( Yeni ) – 5 tín hiệu thai nhi báo an và 2 tín hiệu cầu cứu. Mẹ cảm nhận thật kỹ để hiểu con đang ổn hay không nhé.
5 tín hiệu báo an toàn của thai nhi
1. Con thổi bong bóng, sủi bọt khí kêu ùng ục là bé đang “Chào mẹ”
Mẹ bầu có thể cảm nhận được cử động của con từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Từ tháng thứ 5 trở đi, đôi lúc mẹ sẽ cảm thấy bụng mình như đang sủi bọt, réo ùng ục hoặc có bong bóng hoặc cảm giác con đang bơi tung tăng, thở trong bụng mẹ. Thực tế đây là con đang nói chuyện với mẹ, gửi lời chào đầu đời đến mẹ, cũng là tín hiệu báo an của em bé.
2. Con chuyển động lướt nhẹ qua như cơn sóng, chứng tỏ con đang thoải mái
Thai nhi có rất nhiều kiểu chuyển động, có khi con cử động nhẹ nhàng, có lúc lại như “đá bóng” trong bụng mẹ. Ở giai đoạn cuối thai kỳ, khi mẹ sắp sinh, còn có thể thấy trực tiếp con lướt nhẹ qua trên bụng mẹ. Hoạt động này chứng tỏ con rất thoải mái và vẫn đang phát triển tốt.
3. Thai nhi nảy lên trong bụng mẹ, đừng lo con chỉ nấc cụt thôi
Nhiều mẹ đã giật mình vào lần đầu tiên con nấc trong bụng. Vì các mẹ nghĩ con là thai nhi, đa phần là ngủ hoặc xoay người thôi. Nhưng không, con ở trong đó cũng lắm trò, y như một đứa trẻ ngoài đời. Con cũng có giờ ăn, ngủ, giờ chơi và tất nhiên có nấc cụt.
Cho nên mẹ có thấy con nảy lên, tưng tưng trong bụng mẹ, bụng đập liên hồi như nhịp tim thì đừng vội hoảng nha, có thể là con đang bị “nấc cụt” mà thôi.
4. Bụng mẹ nhô lên, xẹp xuống bất thường
Nhiều khi nhìn chiếc bụng tròn cứ nhô lên xong méo bên trái, lệch bên phải khiến các mẹ hú hồn. Có khi nó méo mó, biến dạng nhìn chẳng ra hình thù gì. Chứ chẳng phải lúc nào cũng tròn vo đẹp đẽ như trên hình chụp đâu ạ. Tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu cho thấy con khỏe mạnh.
Vì khỏe mạnh nên con hoạt động nhiều, hoạt bát từ trong bụng mẹ. Con có thể vươn vai, lật người, nằm nghiêng, xoay ngang. Các mẹ coi đó, đã tới ở ké còn phá nhà phá cửa, làm bụng mẹ bị méo, đợi con tòi ra thì chắc phải vỗ cho mấy cái.
5. Thai nhi cử động thường xuyên, con đang tập võ đó mẹ
Đến tam cá nguyệt thứ 3, con bắt đầu cử động thường xuyên hơn, cũng thúc đạp mạnh hơn. Có khi con liên tục di chuyển từ 1, 2 phút không nghỉ. Nhiều lúc còn phải năn nỉ con yên tí cho mẹ ngủ chứ cứ luyện võ, đá banh trong bụng mẹ suốt. Đây là tín hiệu tốt lành đó mẹ, chứng tỏ con rất năng động, phát triển tốt toàn diện.
2 tín hiệu thai nhi đang cầu cứu mẹ
1. Chuyển động của thai nhi rất mạnh và gây đau bụng mẹ dữ dội
Bên cạnh những tín hiệu thai nhi báo an, mẹ cũng cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường. Con có thể cầu cứu mẹ bằng những cử động không bình thường. Trường hợp mẹ bầu thấy con tự nhiên quẫy dữ dội, đột ngột mạnh và nhanh thì có thể con bị dây rốn quấn. Mẹ cần đi bác sĩ kiểm tra ngay.
2. Cử động thai giảm dần, thậm chí biến mất, mẹ hãy lưu ý: Có thể con bị ngạt
3 tháng cuối, nhất là lúc gần sinh, bụng mẹ sẽ khá chật chội nhưng không có nghĩa con nằm im ru trong đó đâu nha mẹ. Chỉ là làm giảm cử động, hạn chế hoạt động thôi chứ nếu con ngưng hẳn, lâu quá không thấy nhúc nhích gì thì hãy nên cẩn thận nhé mẹ!
Đặc biệt nếu mẹ thấy cử động con giảm nhanh, biến mất dần hoặc tĩnh lặng quá lâu, có thể con đã bị thiếu oxy, nguy cơ ngạt rất cao. Một số mẹ do không chú ý, còn có thể bị khô ối trước ngày dự sinh. Do đó, việc đi khám thường xuyên cách tuần một lần ngay gần dự sinh là cực kỳ cần thiết.
Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu nên khám thai bao nhiêu lần?
Tùy vào sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ, mẹ bầu cần khám thai theo những cột mốc quan trọng hoặc theo chỉ định của bác sỹ. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong suốt thai kỳ, mẹ bầu sẽ có 8 lần khám thai (từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 37). Mẹ bầuđừng quên các mốc khám thai dưới đây nhé.
Khám lần 1: sau trễ kinh 1 tuần
Sau khi trễ kinh 1 tuần và thử que lên 2 vạch, bạn nên đi khám để kiểm tra thai đã vào tử cung chưa, xác định tuổi thai cũng như tim thai. Nếu chưa thấy tim thai lúc mới 5 – 6 tuần tuổi, bạn cũng đừng lo lắng. Vì lúc này thai còn quá nhỏ và bác sĩ sẽ hẹn bạn tới kiểm tra lại sau 1-2 tuần.
Khám lần 2: Tuần thứ 7-8
Lúc này đi khám, mẹ sẽ được siêu âm xác định tim thai, kích thước túi ối, chiều dài phôi để xác định thai có phát triển tương xứng với tuổi thai hay không. Qua đó, các bác sỹ sẽ tư vấn cho mẹ bầu chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Khám lần 3: Tuần thứ 12-13
Đây là một trong những cột mốc quan trọng, bắt buộc phải có trong thai kỳ, là thời điểm sàng lọc dị tật bẩm sinh qua đo độ mờ da gáy kết hợp với tuổi thai mẹ để làm xét nghiệm Double test, tính toán nguy cơ hội chứng Down của bé ở giai đoạn sớm của thai kỳ.
Khám lần 4: Tuần 14-17
Ở giai đoạn này, mẹ bầu sẽ được thực hiện xét nghiệm sàng lọc Triple test để dự đoán nguy cơ bị Down và dị dạng nhiễm sắc thể của thai.
Khám lần 5: Tuần thứ 22-23
Đây là mốc quan trọng thứ 2 trong thai kỳ. Trong lần siêu âm này sẽ giúp phát hiện các bất thường về hình thái của nhai nhi như: sứt môi, dị dạng ở cơ quan, đặc biệt là các bất thường về tim và hệ xương để từ đó có can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm khám và làm các xét nghiệm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra HIV, viêm gan B, nhóm máu, yếu tố Rh, lượng đạm trong nước tiểu….
Khám lần 6: Tuần thứ 26-27
Sau lần khám thứ 5, bác sĩ sẽ hẹn khám lại sau 4 tuần để theo dõi sự phát triển của thai nhi và giải đáp những vấn đề mẹ bầu có thể gặp phải.
Khám lần 7: Tuần thứ 32
Ở giai đoạn này, mẹ bầu cần được siêu âm 4D để xác định lần cuối về dị tật của thai, theo dõi doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kết hợp với khám tổng quát cho mẹ, xem xét vị trí ngôi thai, để đánh giá, tiên lượng độ phát triển của thai…Xét nghiệm các chỉ số cho mẹ để chuẩn bị lựa chọn phương pháp sinh và nơi sinh.
Khám lần 8: Tuần thứ 35-36
Ở tuần thai này, mẹ bầu nên đến thăm khám và siêu âm để kiểm tra trọng lượng thai, nước ối, dây rốn… Bác sĩ cũng sẽ dự báo cân nặng bé lúc sinh. Một số nơi sẽ cho bạn làm Non-stress test nhằm kiểm tra sức khỏe của bé và tìm hiểu xem bé có nhận đủ oxy hay không bằng một máy Mornitor sản khoa sẽ ghi nhận sự thay đổi của tim thai tương ứng với chuyển động thai.
Ngoài 8 lần khám thai bắt buộc trong suốt quá trình mang thai theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các bệnh viện cũng khuyến cáo, từ tuần thứ 32, mẹ bầu phải đi khám thai mỗi tuần hoặc bất cứ khi nào đau bụng, ra máu để theo dõi tim thai, cử động thai nhi và xem tình trạng cổ tử cung đã mở hay chưa. Bên cạnh đó, mẹ bầu lúc này cũng luôn giữ cho tinh thần thoải mái vui vẻ và nghỉ ngơi thật tốt, sẵn sàng chào đón con yêu.
Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh!
[yeni-source src=”https://saigonthethao.thethaovanhoa.vn/phu-nu-today/thai-nhi-da-biet-noi-chuyen-voi-me-5-dieu-bao-an-toan-2-cau-tin-hieu-cau-cuu-me-nho-lang-nghe-con.html” alt_src=”https://phunutoday.vn/thai-nhi-da-biet-noi-chuyen-voi-me-5-dieu-bao-an-toan-2-cau-tin-hieu-cau-cuu-me-nho-lang-nghe-con-d323328.html” name=”Khoevadep”]