Một nam thanh niên 18 tuổi được tìm thấy trong đống đổ nát của tòa nhà ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ là người thứ ba được cứu sau 198 giờ xảy ra trận động đất kinh hoàng.
Thanh niên 18 tuổi Muhammed Cafer Cetin vẫn có thể cử động tay khi được đưa lên sau 1 tuần nằm dưới đống đổ nát
Theo CNN tiếng Thổ, Muhammed Cafer, vẫn có thể cử động ngón tay khi được khiêng đi.
Trước khi cứu được Muhammed Cafer, đội cứu hộ đưa thành công hai anh em ruột từ dưới đống đốt nát của toà chung cư ở tỉnh Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hãng thông tấn Anadolu , Muhammed Enes Yeninar, 17 tuổi, và anh trai 21 tuổi Baki Yeninar đã được đưa vào bệnh viện, nhưng chưa rõ tình hình của họ ra sao.
Số người thiệt mạng vì trận động đất kinh hoàng ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt mốc 37.000.
Lực lượng cứu hộ vẫn làm việc xuyên đêm để tìm kiếm những người may mắn, nhưng một số đội đã bắt đầu giảm bớt hoạt động vì nhiệt độ thấp khiến cơ hội sống sót còn quá nhỏ. Đội Ba Lan và nhiều nhóm quốc tế thông báo sẽ rời đi vào ngày 15/2.
Tại thành phố Aleppo của Syria, người đứng đầu cơ quan cứu trợ Liên Hợp Quốc Martin Griffiths cho biết, thời gian cứu hộ “sắp khép lại”, và công việc chính hiện nay là bảo đảm chỗ ở, thực phẩm và trường học cho những người còn sống.
Tại thành phố Antakya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, máy xúc bắt đầu phá bỏ những toà nhà hư hỏng nặng nề và dọn dẹp đổ nát ở một khu dân cư. Ánh đèn xanh từ xe cứu thương sáng lên trên những con phố ở nơi vẫn chưa có điện.
Theo cập nhật đến ngày 13/2 của Cơ quan quản lý thảm hoạ và tình huống khẩn cấp, Thổ Nhĩ Kỳ có 31.643 người chết, còn số người chết ở Syria là 5.714.
Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại khoảng 84 tỷ USD . Bộ trưởng Đô thị Thổ Nhĩ Kỳ Murat Kurum cho biết, khoảng 42.000 toà nhà đã sập cần được tháo dỡ nhanh chóng, tổn thất nghiêm trọng xảy ra khắp 10 thành phố.
Nhiều người dân và lực lượng phản ứng ban đầu bày tỏ sự hoang mang trước tình trạng thiếu nước, thực phẩm, thuốc, túi đựng thi thể và cần cẩu ở vùng thảm hoạ. Nhiều người chỉ trích phản ứng chậm chạp và cục bộ của Cơ quan quản lý thảm hoạ và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 6 tới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang trải qua phép thử khó khăn nhất trong 2 thập kỷ cầm quyền. Ông thừa nhận xảy ra nhiều vấn đề trong phản ứng ban đầu, nhưng khẳng định tình hình đến nay đã được kiểm soát.
Trận động đất cũng thổi bùng cơn giận của một số người Thổ Nhĩ Kỳ đối với hàng triệu người tị nạn Syria chạy trốn chiến tranh. Người Syria cho biết họ bị cáo buộc cướp bóc, bị đuổi khỏi các lều trại và xúc phạm.
Theo Reuters
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/them-dieu-ky-dieu-o-tam-chan-dong-dat-tho-nhi-ky-20230214190331183.chn” name=””]