Trong phần 5 của bộ phim tài liệu do Netflix sản xuất, những tội ác man rợ của một thủ lĩnh dị giáo phái Hàn Quốc đã bị phơi bày ra ánh sáng.
Những ngày gần đây, bộ phim “In The Name Of God: A Holy Betrayal” (Tạm dịch: “Nhân Danh Thần Linh: Sự Phản Bội Thiêng Liêng“) của Netflix đang thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Bởi, nó vạch trần góc khuất đáng sợ của một vài tà giáo ở xứ sở kim chi. Chúng nhân danh tình yêu, chính nghĩa, lẽ phải nhưng thực chất lại bóc lột, lạm dụng, thậm chí “tẩy não” nạn nhân khiến người ta phải sống khổ hạnh mà ảo tưởng sức mạnh ngỡ mình đang được ở trong thế giới thần tiên.
Trong đó, người ta không khỏi bức xúc với nữ giáo chủ Kim Ki-soon và giáo phái Baby Garden (Khu vườn Trẻ thơ). Đặc biệt, khi biết Kim Ki-soon chính là chủ tịch Synnara Record – nền tảng bán hàng nổi tiếng chuyên cung cấp các album nhạc K-Pop Hàn Quốc.
Thiên đường nơi hạ giới?
Tập phim thứ 5 của loạt phim phát sóng trên Netflix, mang tựa đề “Khu vườn trẻ thơ: Trên đường tới thiên đường”, đã vạch trần tội ác của ả Kim Ki-Soon. Từ đầu đến cuối, những hành vi của Kim khiến người ta phải “sởn da gà”, thốt lên kinh hãi “ác quỷ” để rồi nhận ra khi đặt niềm tin nhầm chỗ, người ta sẽ phải trả giá đắt như thế nào.
Kim Ki-soon có tuổi thơ không hoàn hảo khi phải mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lớn lên, cô ta kết hôn với con trai của một mục sư, và đó có lẽ là lý do tại sao Kim nhận ra sức mạnh của niềm tin mù quáng.
Hình ảnh Kim Ki-Soon.
Kim Ki-Soon là học trò ưu tú của mục sư Lee Kyo-Bu, thậm chí được coi là “cánh tay phải đắc lực” hỗ trợ ông này trong mọi việc lớn nhỏ. Năm 1982, Lee bị tống vào tù vì tội hành hung một số người, Kim ngay lập tức chớp thời cơ thành lập đế chế của riêng mình.
Cô ta tiếp quản giáo phái thay Lee và đổi tên thành Baby Garden (Khu vườn trẻ thơ) có trụ sở tại Incheon (Hàn Quốc). Trời phú cho tài ăn nói, Kim nhanh chóng chiếm được niềm tin của nhiều người và chẳng mấy chốc, cô ta đã trở thành một nhân vật nổi tiếng thậm chí còn hơn cả Lee trước đó.
Khi đã lôi kéo được đông đảo tín đồ theo mình, nguyện sống chết vì mình, Kim bắt đầu kế hoạch xây dựng đế chế mà ả tự miêu tả là “không kém gì thiên đường trên Trái đất”. Kim bắt các tín đồ làm việc cho mình cả ngày lẫn đêm và đối xử với họ như những tên khổ sai, nô lệ, không hơn không kém. Đến nỗi mà, toàn bộ công trình xây dựng bên trong “Khu vườn trẻ thơ” đều do công sức của các tín đồ giáo phái mà không cần bất kỳ lực lượng trợ giúp nào từ thế giới bên ngoài. Người ta coi Kim là tái sinh của đấng trên cao và chấp nhận phục dịch như một cách để có được cuộc sống vĩnh cửu và viên mãn.
Cũng giống như bất kỳ thủ lĩnh giáo phái lừa đảo khác, Kim có những quy tắc vô lý và độc tài buộc tất cả mọi người phải tuân theo, ngoại trừ cô ta. Trong đó, tất cả mọi người bị cấm yêu đương trai gái vì đó là hành vi tội lỗi. Nếu một cô gái bị phát hiện có bất kỳ mối quan hệ lãng mạn nào với một chàng trai, cả 2 đều phải gánh chịu hậu quả của việc không tuân theo mệnh lệnh của thủ lĩnh giáo phái.
Nhưng ngược lại, chính Kim Ki-soon lại chọn những chàng trai trẻ, khỏe, đẹp và bắt họ phải phục vụ mình. Còn nạn nhân thì không lên tiếng phản đối mang niềm tin rằng làm như vậy là giáo chủ đang “ban phước lành” cho mình. Vậy nên, tất cả đều lựa chọn im lặng, ngay cả khi họ cảm thấy sợ hãi cô ta.
Kim Ki-soon đối xử với các tín đồ của mình như nô lệ theo đúng nghĩa đen và gọi đó là kỹ năng “tẩy não”. Những người bên ngoài chỉ có thể tò mò kinh ngạc, không hiểu nổi làm thế nào mà người phụ nữ này lại có thể khiến một người vợ quay lưng lại với chồng mình hoặc một người mẹ sẵn sàng bỏ mặc con gái để đi theo tà giáo.
Kim Ki-soon đặt ra quy định rằng mọi đứa trẻ phải gọi cha mẹ mình là Ngài và Bà, và thật kỳ lạ, không một người nào phản đối quy tắc lố bịch ấy. Tầm ảnh hưởng của Kim Ki-soon là tối quan trọng. Cho dù những lời dạy của cô ta có ngu ngốc hay vô lý đến đâu, thì cũng không một ai dám đặt câu hỏi về tính hợp pháp về mặt đạo đức hay pháp lý.
Sự sùng bái Kim đã đạt đến một cấp độ ngoài sức tưởng tượng khi mà nhiều người từ khắp Hàn Quốc đã đến với cô ta để tìm kiếm “thiên đường trên Trái đất”. Họ nguyện cống nạp hết tất cả tài sản và chính bản thân mình.
Tội ác tày trời
Hãy thử tưởng tượng một đứa trẻ 5 tuổi quằn quại trong đau đớn vì bị những người xung quanh vu cho rằng nó bị quỷ chiếm hữu. Và cách duy nhất để giải thoát khỏi tà linh là khiến đứa trẻ chảy máu. Đó là đau đớn mà cậu bé Choi Nak-Gwi phải chịu đựng, chỉ vì em muốn gặp mẹ mà không được.
Kim Ki-Soon bắt nhốt Nak-Gwi vào chuồng lợn và ra lệnh cho các tín đồ khác ép cậu bé phải ăn chất thải. Điều đau lòng hơn cả, chính mẹ Nak-Gwi, Sun Yeong-Re, và dì, Sun Bok-Re, là 2 trong những thủ phạm đã đánh đập cậu bé không thương tiếc vì những tội mà em không làm.
Chân dung nạn nhân là cậu bé Nak-Gwi.
Trong bộ phim của Netflix “Nhân danh Chúa: Sự phản bội thánh thiện”, đạo diễn đã sử dụng ma-nơ-canh vào vai Nak-Gwi nhằm tái hiện lại cảnh tượng năm ấy, nhưng nó cũng khiến người xem như bị cứa vào lòng.
Kim Ki-Soon biết rằng con trai mình say mê một cô gái tên Kang Mi-Gyeong, người từng làm giúp việc trong nhà của họ. Ả đã ra tay sát hại Kang Mi-Gyeong và bôi nhọ danh dự của cô gái với các tín đồ khác.
Thủ lĩnh giáo phái “Baby Garden” đã coi việc giết người là “chuyện bình thường”, vì cô ta có một thế giới của riêng mình bên trong khu nhà rộng lớn ấy và biết rõ rằng những gì xảy ra bên trong không bao giờ lọt vào tầm ngắm của chính quyền. Và cho dù hành động của cô ta sai trái trắng trợn đến đâu, cô ta vẫn tìm ra một triết lý vặn vẹo nào đó để dỗ dụ các tín đồ, khiến họ nhận ra rằng bất cứ điều gì cô ta đang làm đều phù hợp.
Khi các cơ quan thực thi pháp luật Hàn Quốc biết được những gì đang xảy ra bên trong “Baby Garden”, 50 điều tra viên đã đến tìm Kim Ki-Soon. Cô ta biết trước nên đã trốn thoát khỏi khu nhà với sự giúp đỡ của cố vấn Lee Soon-bok.
Một thời gian sau, cảnh sát đã tìm thấy gã thanh niên, người giúp Kim chôn cất thi thể của bé Choi Nak-Gwi và cô gái trẻ Kang Mi-Gyeong. Anh chàng này đồng ý đứng ra làm chứng chống lại thủ lĩnh giáo phái “Baby Garden”.
Năm 1996, việc khai quật các thi thể bắt đầu, nhưng chính quyền không tìm thấy gì. Tất cả những gì họ có là lời khai của một số thành viên cũ của giáo phái và những người còn sống, tuy nhiên, cuối năm đó, Kim Ki-soon tự giác ra đầu thú.
Kim không chỉ là kẻ đạo đức giả, nhà độc tài nhẫn tâm mà còn là kẻ đầy mưu mô. Cô ta biết rằng lợi thế đang nghiêng về phía mình, nên quyết định ra đầu thú. Trước phiên tòa, có cuộc họp bí mật được tổ chức tại một trong những khách sạn nơi Kim Ki-Soon gặp mẹ Choi Nak-Gwi, và không ai biết cô ta đã làm cách nào mà thuyết phục được bà không đứng ra làm chứng chống lại mình trước tòa. Cô ta cũng mua chuộc người lái máy xúc Yoon Bang-Su và hứa sẽ cho một mảnh đất.
Mẹ Nak Gwi thừa nhận đã nói dối về cái chết của con trai bà trong quá trình làm tài liệu.
Để rồi các công tố viên không thể tin vào tai mình khi người lái máy xúc nói rằng anh ta đã bị chính họ ép buộc phải làm chứng chống lại thủ lĩnh giáo phái Kim Ki-soon. Còn mẹ nạn nhân, bà Sun Yeong-Re, nói rằng con trai mình chết vì đau tim.
Không có thi thể của người chết, bằng chứng cũng ít ỏi, Kim Ki-Soon dễ dàng thoát tội giết người. Cô ta chỉ phải thụ án 4 năm vì tội lừa đảo tài chính, và không bao giờ có bằng chứng nào chứng minh được rằng cô ta là kẻ đứng sau vụ giết người ở Baby Garden.
Kim Ki-soon (áo trắng ở giữa) trong ngày ra đầu thú.
Kim Ki-soon sau khi được trả tự do đã quay trở lại “vương quốc ngàn năm” của mình và không biết chuyện gì đã xảy ra với cô ta sau đó. Chỉ biết rằng cảnh sát Hàn Quốc không bao giờ có thể chứng minh tội ác tày trời của bà ta, mặc dù người ta đều biết chuyện gì đã xảy ra ở Baby Garden.
Làn sóng tẩy chay Synnara
Nếu là một người hâm mộ Kpop, bạn sẽ không thấy lạ lẫm khi nghe đến cái tên Synnara. Bởi nó là một trong những cửa hàng bán album (cả online lẫn offline) nổi tiếng tại Hàn Quốc. Doanh số album của các nghệ sĩ được bán ra từ Synnara sẽ được tính vào các bảng xếp hạng album lấy cơ sở dữ liệu từ cả Hanteo lẫn Gaon. Thế nên, bảng xếp hạng doanh số trên Synnara cũng được người hâm mộ quan tâm không kém bất kỳ hệ thống nào khác.
Synnara phát triển trên cả hệ thống online và offline. Với hình thức offline, Synnara có nhiều cửa hàng tại nhiều tỉnh thành ở Hàn Quốc để khách hàng dễ dàng tìm đến mua sắm, sở hữu các album và cả vật phẩm của các thần tượng yêu thích.
Còn trên Internet, Synnara có website chính thức để người yêu âm nhạc cả ở trong và ngoài Hàn Quốc đều có thể truy cập và mua các album. Đơn đặt hàng sẽ được giao đến tận nhà, tùy khoảng cách. Synnara còn được đánh giá là một trong những địa chỉ uy tín nhất, khi cập nhật nhanh nhất các sản phẩm album nhạc Hàn Quốc của tất cả các ca sĩ, nhóm nhạc ở xứ sở kim chi.
Sẽ có người đặt câu hỏi Synnara thì liên quan gì đến giáo phái này? Câu trả lời là có, thậm chí liên quan rất mật thiết. Bởi lẽ, Kim Ki-soon chính là chủ tịch Synnara Record.
Trở lại câu chuyện năm đó, khi “Baby Garden” mới được thành lập, Kim Ki-soon mua đất và tạo ra một khu phức hợp để tất cả các tín đồ cùng sinh sống và làm việc cống hiến cho giáo phái.
Giáo phái của bà ta cứ thế ngày càng phát triển, kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ việc bóc lột sức lao động của các thành viên, kể cả trẻ em. Từ đó, Kim dư sức mở một công ty thu âm lớn, thậm chí còn lập ra công ty phân phối album âm nhạc Synnara.
Sau khi quá khứ kinh khủng của chủ tịch Synnara Record – Kim Ki-soon – bị vạch trần trong bộ phim tài liệu của Netflix, người yêu âm nhạc đồng loạt tẩy chay Synnara Record. Hiện đang có làn sóng tẩy chay lan rộng khắp xứ sở kim chi và cả quốc tế kêu gọi mọi người ngừng mua album và vật phẩm K-Pop từ Synnara sau khi bộ phim của Netflix vạch trần sự thật đen tối về sự ra đời của thương hiệu này.
Nguồn: Cheatsheet, Dmtalkies
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/su-that-ve-giao-phai-khet-tieng-han-quoc-cua-ke-dung-sau-synnara-record-nan-nhan-bi-tay-nao-theo-cach-man-ro-song-kho-hanh-ma-ao-tuong-suc-manh-ghe-gom-20230310203712186.chn” name=””]