ nhỏ khi bị sốt xuất huyết nếu được nhập viện, theo dõi và điều trị kịp thời, mức độ nguy hiểm của bệnh có thể giảm đến mức thấp nhất. Chỉ khi trẻ bị mất nước kéo dài do sốt cao mới khiến bệnh nặng hơn và gây tử vong.
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc nếu không có sự chỉ định của thầy thuốc. Những loại thuốc hạ sốt, giảm đau có chứa thành phần Aspirin và Ibuprofen có thể làm cho tình trạng xuất huyết nặng thêm, đặc biệt là xuất huyết đường tiêu hóa với bệnh nhân sốt xuất huyết.
Hiện nay, tại một số nước phát triển đang bắt đầu triển khai tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Mặc dù vậy, loại vắc-xin này hiện vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Vì thế, các gia đình vẫn nên phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Muỗi vằn là một trong những tác nhân gây truyền bệnh. Do vậy, muốn phòng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, cha mẹ cần cho bé ngủ trong màn (mùng), tránh xung quanh nhà có các vật dụng đọng nước, thả cá ở trong lu nước để diệt lăng quăng. Ngoài ra, phụ huynh nên chủ động liên hệ với các cơ quan y tế địa phương để phun thuốc diệt muỗi nếu như thấy cần thiết.
Mẹ cần phải lưu ý, sốt xuất huyết ở trẻ em là một trong những căn bệnh rất thường gặp, đặc biệt là khi có ổ dịch hoặc dịch xuất hiện tại nơi mình sinh sống, mẹ càng phải chú ý hơn để tránh nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên cập nhật tình hình lây nhiễm cũng như quan sát tình trạng của các bé hàng ngày để sớm phát hiện các dấu hiệu, triệu chứng.
[yeni-source src=”https://phununews.nguoiduatin.vn/sot-xuat-huyet-o-tre-em-co-nguy-hiem-khong-a566565.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con/sot-xuat-huyet-o-tre-em-co-nguy-hiem-khong-c13a518234.html” name=””]