Từ ngày cậu bán đất đến nay, cậu hay mời mẹ tôi qua nhà cậu chơi. Nghe tôi chọc: “Mẹ thấy người sang bắt quàng làm họ ha”, mẹ tôi liền bảo: “Tội, từ ngày đó tới nay, cậu mày có vui được bữa nào đâu”.
Tôi chọc mẹ: “Hai chị em tóc bạc như nhau” rồi, cậu còn tóc sâu đâu mà nhổ. Mẹ cười buồn, nói mẹ qua chơi cho cậu bớt buồn. Chứ có ai như cậu, có tiền đầy đủ, không còn cực khổ như xưa mà giờ lại khổ tâm.
Mà cũng tội cậu. Cậu mợ tôi có 7 người con, trai gái đủ cả, nhưng từ ngày mợ tôi mất vì ung thư, cậu ra vô thui thủi một mình. Có con trai và cháu nội ở chung nhà nhưng con đi làm, cháu không đi học thì đi chơi, cậu ra vô mình ên.
Ảnh mang tính minh họa – Karlyukav |
Rồi một ngày cậu bị tai biến, cả gia đình nháo nhào vì cậu. Các con cậu, người thì than mình bị bệnh nhiều, người nói mình phải lo cho con cháu, người kể lể phải đi làm mới có tiền nuôi vợ con… nên không ai có thể chăm cha. Cuối cùng, giải pháp toàn vẹn nhất là thuê người chăm cha. Sau khi xuất viện, nghĩ đến cảnh các con nghèo và cũng không muốn phiền đến các con về sau, cậu quyết định bán đất, chia một ít “cho mấy đứa nhỏ làm ăn”. Nghe vậy, cả nhà cậu đều đồng ý.
Sau khi nhận tiền cọc, 3 người con bỗng đổi ý. Anh Hai cho rằng tỉ lệ chia như vậy là không hợp lý với nhà anh vì nhà anh con đông, các con anh – cháu nội cậu – cũng khó khăn. Anh kế út giờ chỉ muốn nhận đất, không lấy tiền. Con út nói giàu út ăn, nghèo út chịu lại thêm mình ở nhà thờ, cúng giỗ, nhà đã hư, xuống cấp mà được chia đều cũng là sai. Cả 3 người kiện cha mình ra tòa vì… vi phạm pháp luật. “Tôi không ký thì làm sao cha tôi bán được. Kỳ này cho ổng đền cọc người ta cho biết” – một người con của cậu rêu rao.
Từ lúc có tiền tỉ trong tay, nhà cậu tôi vắng lặng hẳn. Cậu sang nhà con trai thứ ăn cơm vì vợ chồng con trai út không ngó ngàng gì tới cha. Hai anh em nhà sát bên nhưng không bước qua nhà nhau dù chỉ nửa bước. Cháu nội ở chung nhà thấy ông nội cũng ngó lơ. Giỗ mợ tôi cũng vắng cả bàn con cháu trong nhà. Những lúc đó, sợ cậu buồn, không ai nhắc tới. Cứ như là các anh tôi mê đắp bờ bắt cá như ngày nào nên chưa về kịp. Rồi lúc về, họ sẽ bị cậu la và tối đó, cả nhà quây quần bên mâm cơm canh chua cá lóc cùng món cá kho khô, ăn đến hết miếng cháy vẫn còn thèm.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
***
Chuyện nhà đất làm phân li tình thân giữa cha mẹ và con cái thời gian gần đây không còn hiếm nữa. Mới đây, tại Hưng Yên xảy ra 1 vụ án thương tâm cũng vì chuyện đó. Do mâu thuẫn trong việc chia quyền thừa kế đất, 3 người con gái của bà Vũ Thị Đ. (61 tuổi) đến nhà mẹ để tranh cãi, đòi mẹ chia lại tài sản. Cả 3 muốn mẹ chia thêm một phần đất ở mặt tiền mà bà Đ. cho con trai, dù 3 cô đã được chia một phần đất trong ngõ. Vì mẹ không đồng ý, 1 trong 3 người con gái đã đổ can xăng mình mua trước đó ra giữa nhà đốt, làm 4 mẹ con bị phỏng nặng, phải nhập viện cấp cứu. Đến thời điểm này, 2 người con trong số đó đã không qua khỏi. Công an đã khởi tố vụ án, tội danh giết người với các cô con gái. Những người trong câu chuyện buồn trên chắc chắn sẽ không tránh được tiếng đời.
Một gia đình tan nát, tình nghĩa cũng đã ra tro sau những mất mát không gì đo đếm được mà có lẽ người trong cuộc không bao giờ lường trước hậu quả trong cơn cuồng giận, uất hận.
***
Còn nhớ cách đây 8 năm, một cô người mẫu sau khi kiện người chồng đại gia đã kiện luôn mẹ ruột của mình để đòi 5 căn biệt thự mà cô nhờ mẹ đứng tên trước đó. Mẹ cô nói không muốn giao lại cho cô vì đó là tài sản đang tranh chấp giữa cô và chồng cũ, bà chờ quyết định của tòa. Sau đó, chồng cũ của cô đã rút yêu cầu khởi kiện với 5 căn biệt thự này. Cô người mẫu cho rằng mẹ mình có ý định chuyển nhượng 5 căn biệt thự trên cho chồng cũ của cô hay một bên thứ ba, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cô.
Chuyện thưa kiện này làm dậy sóng mạng xã hội. Người bênh thì ít, kẻ chê lại nhiều. Họ chê trách cô lỗi đạo làm con, bất hiếu… nhưng cô cũng có lý của mình khi người mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc đời của con, có ý muốn tác động đến việc hành pháp. Với văn hóa Á Đông, người nhận búa rìu dư luận trước tiên là đứa con, dù về lý có lúc con cái không sai. Chuyện đâu dừng ở đó. Người mẹ lên báo kể chuyện ngày xưa hy sinh nhiều cho con, mà giờ con lại quên tất cả. Con gái cũng viết tâm thư gửi mẹ, hờn trách. Không cần biết đến kết quả của phiên tòa, ai cũng hiểu rằng người trong cuộc đều bị tổn thương nghiêm trọng mà dù có nhiều tiền đến thế nào cũng không thể tìm lại được cảm giác ấm áp khi xưa. Chính cô người mẫu này sau đó đã thừa nhận mình từng muốn tự tử vì những lời mẹ cô kể xấu với báo chí về con gái. Người mẹ chắc cũng đau không kém con mình khi bị nêu tên trong đơn kiện.
***
Không thể thắng kiện như cô người mẫu nổi tiếng đó, mới đây, những người con cậu tôi tức giận, mắng nhiếc cả chủ tọa phiên tòa, nói sẽ tiếp tục gửi đơn kháng án lên tòa phúc thẩm. Tôi biết mình có khuyên can thế nào thì các ông anh của tôi vẫn quyết làm theo ý mình. Hạn chế về kiến thức pháp luật, các anh họ tôi vẫn khăng khăng cho rằng 50% giá trị đất mà cậu tôi đứng tên là thuộc phần di sản của mợ, vì là “của chồng công vợ”, các anh có quyền tranh chấp. Nhưng, có một điều các anh tôi chưa biết là luật sư bên mua, sau khi xem kỹ giấy tờ, chứng minh phần đất đó là ông bà ngoại tôi cho riêng cậu đứng tên, đã đồng thuận cho thân chủ của mình “xuống tay” đặt cọc. Công lý hẳn nhiên sẽ thuộc về bên thực hiện đúng luật.
Tuy nhiên, theo một luật sư chuyên về các vụ kiện đất đai, những việc như thế này nên tự giải quyết, thỏa thuận ở trong nhà, không nên đưa ra tòa xét xử vì vừa mất thời gian vừa mất tiền bạc. Có vụ tranh chấp về thừa kế từ lúc hoàn tất thủ tục đến lúc ra tòa sơ thẩm mất… 8 năm. Quan trọng hơn hết là mất mát tình cảm – điều mà tiền bạc hay bất cứ thứ gì cũng không thể bù đắp được.
Ảnh: Gia Linh |
Không ra tòa vì đã ủy quyền cho luật sư bên mua đất, cậu tôi cũng biết kết quả lẫn những gì mấy người con cậu gay gắt trên tòa. Vậy nhưng ai hỏi đến cậu cũng ậm ừ cho qua chuyện, nói mình không biết gì. Cậu vẫn không đi đâu vì xấu hổ với hàng xóm.
Mẹ tôi dặn tôi mai đi chợ nhớ mua mớ rau đắng để mẹ nấu canh cho cậu, vì cậu thèm mà ngại phiền con dâu. Tôi nhắc nhớ ngày xưa ngoài cái đìa của cậu có mớ rau đắng, cần gì phải mua. Mẹ thủng thẳng kể năm trước con dâu út cậu lấp cái đìa đó, dọn luôn mớ rau đắng năm nào bởi “cái thứ này ăn uống có ngon lành gì đâu mà trồng chi”.
Tôi biết cậu thèm rau đắng nấu canh vì nhớ tới cái thời nhà cậu mợ khó khăn, chỉ có món tép rang hay mớ cá kho mà các con cậu bắt, xúc được và canh là rau đắng hay những lá, trái trồng trong nhà nhưng bữa cơm luôn tràn đầy tiếng cười.
Cậu ơi, thương chi rau đắng ngày xưa. Bây giờ, món rau đó đã là đặc sản rồi. Quên bớt đi để sống an vui cũng là một điều cần thiết cho người già như cậu.
Thủy Tiên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thuong-chi-rau-dang-ngay-xua-a1480350.html” name=””]