Khi nhắc đến bạo lực gia đình, mọi người thường nghĩ tới hành vi đánh đập, gây thương tích. Và ít ai thấy sự nghiêm trọng của bạo lực tinh thần. Thực tế, bạo lực tinh thần cũng gây nên những nỗi đau, uất ức, dồn nén rất đáng sợ. Đã và đang có những người chịu đựng bạo lực tinh thần đến trầm cảm, rối loạn tinh thần.
Không gì tra tấn tinh thần nhau bằng những lời xúc phạm, độc địa (Ảnh minh họa) |
Nỗi ám ảnh “sao kê”
“Tiêu xài gì mà mới đây hết tiền rồi?”, là những câu nói thường xuyên của anh Trần Minh H., ở P.An Lạc A, Q.Bình Tân (TPHCM), với vợ là chị Võ Hồng T. Anh nặng nhẹ: “Chồng đi làm vất vả, cho vợ ở nhà trắng da dài tóc, vậy mà lại tiêu xài hoang phí, núi cũng lở”.
Sau đó, chị T. phải “sao kê” tất cả chi tiêu. Có lần, chị không sao kê được khoản chi lố 1,2 triệu đồng, liền bị chồng đá xéo: “Cô đút lót cho ai mà giờ không nhớ? (ý anh nghi ngờ vợ cho tiền mẹ đẻ)”. Vậy là chị phải ngồi vắt óc, liệt kê tiền mua từng miếng thịt, bó rau, bịch muối, tới mua quần áo, quà bánh, bút thước… cho con trong một tuần. Mỗi tháng, chồng “khoán” cho chị tiền chợ (hai vợ chồng, hai đứa con sáu tuổi và 2,5 tuổi): 4 triệu đồng; điện nước: 1 triệu đồng; sinh hoạt phí phát sinh: 1,5 triệu đồng. Mấy tháng nay, xăng tăng, kéo giá tăng nhưng “quota” chi tiêu vẫn không thay đổi, nên bị thâm hụt và chị lại nghe điệp khúc quen thuộc: “Vợ người ta vén khéo, giỏi giang, còn vợ nhà này chỉ giỏi tiêu pha, phá hoại”. Chị T. vừa tủi, vừa mặc cảm kiếp “ăn bám, ăn hại”.
Lấy cô đời tôi tàn
Suốt ba năm, hầu như tối nào anh Nguyễn Văn K., ở P.16, Q.Gò Vấp (TPHCM), chồng chị N.L. cũng về nhà trong trạng thái say xỉn, anh nằm trên võng ngay phòng khách lải nhải: “Vì lấy con đàn bà như cô mà đời tôi tàn”.
Lúc đầu, chị N.L. nghe chói tai nên nói lại: “Tôi làm anh tàn, hay rượu làm anh tàn? Hay cái tính sĩ diện hão, chỉ muốn làm chủ, không bao giờ chịu làm thuê, làm anh tàn?”. Nhưng chị càng lên tiếng, thì chồng càng nói nhiều hơn: “Trên đời này có vợ nào như cô không? Chồng muốn về quê mở nhà hàng, karaoke thì ngăn, bảo có tiếp viên phức tạp. Chồng muốn mở quán ăn lớn, thì kêu tôi ra vỉa hè bán cho đỡ tốn vốn đầu tư mà không nghĩ tới thể diện của tôi, dù gì tôi cũng tốt nghiệp ngành quản trị du lịch khách sạn… Vợ người ta luôn đồng hành với chồng, có ai khốn nạn lấy vợ toàn cản đường thăng tiến của chồng như tôi không?”.
Nhiều lần chị N.L. muốn ly hôn vì không chịu nổi lời độc địa của chồng. Mỗi lần rượu vào thì anh buông lời bỉ bôi vợ, khiến chị N.L. dù rất tổn thương, uất ức, nhưng phải chịu đựng vì chồng đang mắc bệnh nan y.
Không chỉ “lời nói đọi máu”, những lời khen hàng xóm, so bì, đòi hỏi cũng gây áp lực tâm lý cho bạn đời (Ảnh minh họa) |
Muốn bịt miệng cho vợ ngừng nói
Không chỉ có phụ nữ chân yếu tay mềm mới là nạn nhân của tình trạng bạo lực tinh thần, mà ngày nay, rất nhiều quý ông cũng luôn than vãn bị vợ tra tấn, khủng bố tinh thần đến mức không muốn về nhà.
Ngày 8/6, một người vợ đăng trên diễn đàn về hôn nhân gia đình câu chuyện của vợ chồng chị: “Em lấy chồng được mười năm. Em là người nói nhiều, chồng lại ít nói, tụi em hay xung khẩu với nhau. Nhiều vấn đề trong cuộc sống khiến bọn em thường xuyên cãi nhau. Có hôm, chồng em kêu mệt, bảo để lúc khác nói tiếp giờ đi ngủ. Nhưng em vẫn ấm ức nên không thể nào ngủ được. Còn chồng em vẫn ngủ ngon lành, thế là em vẫn cứ nói, nói không thấy phản hồi em lại chửi hoặc nói mỉa.
Những bình luận chỉ trích người vợ bạo hành tinh thần chồng trên một diễn đàn về hôn nhân |
Sau hồi mệt, em cũng thôi, nhưng mất ngủ, nên em rất mệt mỏi, thường xuyên rơi vào trạng thái cáu gắt. Có hôm đang cãi nhau thì chồng em bảo bận, nói sau nhưng em ức chế lắm không chờ được. Ngày nào cũng vậy khiến em rất mệt và chỉ ngồi thở để chờ chồng về cãi nhau cho ra ngô ra khoai, không thì chờ từng tin nhắn của anh ta phản hồi về câu nói của mình. Cuộc sống như thế thật tệ hại, em cảm thấy rất mệt mỏi, bế tắc. Mọi người giúp cho em lời khuyên”.
Người vợ muốn tìm sự đồng cảm, chia sẻ. Nhưng không ngờ, từ “hội chị em bạn dì” tới cánh đàn ông, đều “quay xe” với chị. Mọi người đều cho rằng chị là kẻ khủng bố chồng. Anh Nguyễn Hòa bình luận: “Tôi là chồng bạn, tôi trốn tiệt ra nước ngoài, mua vé một chiều luôn”. Chị Thanh Hà cảnh báo: “Ông chồng được tôi luyện thần kinh thép nên mới tỉnh bơ mà ngủ, vậy cũng may cho cô. Nói thật, ở gần những người như chị lâu dần dễ bị… điên”.
Anh Nguyễn Văn T. – nhân viên ngành in ở Q.6 (TP.HCM) – mới cưới vợ một năm nhưng đã than: “Ngày trước, bả đâu có nói nhiều vậy. Giờ nói như máy hát, bất kể sáng trưa chiều khuya, cứ rỉ rả bên tai “anh phải cố gắng lên, phải có ý chí tiến thủ, phải cố gắng đi làm kiếm tiền để lo cho gia đình, mình còn mua nhà, sinh con nữa”. Chị Th. – vợ anh T. – luôn bơm vào đầu chồng tư duy “phải nghĩ, phải làm nhiều cách để kiếm tiền”.
ối, thấy chồng rảnh rang, chị Th. gợi ý: “Anh đi chạy xe ôm công nghệ đi. Mỗi tối cũng kiếm thêm vài chục, chứ ở nhà nằm không làm gì?”. Còn khi anh T. mở TikTok xem thì vợ thỏ thẻ: “Phải xem cái gì trí tuệ, có thể kiếm ra tiền, như các doanh nhân, người giàu vượt khó thành công”. Anh trợn mắt: “Tôi lạy bà, bà cho tôi sống với, tôi làm việc cả ngày, tối về cho nghỉ ngơi, thư giãn chứ!”.
Anh T. cám cảnh: “Vợ tôi lúc nào cũng thỏ thẻ, ngọt ngào, nhưng nói thật, tôi bị ám ảnh cảnh vợ luôn kêu tôi cố gắng kiếm nhiều tiền. Tôi bị áp lực vì yêu cầu này của vợ, và mệt mỏi vô cùng”.
Thùy Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/sat-thuong-bang-loi-kieu-bao-luc-khien-ban-doi-uat-uc-tram-cam-a1466058.html” name=””]