Cái lợi của thú vui chưng cắm cành luôn trái này là sau thời gian nhìn ngắm thỏa thích thì sẽ có trái chín để… ăn.
Thay vì chưng cắm những bình hoa đơn thuần, giờ đây chị em phụ nữ đang ráo riết săn lùng những cành trái hồng, mãng cầu (na), cà chua, thị thơm… để làm đẹp không gian nhà.
Mùa thu cũng là mùa của những trái hồng vào độ rực rỡ nhất. Ngay từ trung tuần tháng Tám, những trái hồng trứng, hồng giòn đã được thương lái ồ ạt phân phối khắp các chợ nông sản. Loại hồng trứng Đà Lạt trái thon gọn, khi hườm hườm thì vỏ trái ửng lên màu vàng cam rất đẹp. Lớp vỏ này khi gặp ánh sáng thường sẽ bóng bẩy hơn.
Bình trái hồng của chị Ngọc Phương (Hà Nội) |
Thú chơi cắm cành nguyên trái hồng đã rộ lên từ mùa thu năm trước, bắt đầu từ một vài khách viếng cảnh thành phố Đà Lạt. Sau khi trở về từ thành phố xinh đẹp này, để nhớ về một Đà Lạt đầy chất thơ, vài người đã nghĩ ra ý tưởng tìm mua từ nhà vườn vài cành hồng lúc lỉu trái về chưng cắm, trang trí không gian nhà. Nhìn những trái hồng ngày qua ngày dần chuyển màu, từ xanh sang vàng, cam, rồi đỏ lựng thật thú vị.
Trông như bức tranh tĩnh vật |
Thú chơi tao nhã nhưng khá tốn kém này được chia sẻ rầm rộ trở lại vào đầu mùa thu năm nay trong các hội nhóm trên mạng xã hội. Rất nhiều bình “hoa trái hồng” với nhiều cách chưng cắm đầy chất nghệ thuật, trông như một bức tranh tĩnh vật sinh động, đẹp mắt, thơ mộng, mang dáng dấp hoài niệm.
Do tính chất cành cắm mang theo lượng trái nặng nên thường được cắm trong những bình gốm lớn, gốm mộc, bình đất nung hoặc gốm sứ giả cổ. Tuy nhiên, vẻ đẹp của một bình trái hồng còn tùy thuộc rất nhiều vào mắt thẩm mỹ và khả năng sáng tạo của người chơi.
Dù là thú chơi rất hợp thời, nhưng ở TPHCM không phải dễ mua được nguyên cành trái hồng. Cành hồng phải được đặt trước từ các nhà vườn ngoại ô Đà Lạt. Nhà vườn sẽ tuyển chọn những cành trái đã già nhưng vẫn còn xanh để đảm bảo cho trái không bị rụng trong quá trình vận chuyển. Vì vậy, khách muốn mua đều phải đặt trước vài ngày và giá không hề rẻ.
Ngoài cành trái hồng, nhiều người còn sưu tầm thêm cả cành mãng cầu (na) để cắm vì đây cũng là mùa mãng cầu. Những loại cành trái này có thể chưng cắm từ 2 – 3 tuần tùy điều kiện chăm sóc. Sau khoảng thời gian đó, trái cũng đã chín và có thể ăn được.
Cành mãng cầu (na) cũng được sử dụng để cắm bình – Ảnh: Hoa theo mùa |
Chị Ngọc Phương – giáo viên Trường THPT chuyên Amsterdam (Hà Nội) là một người rất yêu thích cắm hoa, lại có tài cắm hoa rất đẹp. Mới đây, chị chia sẻ thêm thú vui cắm cành cà chua bi. Đây là những cành cà chua kiểng chị mua được từ chợ hoa Quảng An. Vì là cà chua kiểng nên theo chị thì chỉ để chưng, không nên ăn. Những bình cà chua của chị rất bắt mắt và cuốn hút.
Cành cà chua kiểng được chị Ngọc Phương cắm bình rất duyên dáng |
Xem ra những thứ cành trái cũng gợi lên biết bao ý tưởng độc đáo, khiến không gian sống trở nên thi vị hơn. Ngay cả những cành trái lạ lùng nhất như trái cà phê chín đỏ cũng đã từng khiến bao người mê mẩn sưu tầm về chưng cắm mùa tết đó thôi.
Thú cắm cành trái cà phê chơi tết từng gây sốt trước đây (Ảnh từ internet) |
Chị Ngọc Phương – giáo viên Văn Trường THPT chuyên Amsterdam Hà Nội – chủ nhân những bình cắm cành trái gây sốt gần đây |
Nhìn chung, cứ cành trái nào đáp ứng đủ tiêu chí đẹp – độc – lạ đều có thể trở thành một tác phẩm chưng cắm bắt mắt.
Trần Huyền Trang
Ảnh: Ngọc Phương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thu-choi-cam-canh-trai-mua-thu-cua-chi-em-phu-nu-a1472595.html” name=””]