Bao nhiêu lần nỗ lực là bấy nhiêu lần thất vọng. Tết vừa hết, tôi lập tức muốn “cuốn gói” rời khỏi nhà.
Cuộc sống của tôi có những ngày mất kết nối rất buồn ( Ảnh minh họa) |
Lớn lên trong hoàn cảnh con côi mẹ cút, từ những năm cấp III, khác với sự vô tư hồn nhiên với các bạn, tôi sớm bươn chải, toan tính con đường lập thân lập nghiệp.
Sau 1 năm tốt nghiệp phổ thông, tôi đi xuất khẩu lao động tại Nhật. Trong vòng 3 năm, một mình lăn lộn với công việc ở xứ người, tôi đều đặn gửi tiền về cho mẹ trả nợ, sửa nhà, phần nữa để cất làm vốn.
Với vốn tiếng Nhật, kinh nghiệm tích cóp được, sau khi về nước, từ miền Trung tôi khăn gói vào Nam tìm việc. Lúc đầu tôi nhận được công việc phụ bếp trong một nhà hàng với mức lương gần 10 triệu đồng. Sau đó, nhờ chịu khó, linh lợi, tôi được cất nhắc lên làm trợ lý chuyên phụ trách mảng kết nối, chăm sóc khách hàng với mức thu nhập gần 30 triệu đồng mỗi tháng.
Vì nhà hàng chỉ hoạt động, phục vụ du khách người Nhật vào ban đêm nên đồng hồ sinh học của tôi chẳng giống ai. Đêm làm, ngày tôi về chung cư nằm ngủ.
Cuộc sống của tôi chỉ quanh quẩn trong guồng quay: Làm việc, tiếp tục gửi tiền về nhà rồi ôm mèo nằm ngủ qua ngày. Ngoài nuôi, thủ thỉ cùng vài con mèo và những cộng sự ở chỗ làm, tôi hầu như ngắt hết mọi kết nối với bạn bè, người thân.
Người thân, tôi cũng nào có nhiều. Chỉ mẹ và cậu em kém 7 tuổi cùng mẹ khác cha đang sống ở quê.
Mẹ tôi là người lạnh lùng, bà hiếm khi chuyện trò, hỏi han về cuộc sống, tâm tình con gái.
Đâu chỉ kỳ nghỉ tết Quý Mão này, đã hơn 5 năm nay, kể từ khi từ Nhật trở về, tết năm nào tôi cũng sắp xếp về quê ăn tết, cùng em và mẹ sửa soạn cái này cái kia.
Từ sơn nhà, lót gạch, xây chuồng gà, nhà tắm, sắm sửa nội thất, đến mua cây giống, chậu hoa về bày biện… tôi không tiếc một thứ gì. Chỉ được vỏn vẹn hơn 1 tuần nghỉ làm về quê đón tết, thế nhưng ngày nào tôi cũng bận sấp mặt, tất bật dọn dẹp không ngơi tay.
Trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ, vì gia đình mình đơn lẻ, đặc biệt, nên càng phải cố gắng bày trí, soạn sửa. Nếu nhà mình càng đầy đủ, tươm tất thì dân làng, hàng xóm, bạn bè của em và mẹ khi ghé chơi, khi trông vào sẽ càng trân trọng. Họ sẽ không có cớ để chê trách, xoi mói. Tôi đã nghĩ ở đâu có sự mới mẻ, ở đâu rực rỡ màu hoa, xanh tươi lộc biếc thì ở đó sẽ có một cái tết đầm ấm, rộn ràng.
Thế nhưng, người làm nhiều, lo nhiều, mong mỏi nhiều hình như chỉ mình tôi. Mẹ bình chân như vại, suốt mấy ngày cận tết, bà không hề nấu mâm cúng kiếng hay phụ tôi dọn dẹp. Tôi rất buồn khi mẹ đã ngó lơ câu tôi nói: “Ngày tết, con thèm lắm một bát canh măng hầm của người miền Trung”.
Không thể chờ đợi, hy vọng, kết nối gì nhiều ở mẹ, tôi quay sang cậu em trai. Nhưng chuốc lại là một cảm giác khó chịu, nặng nề. Hễ tôi nhắc gì, nhờ gì thì em làm nấy, còn đâu thời gian, em đều dán mắt vào màn hình điện thoại chơi game. Em bảo: “Chị soạn sửa gì cho nhiều cho mệt, lo đi lấy chồng đi, nhà này rồi mai mốt cũng là vợ chồng em ở với mẹ thôi”.
Em trai tôi năm nay gần 20 tuổi, không lo học hành, sự nghiệp, suốt ngày cày game. Tôi cũng không biết em đã có người yêu chưa nhưng trong lòng đã dấy lên suy nghĩ “của riêng của chung” khiến tôi như bừng tỉnh.
Thì ra, bấy lâu nay, vì tôi quá chu toàn, ôm đồm và vô tư nên cả mẹ và em đều thiếu đi sự nâng niu, trân trọng. Hai người đã đón nhận sự hỗ trợ, chăm lo từ phía tôi với tâm thế hiển nhiên, không cần một lời hồi đáp.
Tôi từng bị người yêu phản bội, bao lần nhớ nhà, lạnh lẽo giữa nông trại phủ đầy tuyết trắng ở xứ người, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác cô đơn, tủi phận như bây giờ.
Không có sự cô đơn nào mạnh hơn sự cô đơn của sự lạnh nhạt, hờ hững từ tình thân ( Ảnh minh họa) |
Người ta nói tết là về nhà, nhà là để nơi để về. Nhưng bản thân đã nhiều năm liên tục nếm trải cảm giác phải một mình gồng gánh, lo toan – mà không nhận lại được một sẻ chia, thấu hiểu nào từ chính những người thân yêu, ruột thịt của mình – thì tôi cũng không muốn cố chấp hy sinh, nhẫn nại thêm nữa.
Vừa hết tết, tôi lặng lẽ xếp hành lý chuẩn bị lên đường. Nhà của tôi, ở đâu đó ngoài kia…
Hải Hà
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tham-dam-noi-co-don-lanh-nhat-toi-chi-muon-mau-chong-roi-nha-a1483933.html” name=””]