Nếu trước đây, hàng tồn kho hay vải vụn chỉ nằm yên một góc, lâu dần trở thành rác thải thời trang thì nay các nhà thiết kế đang tìm cách “cứu” chúng. Khái niệm thời trang “deadstock” ra đời.
Hàng tồn kho là nguồn chất liệu để các nhà thiết kế tái sáng tạo |
Không ngoa khi nói làng thời trang đang “phát cuồng” với những mệnh đề liên quan đến thời trang bền vững, thời trang thân thiện với môi trường. Bằng chứng là nhiều thương hiệu và ngay cả người sử dụng cũng dần ý thức trong việc sản xuất, mua sắm thời trang để giảm áp lực cho hệ sinh thái. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy ý thức của cộng đồng yêu thời trang nói chung.
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, không phải nhãn hàng nào khẳng định sản xuất thời trang bền vững cũng đảm bảo tính bền vững mà có khi đó chỉ là chiêu quảng bá trá hình. Do đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ càng hơn. Với thời trang “deadstock” cũng vậy, đây là hoạt động đáng hoan nghênh nhưng cũng cần soi xét kỹ lưỡng.
“Deadstock” là gì?
Nói một cách ngắn gọn, “deadstock” chỉ những sản phẩm tồn kho, bán không hết hoặc chưa đưa ra thị trường. Không chỉ quần áo hoàn thiện, “deadstock” còn bao gồm những nguyên vật liệu liên quan đến may mặc còn tồn như vải vóc, các phụ kiện đính kết trên quần áo.
Khái niệm này giống mà khác với định nghĩa về thời trang tái chế. Giống nhau ở chỗ các nhà thiết kế sẽ phải sáng tạo dựa trên nguồn chất liệu có sẵn và khác là một bên dùng nguyên liệu đã qua sử dụng, một bên dùng nguyên liệu còn mới nguyên.
Thời gian qua, nhiều nhà thiết kế tận dụng nguồn vải, nguyên phụ liệu này để làm thành những mẫu quần áo mới, đưa chúng trở lại cửa hàng tiếp tục chinh phục người mua, kéo dài vòng đời của sản phẩm ban đầu. Nếu tận dụng được nguồn vải tồn, nhiều thương hiệu giảm bớt được lượng rác thải thời trang ra môi trường. Điều đó cho thấy tầm nhìn và trách nhiệm của thương hiệu với hệ sinh thái chung.
Cần đẩy mạnh hơn
Những trang phục tận dụng sợi len cũ của nhà thiết kế Gabriela Hearst |
Các chuyên gia ước tính, mỗi năm có hơn 100 tỷ đơn vị quần áo được sản xuất. Đáng tiếc là không phải trang phục nào cũng được mặc đi, mặc lại. Từ lượng quần áo liên tục được sản xuất này, số sản phẩm thải ra thị trường hoặc không bán được là cực lớn. Tổ chức thu gom quần áo cũ, hỗ trợ các hoạt động cộng đồng Clothes Aid của Anh cho biết trung bình mỗi năm, sau khi chọn lọc lại, họ “gửi” hơn 300.000 tấn quần áo đến bãi rác. Ngành công nghiệp thời trang “góp” 10% lượng khí thải carbon trên toàn cầu, ngang với khí thải từ nông nghiệp.
Ở đây, thời trang “deadstock” không giúp giảm nhiều nguyên liệu đầu vào nhưng ít ra chúng làm giảm đáng kể lượng rác thải được đưa vào bãi chôn lấp, từ đó đóng góp một phần vào việc cùng ngành thời trang chung tay bảo vệ môi trường.
Nhiều năm qua, các nhà thiết kế chủ động sáng tạo trên nền những sản phẩm đã qua sử dụng, tìm cách tái chế, thêm thắt các chi tiết để tạo vòng đời mới. Ngoài ra, những người làm thời trang còn nghĩ ra các cách kết hợp độc đáo để giải bài toán rác thải thời trang.
Hãng thời trang non trẻ HRH được xem là một trong những thương hiệu cực kỳ sáng tạo với chất liệu cũ, hướng đến mục tiêu tạo ra thời trang bền vững. Gần nhất, HRH đã sử dụng chai nhựa tái chế để làm túi đeo chéo. Hãng thời trang Reformation cũng đã tận dụng các loại vải thừa, quần áo tồn kho để tiếp tục tạo ra dòng sản phẩm mới, “giải cứu” tối đa lượng hàng hóa ngủ yên trong kho mỗi mùa.
Nhà thiết kế Conner Ives, người được nhiều nghệ sĩ cá tính chọn hợp tác, có niềm yêu thích đặc biệt với việc sáng tạo dựa trên những gì có sẵn trong tủ đồ. Những chiếc áo thun chắp vá, những chiếc đầm phối độc nhất vô nhị làm nên thương hiệu của Conner Ives.
Nhìn thấy nhu cầu tìm kiếm nguồn nguyên liệu thừa của ngành thời trang để tái chế, Công ty Fabscrap có trụ sở tại Brooklyn, New York, Mỹ “nhảy” vào kinh doanh. Đơn vị này thu mua phế phẩm vải từ các thương hiệu, sau đó bán nguyên kiện hoặc cho đội ngũ sáng tạo làm mới rồi bán ngược ra thị trường cho nhóm khách hàng có nhu cầu. Fabscrap được cho là ăn nên, làm ra nhờ vào sự nhanh nhạy nắm bắt xu hướng của thị trường.
Không lo chất lượng, thẩm mỹ
Nếu vẫn đang lo ngại thời trang “tồn kho” không đủ độ lạ và đẹp, có lẽ bạn nên “cất” nỗi lo lắng ấy đi bởi những gì trên thị trường đang minh chứng điều ngược lại.
Sau thời gian tập trung xây dựng thương hiệu thời trang cho nam, hãng Priya đã bắt đầu lấn sân sang thời trang nữ với thương hiệu Ganni. Gần đây, Ganni cho ra mắt bộ sưu tập dựa trên nguồn nguyên liệu, phụ kiện tồn kho. “Quá trình lựa chọn nguyên vật liệu dựa trên những gì Ganni đang có sẵn về kiểu dáng lẫn loại vải. Sau đó, tôi chọn những chất liệu hay mẫu mã tạo được tiếng vang của hãng để sáng tạo nên bộ sưu tập mới” – nhà thiết kế Ahluwalia của Priya nói.
Theo Ahluwalia, dù luôn coi trọng tính bền vững của thời trang nhưng nếu gắn bó với xu hướng này, đoạn đường phía trước không dễ dàng. Ahluwalia cho biết số lượng vải có sẵn trong kho của hãng không nhiều. So với số lượng bán ra, nguồn vật liệu này chỉ chiếm phần tương đối. Do đó, với những bộ sưu tập dựa trên vải “tồn kho”, Ahluwalia mất nhiều giờ sáng tạo nhưng số lượng sản phẩm làm ra theo hướng này khá ít và kỳ công, dẫn đến giá thành cao, khó tiếp cận khách hàng.
Miu Miu hợp tác với Levi’s tạo ra vẻ đẹp mới cho trang phục |
Với thương hiệu Cecilie Bahnsen, khi tung ra bộ sưu tập làm từ những mảnh vải vụn còn sót lại tại xưởng, vì số lượng hạn chế, nhãn hàng mở dịch vụ đặt trước. Điều này đảm bảo từng mét vải cuối cùng được sử dụng hiệu quả và khách hàng cũng hiểu được trọn vẹn thông điệp nhãn hàng muốn gửi gắm thông qua sản phẩm.
Các tên tuổi lớn trong ngành thời trang cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Phần đông đang tìm cách tự làm mới sản phẩm tồn kho hay “bắt tay” với thương hiệu khác để tạo sự bùng nổ cho dòng sản phẩm “deadstock” như cách Valentino hợp tác với Levi’s trong việc cải tiến phom quần jeans cổ điển đã nổi tiếng từ những năm 1970. Họ tìm cách tạo ra những mảnh vá bắt mắt hơn, đưa vào hoa văn đặc trưng. Không chỉ Valentino, thương hiệu Miu Miu cũng đã công bố hợp tác với Levi’s để làm mới những chiếc quần jeans, áo khoác cổ điển.
Theo tạp chí Elle, chất liệu jeans, denim được người tiêu dùng ưa chuộng qua mọi thời kỳ. Do đó, dù có phần cũ kỹ về kiểu dáng thì với những người thích phong cách tối giản, những mẫu quần như Levi’s 501 (ra đời từ năm 1873) vẫn được nhiều người chọn mua. Đến nay, Miu Miu đã hợp tác cùng Levi’s để làm mới mẫu quần này, khởi tạo vòng đời mới sôi động hơn cho sản phẩm.
Không chỉ jeans, sợi len cũng là chất liệu được nhiều thương hiệu chọn để làm mới trong thời gian qua. Nhà thiết kế Gabriela Hearst của nhà mốt Chloé đã ra mắt bộ sưu tập thời trang từ những sợi len được tận dụng từ lượng quần áo có sẵn của thương hiệu. Sau bộ sưu tập của Gabriela Hearst, Chloé cũng vạch ra các mục tiêu sản xuất bền vững dự kiến đạt được trong năm 2025.
Chưa có số liệu cụ thể cho thấy thời trang “deadstock” đang góp phần quan trọng vào việc hạn chế rác thải thời trang, nhưng sự hưởng ứng từ người tiêu dùng và động thái thay đổi từ các thương hiệu là có. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hơn 50% người tiêu dùng nước Anh khẳng định họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho thời trang bền vững. Do đó, người tiêu dùng hy vọng các nhà thiết kế, các thương hiệu mạnh dạn sáng tạo hơn nữa với thời trang “deadstock”.
Khánh An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/su-troi-day-cua-thoi-trang-ton-kho-a1471365.html” name=””]