Xem vở cải lương Truyền tích Cổ Loa xưa (kịch bản: Nguyên Phương, đạo diễn: Dương Khôn) ra mắt mới đây, nhiều khán giả ấn tượng với nhân vật gián điệp nhà Triệu đầy thâm hiểm do diễn viên trẻ Thanh Khang đảm nhận. Khá lâu rồi, sân khấu cải lương mới lại xuất hiện một “kép độc” mới.
Chắt chiu qua từng vai diễn
Trong dàn diễn viên của Truyền tích Cổ Loa xưa, với Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trọng Nghĩa cùng các diễn viên đoạt Huy chương Vàng Trần Hữu Trang như Hoàng Quốc Thanh, Thanh Toàn, Hoài Thanh… thì Thanh Khang là trẻ nhất và gần như… vô danh. Vai diễn lão bộc – lão người hầu tật nguyền theo Trọng Thủy “ở rể” tại Âu Lạc, đồng thời là gián điệp của nhà Triệu âm mưu làm suy yếu Âu Lạc từ bên trong – chính là vai lớn nhất của Thanh Khang từ trước đến nay.
Chính Thanh Khang cũng bất ngờ khi đạo diễn trẻ Dương Khôn tin tưởng trao cho anh cơ hội cùng kỳ vọng tạo được sự bứt phá cho nhân vật. “Ban đầu, tôi tìm xem lại bản dựng Truyền tích Cổ Loa xưa dự Liên hoan sân khấu thủ đô 2022 của sân khấu Sen Việt với NSƯT Bảo Trí đảm nhận vai lão bộc. Nhưng tôi không dám xem nhiều, sợ mình bị ảnh hưởng, vì NSƯT Bảo Trí diễn hay quá. Tôi tập trung phân tích kỹ nhân vật và tìm “chìa khóa” riêng cho mình” – Thanh Khang chia sẻ.
Thanh Khang trong tạo hình nhân vật lão bộc, vở Truyền tích Cổ Loa xưa – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Được đạo diễn tạo điều kiện tối đa, Thanh Khang “bung” hết kỹ năng ca diễn, vũ đạo, hình thể đã học hỏi, tích lũy được. Khác nét diễn thâm trầm, có chút bông đùa của NSƯT Bảo Trí, Thanh Khang tạo ra một nhân vật lão bộc sắc cạnh và đa sắc thái. “Lúc đầu, lão bộc xuất hiện như một kẻ tật nguyền vô hại, nhưng lật mặt liên tiếp qua từng màn và càng về sau càng nguy hiểm. Ở mỗi cảnh, tôi lại sử dụng một đạo cụ khác và chú ý khai thác đạo cụ trong diễn xuất, tạo điểm nhấn cho từng lớp diễn. Từng câu thoại, từng ánh mắt, kể cả đi đứng đều có sự tính toán” – Thanh Khang cho biết.
Với anh, năm 2024 này thực sự rất ý nghĩa khi không chỉ có cơ hội góp mặt trong các tác phẩm chất lượng mà đã có được vai diễn có thể ghi dấu ấn cho mình. Ở các mùa liên hoan, hội diễn trước, Thanh Khang chỉ thấp thoáng trong vai những kẻ xấu, mỗi khi xuất hiện lại đem tai ương cho nhân vật chính. Nhưng năm nay, nhiều khán giả đã nhớ được anh chính là Trần Ích Tắc của Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Huy chương Bạc Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024), là gian thần Lý Tuấn của Nữ tướng Tây Sơn – Chói rạng sơn hà và đặc biệt là gián điệp nhà Triệu của Truyền tích Cổ Loa xưa.
Hơn 10 năm theo nghề, số vai diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay và gần như chỉ toàn “vai ác”, nhưng chưa bao giờ Thanh Khang thấy buồn hay nản chí vì: “Đây là con đường tôi đã chọn, đã yêu và mong muốn cống hiến”.
Không ngừng phấn đấu
Thanh Khang cho biết, anh đến với nghệ thuật rất tình cờ. Tốt nghiệp trung cấp nghề ngành quản trị nhà hàng – khách sạn, tiếp tục học liên thông đại học quản trị kinh doanh ở Trường đại học Tôn Đức Thắng và rồi anh đã bỏ ngang vì “không thích”.
Thanh Khang (quỳ) trong vai gian thần Lý Tuấn của vở Tây Sơn nữ tướng – Chói rạng sơn hà. |
Một lần, được bạn rủ đi xem vở Tía ơi, má dìa ở sân khấu IDECAF, Thanh Khang chợt thấy rung động trước mê lực của người nghệ sĩ trên sân khấu. “Sân khấu chỉ có bao nhiêu đó thôi mà sao nghệ sĩ bước ra lại như đưa ta vào một không gian khác? Sao họ biến hóa hay vậy? Làm sao có thể làm người ta khóc đó, cười đó được như vậy?… Muôn vàn cảm xúc, câu hỏi ập đến và rồi tôi đăng ký theo học lớp đào tạo diễn viên của cố đạo diễn Vũ Minh” – Thanh Khang kể.
“Học xong, tham gia nhóm diễn sân khấu học đường của thầy Vũ Minh hơn 1 năm thì thầy kêu thi vào Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM để học tiếp. Chấm thi là tiến sĩ Võ Yến. Diễn xong, cô kêu “hát thử cô nghe”. Lúc đó, tôi đang mê chương trình Gương mặt thân quen và hát lại câu vọng cổ Hoài Lâm thi trong chương trình. Thế là thành người của cải lương từ đó đến giờ. Đó là năm 2012” – Thanh Khang kể.
Nhìn lại chặng đường đã qua, anh tin rằng: “Ông Tổ đã dắt tay tôi đến với nghề”. “Trước khi được cô Võ Yến chuyển sang học cải lương, vốn liếng của tôi chỉ là câu vọng cổ trong chương trình Gương mặt thân quen và cảm tình với âm nhạc dân tộc từ mấy bài lý trong vở Tía ơi, má dìa. Vô học, phải đuổi theo các bạn đã có nền tảng từ trước nên khó càng thêm khó. Nhưng từ học kỳ này qua học kỳ sau, dần dần lại thấm lúc nào không hay. Đến khi học đạo diễn, các bài tập tiểu phẩm, thi học kỳ và tác phẩm tốt nghiệp, tôi đều làm cải lương” – Thanh Khang chia sẻ.
Từ những ngày đầu theo học, Thanh Khang cũng đã mặc định đi trên con đường của một “kép độc” như lẽ hiển nhiên. Các vai diễn ít ỏi từ trong trường đến khi ra nghề đều là vai phản diện mà anh chưa bao giờ cảm thấy gợn vì: “Không có phản diện thì làm gì tôn vinh được chính diện”.
“Tôi luôn ý thức dụng công cho từng vai diễn, dù chỉ xuất hiện thoáng qua. Cùng là vai gian thần, nhưng quan văn sẽ khác quan võ, người thường làm việc xấu tư thế cũng khác với kẻ cậy quyền ỷ thế, đòi hỏi mình phải nghiên cứu kỹ nhân vật để có cách diễn, đi đứng, cử chỉ phù hợp. Đời sống sân khấu hiện nay, đất diễn cho các vai phản diện rất hẹp nên mỗi lần có cơ hội là tôi rất trân trọng và phấn đấu thể hiện tốt nhất có thể. Chính sự phấn đấu đó mới mang đến cho mình những cơ hội tiếp theo” – Thanh Khang bộc bạch.
Ninh Lộc
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thanh-khang-kep-doc-nhieu-trien-vong-a1531491.html” name=””]