Asperger là gì và tại sao các thiên tài công nghệ lại thường bị “gắn mác” là mắc Asperger?
Những ngày gần đây, phần mềm chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo ChatGPT đã làm “khuynh đảo” toàn thế giới vì khả năng xử lý ngôn ngữ và xâu chuỗi nội dung vượt bậc, đến mức ChatGPT được đánh giá là trí tuệ nhân tạo tiềm năng nhất hiện nay.
Cùng với sự nổi lên của ChatGPT thì có một cái cái tên cũng được nhắc đến trên khắp các mặt báo quốc tế, đó là Samuel H. Altman (hay Sam Altman), “cha đẻ” của ChatGPT.
Sam Altman là người Mỹ gốc Do Thái. Anh được mẹ, một bác sĩ da liễu, tặng chiếc máy tính đầu tiên năm 8 tuổi – tiền đề giúp anh hình thành niềm yêu thích với lĩnh vực lập trình. Altman theo học trường trung học John Burroughs, một trường trung học tư nhân có học phí cao nhất nhì Missouri, Mỹ.
Về sau, anh nhập học Đại học Stanford với chuyên ngành khoa học máy tính nhưng bỏ ngang vào năm 2005. Năm 2017, anh vẫn được nhận tấm bằng danh dự của Đại học Waterloo, Canada vì những đóng góp lớn trong ngành công nghệ.
Ở Sam hội tụ rất nhiều yếu tố của một thiên tài công nghệ liều lĩnh. Anh khởi nghiệp từ năm 19 tuổi, thành lập công ty đầu tiên là Loopt. Sau này anh làm việc cho Y Combinator, một tổ chức hỗ trợ đầu tư các dự án khởi nghiệp.
Tài năng của anh được chú ý bởi Paul Graham, nhà đồng sáng lập và Chủ tịch của Y Combinator. Đến năm 2014, chức chủ tịch Y Combinator được chính Paul Graham trao lại cho anh. Một năm sau, Sam Altman cùng các tỷ phú như Elon Musk, Greg Brockman… chung tay thành lập OpenAI, công ty nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Từ đây, ChatGPT ra đời.
Khả năng thiên bẩm của Sam về công nghệ là không thể phủ nhận, nhưng khi anh càng được biết đến, công chúng lại càng tò mò về đời tư và tính cách của anh. Khi nhận ra từ nhỏ anh đã có một tư duy “không giống người”, công chúng lại càng thêm củng cố thiên kiến nhận thức: Thiên tài thường dị biệt!
Trong một bài viết năm 2016 trên tờ New Yorker, một blogger từng hỏi liệu Sam có mắc chứng Asperger (một dạng của bệnh tự kỷ) không, Sam phút chốc rất tức tối và cương quyết phủ nhận. Nhưng khi ngồi ngẫm lại, anh thấy cũng dễ hiểu nếu công chúng đang có sự hiểu lầm nhất định về anh.
Vậy Asperger là gì và tại sao các thiên tài công nghệ lại thường bị “gắn mác” là mắc Asperger?
Hội chứng Asperger còn được gọi là loại rối loạn phổ tự kỷ “chức năng cao”, với các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn các loại rối loạn phổ tự kỷ khác. Một số đứa trẻ mắc Asperger sở hữu trí thông minh vượt trội, thậm chí được coi là thiên tài, đổi lại, chúng gặp vấn đề như ám ảnh đặc biệt với một chủ đề cụ thể, nắm bắt vấn đề cảm xúc kém, không thể giao tiếp bằng ánh mắt, cử động vụng về, tuy vậy năng lực biểu đạt ngôn ngữ vẫn có thể hoạt động bình thường. Đừng hiểu lầm là chúng không quan tâm đến cảm xúc người khác, chỉ là những đứa trẻ này gặp khó khăn khi cố đặt mình vào vị trí của họ và cảm nhận.
Một số đứa trẻ mắc Asperger rất khó cảm nhận cảm xúc của người khác
Một bài viết trên trang Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ chỉ ra, thiên tài như Isaac Newton, Henry Cavendish hay Albert Einstein được cho là mắc chứng Asperger. Ở thời hiện đại, ta có tỷ phú công nghệ Elon Musk. Ông đã chính thức xác nhận chứng Asperger làm Elon khó kiểm soát cảm xúc, đó là lý do ông hay đăng nội dung kỳ lạ lên mạng.
Người mắc chứng Asperger thường chật vật thích nghi với xã hội, vì vậy họ dễ thất nghiệp, sự nghiệp chậm phát triển, tuy nhiên, một khi học được cách thích ứng, họ chính là nhóm người mang đến quyền năng thay đổi thế giới.
Elon Musk xác nhận mình mắc Asperger
Simon Baron-Cohen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tự kỷ ở Cambridge, cho biết, một đứa trẻ bình thường sẽ làm theo chuẩn mực xã hội, bởi vì đó là cách mà mọi người vẫn làm, còn trẻ mắc chứng tự kỷ hay Asperger rất hay hỏi tại sao, họ muốn câu trả lời hợp lý cho toàn bộ sự vật quanh mình, “làm theo những gì người khác làm” chưa bao giờ là cách trí tuệ của họ vận hành.
Trong khi rất nhiều người “bình thường” chơi Lego, thì đồng sáng lập Google, Larry Page, chế tạo hẳn một chiếc máy in lắp ghép từ các khối Lego. Marissa Mayer, giám đốc điều hành của Yahoo mô tả siêu năng lực của Larry Page là “hỏi ‘tại sao không’ về tất cả mọi thứ”. Không chạy theo đám đông chính là cách giúp họ mài giũa năng lực tư duy độc lập.
Ngoài ra, sự ám ảnh đặc biệt cũng là yếu tố cần được nhắc đến. Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, được chẩn đoán là có một số biểu hiện của hội chứng Asperger, chẩn đoán dựa trên cách nói chuyện, hành vi, và khả năng khó nắm bắt các tín hiệu xã hội của ông. Đổi lại, Bill Gates có một sự tập trung cực kỳ lớn khi làm việc.
Một bài viết trên tờ Washington Post đã tổng kết lại đặc điểm chung của rất nhiều thiên tài công nghệ và bằng một cách nào đó, ta không thể không gật gù với nhận định của tác giả. Vào năm 2015, Đại học Cambridge thực hiện một nghiên cứu trên gần nửa triệu người, kết quả chỉ ra các đặc điểm tự kỷ phổ biến hơn ở những người làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Dường như các nghiên cứu, quan sát đều khiến ta tin rằng thiên tài công nghệ thường mắc Asperger, và nếu chiếu theo lối suy nghĩ tuyến tính này, một gương mặt mới nổi gần đây trong làng công nghệ là Sam Altman, hiển nhiên sẽ rơi vào “tầm ngắm”.
Biểu hiện của Sam có giống với người mắc Asperger?
Trở lại câu chuyện của Sam Altman, ngay sau khi nổi trận lôi đình với câu hỏi của blogger, anh đã bình tĩnh tự đánh giá bản thân, và hiểu rằng sự hiếu kỳ và nhận định “rập khuôn” của người phỏng vấn cũng là điều dễ hiểu.
“Tôi hiểu vì sao anh ấy nghĩ vậy. Tôi hay ngồi theo tư thế kỳ lạ. Tôi chỉ quan tâm đến công nghệ, thiếu kiên nhẫn với điều mình không thích: tiệc tùng, con người. Người ta có thể cảm nhận nhiều cảm xúc trong một bức ảnh, tôi thì chỉ trưng ra gương mặt tò mò như người ngoài hành tinh vậy”, Sam giải thích.
Giống như nhiều thiên tài công nghệ và các nhà quản lý hàng đầu, tư duy của Sam rất rõ ràng, mạch lạc và anh nắm bắt tốt cách vận hành của các hệ thống phức tạp. Trong một buổi họp, Sam sẽ lắng nghe đề xuất của nhân viên, tập trung xâu chuỗi thông tin rồi chỉ ra những thiếu sót trong lập luận nếu có.
“Cha đẻ của ChatGPT” cũng có thể tập trung làm việc như một cỗ máy. Đồng nghiệp từng đùa rằng chưa bao giờ thấy Sam vào nhà vệ sinh, anh nhiệt tình đáp lại: “Tôi sẽ tập đi vệ sinh thường xuyên hơn để ‘mấy người’ không biết tôi thực chất là một trí tuệ nhân tạo”.
Trí thông minh, sự nhanh nhạy của Sam đã bộc lộ từ nhỏ. Thời điểm anh là một đứa trẻ, Sam đã nhìn được hệ thống đằng sau các mã vùng ở trường mẫu giáo, học cách lập trình và tháo rời máy tính Mac khi còn 8 tuổi.
Sự tò mò của Sam đối với thế giới là vô cùng lớn. Ví dụ, nếu khám phá ra một chủ đề nghe có vẻ thú vị như nội tiết tố bức xạ, anh sẽ “phát cuồng” về nó. Anh đọc và nghiên cứu mọi thứ cần biết xung quanh chủ đề, như quy hoạch đô thị, phản ứng tổng hợp hạt nhân. Patrick Collison, Giám đốc điều hành của công ty thanh toán điện tử Stripe, ví bộ não của Altman với máy gắp thú: “Nó (tư duy của Sam) bao quát xung quanh nhưng có khả năng lao xuống rất sâu khi cần”.
Phong cách làm việc chuyên nghiệp là vậy, nhưng kỹ năng ứng xử xã hội của Sam ra sao? Dưới thời Loopt, Sam chỉ tập trung hoàn toàn vào công việc mà bỏ quên yếu tố khác quan trọng không kém: con người.
Anh thường nhận được những lời phê bình về phong cách quản lý, đến mức chính Sam cũng phải thừa nhận đó là điểm yếu lớn nhất của anh tại Loopt. “Tôi không thích có những buổi nói chuyện riêng hàng tuần và hay tư vấn về con đường sự nghiệp của nhân viên. Nhưng tôi từng nghĩ cấp độ tổ chức lộn xộn một chút cũng không sao, bởi quan trọng vẫn là có thể đưa ra các phương án hoạt động đem lại lợi nhuận cho công ty”.
Nếu nói rằng việc “không quan tâm người khác nghĩ gì về mình” có phải điểm yếu không, Sam thẳng thắn khẳng định có một “mạch điện” bị thiếu trong não anh, đó là “mạch điện” quan tâm đến điều người khác nói về mình, nhưng chính thiếu sót này là một món quà vô giá. “Đa phần mọi người muốn được xã hội chấp nhận, họ sẽ không đánh liều để làm điều gì đó điên rồ, nhưng việc không dám đánh cược sẽ tước đi khả năng tính toán rủi ro của bạn”, Sam bổ sung.
Có lẽ vì ép trí não hoạt động quá nhiều, nên Sam không tránh được thời điểm sức khỏe giảm sút. Thời điểm khởi nghiệp với Loopt, anh làm việc lao lực đến mức bệnh còi xương “ghé thăm”. Những cơn đau đầu thường trực cũng ám ảnh anh.
Mẹ của Altman, một bác sĩ da liễu tên là Connie Gibstine, từng tâm sự: “Sam có nhiều suy nghĩ trói buộc bên trong. Sam nói với tôi rằng nó bị đau đầu, và khi tra cứu trên Google thì lại ra kết quả không hay. Tôi đã phải trấn an, bảo nó là nó không bị viêm màng não hay ung thư hạch, chỉ là căng thẳng quá mức thôi”.
Với tất cả những biểu hiện trên, Sam dường như rơi vào nhiều khuôn mẫu của một thiên tài mắc chứng Asperger, nhưng thực tế là có rất nhiều “Sam” như vậy ở ngoài kia. Thông minh, giỏi lập trình, dám khác biệt, tư duy nhanh nhưng giao tiếp xã hội không xuất sắc, đó hoàn toàn là biểu hiện của rất nhiều người trong xã hội.
Định kiến về thiên tài lập dị đã tồn tại hàng thế kỷ nhưng các bài kiểm tra IQ tiêu chuẩn lại không tiết lộ bất kỳ liên kết mang tính hệ thống nào. Hãy lùi lại một chút và khách quan nhìn nhận hơn, việc nhanh chóng gán cho ai đó “bệnh thiên tài” đôi khi lại tước đi cơ hội để họ thích nghi với xã hội và học hỏi từ sai lầm.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/thuc-hu-tin-don-cha-de-chatgpt-mac-chung-tu-ky-asperger-20230205123915093.chn” name=””]