“Trời hỡi con dâu ơi, bảy bát gạo sao nó thành bảy bát cơm?”. Tiếng mẹ kinh ngạc rồi bật lên thành tiếng cười sảng khoái.
“Con nấu mấy chén gạo vậy con?”. “7 chén mẹ ơi, nay có chị Hai về chơi, con tính mỗi người hơn một chén cơm nên đong bấy nhiêu đó”.
“Trời hỡi con nhầm hả, 7 chén gạo sao thành 7 chén cơm?”. Tiếng mẹ thốt lên kinh ngạc, rồi bà bật cười sảng khoái.
Chừng như mẹ ngờ ngợ gì đó, nên xoay người nhìn lên cầu thang, nơi tôi đang đứng chứng kiến câu chuyện bất đắc dĩ của mẹ và em dâu. Mẹ chỉ tay ngược lên cầu thang, giọng tỉnh bơ: “Lên nhà nghỉ đi con, chỗ dưới này là của mẹ với em”.
Tôi ngược lên lầu, tôi biết mẹ muốn tránh cho em dâu sự bối rối về những hồn nhiên quá đỗi ở nhà chồng.
Vài lần về nhà, gặp những câu chuyện cười ra nước mắt của em dâu như thế, hễ tôi định góp ý gì đó là mẹ xua tay: “Chuyện đó để mẹ. Em nó mới về còn lạ nước lạ cái”.
Có lần, thấy tôi cố chen ngang, mẹ dằn giọng: “Thôi nha, xấu tốt cũng con dâu tui. Chị về lo chuyện nhà mình đi”. Tôi chết trân với mẹ.
Quả là nhà tôi cũng còn bao nhiêu chuyện phải lo. Nhưng tôi hơi tự ái, khi từ bao giờ mẹ lại gạt tôi ra khỏi câu chuyện “nhà mẹ”? Tôi là con gái ruột của mẹ cơ mà!
Công bằng mà nói thì em dâu tôi là một người tốt tính, nhưng em vụng về chuyện bếp núc và đôi khi hồn nhiên quá. Mẹ nói: “Người tốt thì sửa được, chỉ là do chưa quen nếp nhà mình thôi. Con đừng làm em gặp tâm lí sợ khi bị xét nét”.
Trời hỡi, tôi có làm gì con dâu mẹ đâu? Chỉ là vài thứ em hay quên, hay em làm chưa đúng thì tôi chỉ. Tôi cũng không lớn tiếng hay bắt ne bắt nẹt điều gì, nhưng mẹ lúc nào cũng canh chừng tôi như một “giặc bên Ngô” chính hiệu.
Tôi hay chạnh lòng, thương cảm những phụ nữ rơi cảnh con dâu – mẹ chồng. Nhà nào cũng là chuyện cùng thương yêu một người đàn ông: người yêu chồng, người thương con trai. Để rồi hai thế hệ khó dung hoà nhịp sinh hoạt do cách biệt tuổi tác cùng những quan niệm sống khác nhau.
Tôi cũng đi làm dâu, cũng có lần rơi nước mắt buồn tủi vì những điều khác biệt. Mẹ ruột của tôi xưa kia cũng từng phải nhìn nét mặt bà nội hàng ngày để lựa cách mà cư xử. Và bây giờ em dâu tôi thì hồn nhiên như thế. Không lẽ mẹ lại áp những cái khó của đời mẹ để làm khổ con dâu? Mẹ nói với tôi, mẹ thương con dâu thì con gái mẹ đi làm dâu cũng sẽ được thương lại… Lý lẽ của mẹ đơn giản vậy thôi.
Hình minh hoạ |
Em dâu tôi là con một, bên nhà em lại có người giúp việc từ lúc em còn nhỏ. Mẹ kể, trong ngày cưới 2 em, bà sui cầm mãi bàn tay mẹ để dặn: “Con còn vụng dại lắm, bà thương con nhé”.
Mẹ hiểu cái tần ngần, lo lắng của chị sui. Nỗi lòng người mẹ nào cũng vậy, chỉ mong con mình sống hoà hợp với nhà chồng. Hoà hợp thì mới có bình yên.
Nếu như chiều nay mẹ la em dâu vì đổ tới 7 chén gạo vào nồi, hẳn em sẽ ngại ngùng sợ sệt. Lần sau làm gì cũng canh cánh hai chữ “mẹ chồng”. Mà mẹ thì xác định rõ sau này ba mẹ già đi, em dâu mới là người trực tiếp lấy lọ dầu gió hay nấu tô cháo nóng cho ông bà. Có lẽ vì mẹ như vậy nên tôi nhìn ra sự chân thành của em với mẹ khi thấy em cười hồn nhiên, rồi ôm ngang người mẹ, tình cảm như một đứa con gái thực sự.
Chân thành thì sẽ có yêu thương. Trên đời đâu có ai toàn vẹn để được quyền suy xét lẫn nhau. Tôi đã học được ở mẹ điều giản dị ấy, để sau này khi hai con trai tôi lớn lên, tôi cũng được giống phần nào đó như mẹ của mình với em dâu hôm nay.
Đinh Hương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thuong-con-dau-con-gai-minh-moi-duoc-thuong-lai-a1480522.html” name=””]