Phải chăng có những kẽ hở của pháp luật khiến người phải giao con trở thành người chiếm giữ bất hợp pháp đứa bé?
Báo Phụ Nữ TP.HCM thực hiện cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Quang Trung – Giám đốc Công ty luật TNHH TLT – Đoàn Luật sư TP.HCM – xoay quanh vấn đề thi hành án giao con và giải pháp tháo gỡ những bất cập trên thực tế.
Luật sư Nguyễn Quang Trung |
Phóng viên: Thưa luật sư, khi bản án giao con cho cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng có hiệu lực, thì bao lâu phải thực hiện việc giao con?
Luật sư Nguyễn Quang Trung: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì:
Bản án sơ thẩm, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm mà không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Do đó, người phải thi hành án (là người không được quyền trực tiếp nuôi con) phải giao con ngay cho người được thi hành án (là người được quyền trực tiếp nuôi con) mà không được trì hoãn. Nếu người phải thi hành án không thực hiện giao con thì người được thi hành án có quyền nộp đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là các cá nhân có quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận, miễn là thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, do đó các đương sự có quyền chủ động thỏa thuận về việc thi hành án. Và điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 cũng công nhận việc thỏa thuận thi hành án của các đương sự.
Vì vậy, đối với nội dung về quyền trực tiếp nuôi con trong bản án ly hôn, thì cha, mẹ có quyền chủ động thỏa thuận về việc giao con cho người có quyền trực tiếp nuôi con chăm sóc, nuôi dưỡng ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu không thỏa thuận được, hoặc đã thỏa thuận mà người phải thi hành án lại không thực hiện thì người được thi hành án cũng có quyền nộp đơn yêu cầu thi hành án ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
* Nếu không tự nguyện thi hành án thì bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?
– Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không thực hiện giao con thì bị cưỡng chế thi hành án.
Theo điều 120 Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Ngoài ra, chấp hành viên cũng phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
Nếu người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ trẻ không giao trẻ cho người được giao nuôi dưỡng thì chấp hành viên sẽ ra quyết định phạt tiền.
Mức phạt tiền trong trường hợp này là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP. Đồng thời với việc phạt vi phạm hành chính, chấp hành viên sẽ ấn định thời hạn 5 ngày làm việc để người đó giao trẻ cho người được giao nuôi dưỡng.
Nếu hết thời hạn đã ấn định mà người đó vẫn không thực hiện thì chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao trẻ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo quy định tại điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù có thể lên đến 5 năm, đồng thời có thể bị phạt bổ sung từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trên thực tế, đã có các vụ việc cá nhân đã bị xử lý hình sự về tội không chấp hành án do không thực hiện giao con cho người có quyền trực tiếp nuôi dưỡng.
* Việc rời đi, thôi việc, mất tăm tích gây cản trở cho công tác thi hành án có được xem là vi phạm không, thưa luật sư?
– Việc người phải thi hành án rời khỏi địa phương nhưng không thông báo địa chỉ mới, không nhận văn bản của cơ quan thi hành án, không có mặt theo lịch hẹn để thi hành án, khóa cửa nhà có thể coi là hành vi trốn tránh việc thi hành án, bởi vì họ đã biết được nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định của tòa án. Thậm chí có thể coi là thủ đoạn phạm tội không chấp hành án.
Khi giải quyết vụ việc ly hôn, tòa án giải quyết quyền nuôi con trên nguyên tắc bảo đảm tốt nhất quyền lợi về mọi mặt của con. Những hành vi mang nặng “cái tôi” cá nhân như vậy làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ và người thiệt thòi nhất không phải là cha hay mẹ mà chính là đứa con của họ, và vô hình trung xâm phạm đến quyền được chăm sóc tốt nhất về mọi mặt của trẻ.
Ngoài ra, việc bỏ đi khỏi nơi cư trú mà không thông báo chỗ ở mới của đương sự, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án trong việc tống đạt các văn bản thi hành án. Với những trường hợp này, trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu cơ quan thi hành án không thể giao trực tiếp các văn bản thi hành án cho người phải thi hành án thì có thể giao cho người thân thích cùng cư trú với người đó; hoặc thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở UBND cấp xã, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo; hoặc cơ quan thi hành án cũng có thể thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Một khi cơ quan thi hành án đã thực hiện niêm yết, hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hợp lệ mà người phải thi hành án không có mặt, không hợp tác thi hành án thì hoàn toàn đủ cơ sở để xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự đối với người không thực hiện giao con cho người được quyền trực tiếp nuôi dưỡng.
Ngoài ra, cơ quan thi hành án có thể phối hợp với cơ quan công an phụ trách quản lý dân cư để xác định nơi cư trú của người phải thi hành án.
“Anh ơi! Chị ơi!… Mở cửa cho em vào thăm con” – chị N.H. khản giọng gọi nhưng nhà chồng không ai ra mở cửa, gọi điện thoại không bắt máy |
* Theo luật sư, có cách nào để việc giao nhận con sau ly hôn được thuận lợi, vui vẻ hay không?
– Thi hành án giao con là vấn đề rất nhạy cảm, bởi liên quan đến quyền con người, đặc biệt con người ở đây là người chưa thành niên cần được bảo vệ đặc biệt. Không như thi hành án về tài sản, việc cưỡng chế giao con không thể thực hiện các hành vi như giằng co, lôi kéo, gây ảnh hưởng tâm lý nặng nề, mặt khác có thể gây ra xâm phạm trái pháp luật đến thân thể của trẻ.
Như đã nói, nguyên tắc giải quyết quyền nuôi con là phải bảo đảm tốt nhất quyền lợi về mọi mặt của con. Việc thi hành án nuôi con một mặt là bảo vệ quyền của người được trực tiếp nuôi con theo bản án, quyết định. Tuy nhiên cần nhìn nhận sâu hơn rằng việc này thực chất là để bảo vệ quyền lợi về mọi mặt của con, đó là quyền được chăm sóc, được thụ hưởng sự yêu thương, nuôi dưỡng tinh thần từ cả cha và mẹ (cho dù có một người không trực tiếp nuôi dưỡng), quyền được giáo dục… Các vụ việc giao con mà dẫn đến phải cưỡng chế, hay xử lý hình sự người không chấp hành án thì không đạt được mục đích này.
Do vậy, ngay từ khi giai đoạn giải quyết vụ việc ly hôn, cũng như giai đoạn thi hành án, cần thực hiện tốt công tác hòa giải để đương sự tự nguyện giao nhận con. Đồng thời cơ quan thi hành án cần chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo bản án được thực thi và trên hết là bảo vệ được quyền lợi của trẻ.
* Xin cảm ơn ông!
Hoài Nhân (thực hiện)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thi-hanh-an-giao-con-tau-vi-thuong-sach-hay-con-duong-chuoc-toi-hinh-su-a1475529.html” name=””]