Mùa cuối năm, phong cách “trang điểm khóc” bỗng trở thành một trong những xu hướng làm đẹp được nhiều người quan tâm.
Bạn có thể nhận diện lối trang điểm này qua đôi mắt rưng rưng, đôi má ửng đỏ và đôi môi sưng mọng.
Lối “trang điểm khóc” phù hợp với những phụ nữ nhiều tâm trạng, yêu vẻ đẹp buồn và không muốn đè nén cảm xúc |
Năm 2022 đang đi dần về những tuần lễ cuối cùng, đất trời chuẩn bị bước sang mùa mới. Với bước chuyển của thời gian, tưởng chừng các xu hướng làm đẹp sẽ dần hạ nhiệt, nằm im chờ bùng nổ vào dịp đầu năm mới. Nhưng không, xu hướng “trang điểm khóc” gần như phá vỡ sự bình lặng của thị trường làm đẹp mùa cuối năm, tạo ra những làn sóng hưởng ứng khá thú vị, thậm chí mở ra không ít cuộc tranh luận ồn ào.
Thế nào là “trang điểm khóc”?
Trên các nền tảng mạng xã hội, phong cách “trang điểm khóc” hay “perpetually crying make up” đang là từ khóa nhận về lượt xem đột biến. Riêng nội dung “hướng dẫn trang điểm khóc” trên TikTok đạt hơn 130 triệu lượt xem (tính đến đầu tháng 11). Đây là con số không tưởng đối với một trào lưu làm đẹp, chưa kể nhiều số liệu ấn tượng khác trên các nền tảng mạng của Google.
Đó là kiểu trang điểm để gương mặt bạn như thể đang khóc hoặc vừa khóc với đôi mắt lem nhem long lanh nước, mũi và má ửng đỏ, môi sưng mọng. Xu hướng trên đã xuất hiện được một thời gian nhưng đặc biệt bùng nổ từ khi tiktoker Zoe Kenealy đăng một đoạn clip hướng dẫn cách “trang điểm khóc” vào tháng trước. Chính Zoe Kenealy cũng không phải là người đầu tiên thử nghiệm phong cách này mà cô bị ảnh hưởng từ một số người đẹp Hàn Quốc.
Hình ảnh Zoe Kenealy hướng dẫn thực hiện phong cách “trang điểm khóc” |
“Tôi biết trong nhiều năm, tại Hàn Quốc, mọi người thường sử dụng kim tuyến ở viền mi dưới để tạo hiệu ứng như bạn vừa khóc xong. Thao tác đó giúp mắt trông lấp lánh. Tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi tiếp tục nâng cấp vẻ ngoài đang rưng rưng ấy với phần phấn má ửng hồng, chiếc mũi đo đỏ như vẻ bạn đang khóc” – Zoe Kenealy chia sẻ. Thời điểm đăng tải clip hướng dẫn trang điểm, Zoe Kenealy chỉ đơn thuần muốn chia sẻ trải nghiệm làm đẹp bản thân cảm thấy thú vị nhưng không ngờ clip trên đã “gây bão” trong cộng đồng mê làm đẹp.
Về lý do đoạn clip của Zoe Kenealy được lan truyền với tốc độ chóng mặt, Marta Mae – người đồng sáng lập thương hiệu Dieux Skin – cho rằng clip vô cùng vui nhộn. Mặt khác, cô khẳng định xu hướng trang điểm này dễ tiếp cận hơn các cách làm đẹp khác. Marta Mae cũng từng đăng những tấm ảnh cô đang khóc lên mạng xã hội và xem đó là cách khuyến khích mọi người phơi bày những tổn thương bên trong, giúp tâm trạng nhẹ nhàng hơn.
“Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng chúng ta đẹp hơn khi khóc hoặc sau khi khóc. Ngoài ra, khóc khá tốt cho làn da của bạn. Khi khóc, phản ứng tự nhiên của cơ thể khiến đôi môi căng mọng. Đây là một bài thực hành thú vị cho phái đẹp. Chúng tôi khuyến khích các bạn khóc khi cần giải tỏa cảm xúc” – Marta Mae chia sẻ.
Lối “trang điểm khóc” theo phong cách cá tính chuộng tông màu đậm |
Từ khi nào khóc trở nên đẹp?
Đăng tải hình ảnh đang khóc lên mạng xã hội không còn là điều mới mẻ so với thời điểm trước kia. Có sự khác biệt lớn là nếu lúc trước, khi thấy ai đó khóc, cả cộng đồng mạng xoay quanh cá nhân đó chỉ trỏ, bàn tàn, đồn đoán, thương hại… thì nay, hành động này được cho là thể hiện cảm xúc chân thực, là sống thật. Người nổi tiếng cũng không đứng ngoài trào lưu đăng ảnh khóc. Chẳng hạn như siêu mẫu Bella Hadid với góc ảnh “tự sướng”; ca sĩ Lizzo đăng đoạn clip vừa hát bài Happier than ever vừa rơi nước mắt…
Ở đây, bạn cần tách bạch: phong cách “trang điểm khóc” và làn sóng đăng tải hình ảnh/clip mình đang khóc lên mạng. Bản chất của cả hai xu hướng đều hướng đến vẻ đẹp của sự u sầu, mang nhiều tâm trạng. Cũng từ đây, một bộ phận cho rằng cần cân nhắc khi lăng xê xu hướng này bởi có vẻ chúng không mang tính tích cực. Tuy nhiên, một nhóm khác lại phản ứng ngược lại – họ không ngừng cổ vũ.
Phong cách “trang điểm khóc” không quá khó hiểu bởi từ ngữ sử dụng đã nhắc đến đúng và đủ ý về xu hướng này |
Sabrina Sade – đồng sáng lập và Giám đốc điều hành nhãn hàng 4am Skin – đã đăng đoạn video đang khóc thời còn là sinh viên y khoa nhằm nhắc nhở bản thân không được quên mình đã từng suy sụp và vượt qua giai đoạn khó khăn đó như thế nào. “Một ngày, tôi quyết định quay đoạn video cảnh tôi đang khóc trước bàn làm việc lộn xộn, bên cạnh là màn hình máy tính. Tôi xem đó như một lời nhắc nhở bản thân để mỗi khi tuyệt vọng, tôi mở ra xem và nhớ rằng trong quá khứ, điều tương tự từng xảy ra và tôi đã vượt qua được” – Sabrina Sade giải thích. Cô nhấn mạnh rằng dường như thế hệ Z rất dễ tổn thương, dễ khóc để thể hiện cảm xúc thay vì giữ khư khư trong lòng nên vô tình, lối “trang điểm khóc” lên ngôi.
Brooke DeVard Ozaydinli – Giám đốc sáng tạo của Instagram – khẳng định xu hướng “trang điểm khóc” nổi lên nhanh chóng bởi ngày nay, có quá nhiều người mang tâm sự, không ai hạnh phúc 24/7 nên nếu bạn chia sẻ hình ảnh vẻ đẹp buồn, mọi người dễ đồng cảm, san sẻ; từ đó có thể nhanh chóng vượt qua nỗi buồn hay những cảm xúc tiêu cực. Nhìn ở khía cạnh tích cực, xu hướng trên đang là công cụ để mọi người được sống thoải mái với cảm xúc. Họ có thể trông yếu đuối, mong manh mà không lo ngại bị người khác gán cho những cụm từ khó nghe.
Phong cách “trang điểm khóc” được thực hiện trên gương mặt người mẫu |
“Chúng tôi và thương hiệu của mình đang nỗ lực để bác bỏ chủ nghĩa hoàn hảo. Chúng tôi muốn nói rằng đôi khi sự bừa bộn, lười biếng hay thiếu chỉn chu là hoàn toàn bình thường. Con người vốn dễ bị tổn thương, đừng sống mà phải gượng ép” – Sabrina Sade nói.
Xu hướng “trang điểm khóc” nổi lên nhanh chóng với những ý nghĩa nhất định, cho thấy tính nhân văn và ý nghĩa xã hội của một trào lưu làm đẹp đơn thuần. Thế nhưng xưa nay, trào lưu nào được lăng xê dày đặc cũng không hẳn hoàn toàn tốt. Với phong cách này cũng thế: Chúng chỉ nên được sử dụng vừa đủ, chân thật và phù hợp đối tượng, thời điểm.
Khánh An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thoi-cua-ve-dep-sau-muon-a1477525.html” name=””]